Đầu tư 1.428 tỉ cho 17 dự án trùng tu, tôn tạo di tích
Chiều 7.11, Quốc hội chất vấn các Bộ trưởng trong lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, văn hóa thể thao du lịch, y tế, lao động, thông tin và truyền thông.
|
|
Cảnh trong phim "Đất rừng phương Nam" (Ảnh: Nhà sản xuất) |
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) đặt câu hỏi về các giải pháp về nguồn lực cho công tác văn hóa, thể thao và du lịch?
Nữ đại biểu cho rằng, theo báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội về kết quả rà soát thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã nêu, nguồn lực cho công tác văn hóa, thể thao và du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để khắc phục tình trạng trên.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, về giải pháp tạo cơ chế nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, Bộ đang có hai cách tiếp cận.
Cách tiếp cận thứ nhất, nguồn lực theo nghĩa rộng, trong nhiệm kỳ này, Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, đặt tầm quan trọng của văn hóa lên ngang bằng với kinh tế, chính trị.
Sau thành công của Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Hội thảo về cơ chế, nguồn lực cho phát triển văn hóa, các hội thảo khác cũng làm rõ những nội hàm, giá trị, hệ giá trị giúp cho nền văn hóa có niềm tin mới, nguồn lực mới, động lực mới để tập trung cho phát triển văn hóa theo tinh thần Nghị quyết của Đảng.
Nếu coi nguồn lực ở nghĩa hẹp là tài chính, đây cũng là vấn đề Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Năm 2004, Bộ Chính trị có quyết nghị phải chi cho văn hóa đạt ít nhất 1,8%. Nhưng kết thúc nhiệm kỳ khóa XIV, báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội cho thấy tổng chi ngân sách nhà nước cho văn hóa chỉ đạt 1,7%. Nhiệm kỳ này, Chính phủ đặt ra mục tiêu phải đạt mức chi 2%.
|
|
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn (Ảnh: Media Quốc hội) |
“Chính vì vậy, thời gian qua, Chính phủ đã có quyết nghị đầu tư 1.428 tỉ cho 17 dự án trùng tu, tôn tạo di tích ở các địa phương do địa phương làm chủ đầu tư. Ở một số địa phương cũng tăng dần mức chi cho văn hoá, như: Vĩnh Phúc đầu tư cho làng văn hoá kiểu mẫu trên 2.600 tỉ đồng, Hà Nội là 15.000 tỉ đồng…”, ông Hùng nói.
Để có giải pháp căn cơ, Bộ VHTTDL đang xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn 10 năm. Trong đó, đặt ra 7 mục tiêu tổng quát, 9 dự án thành phần, nhấn mạnh về dự án môi trường văn hóa, phát triển con người, nâng cao hiệu quả thông tin, bảo tồn phát huy các giá trị, đẩy mạnh chuyển đổi số, hội nhập quốc tế.
Nhấn mạnh nguồn lực phải bắt nguồn từ cơ chế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ cũng phối hợp cùng các bộ, ngành để rà soát các bộ luật, sửa đổi theo hướng không chỉ quản lý, mà còn kiến tạo, trong đó sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư, hợp tác công tư, thuế để tạo cơ chế khơi thông nguồn lực, lấy đầu tư công dẫn dắt, huy động nguồn lực xã hội bổ sung cho nguồn lực văn hóa.
Phim "Đất rừng phương Nam" không vi phạm pháp luật điện ảnh
Về vấn đề không gian mạng, theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL, trách nhiệm quản lý nhà nước là Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT). Thời gian qua, Bộ VHTTDL đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành để tháo gỡ, ngăn chặn các thông tin xấu độc, ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục của Việt Nam và có phương án xử lý.
Về tác động của đội ngũ văn nghệ sĩ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, Bộ đã ban hành bộ quy tắc ứng xử của đội ngũ làm công tác nghệ thuật, có tính chất về mặt đạo đức để tổ chức hướng dẫn thực hiện.
Riêng về nội dung có liên quan đến bộ phim "Đất rừng phương Nam", theo quy định của Luật Điện ảnh, Hội đồng thẩm định phim đã họp và xem xét cấp phép hoạt động.
Bộ phim này theo đánh giá của hội đồng “không vi phạm pháp luật điện ảnh”, còn chuyện dư luận cho rằng có những biểu hiện này, biểu hiện khác thì đó là những dư luận chưa thật chuẩn xác, cũng cần xem xét, tính toán để xử lý theo quy định nếu như có vấn đề xúc phạm, bôi xấu.