|
|
Trung tâm Bảo đảm kĩ thuật Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân tri ân các anh hùng, liệt sĩ |
Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7
Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn ra đời ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác... Sau đó ít lâu, Hội đổi thành Hội giúp binh sĩ bị thương. Ở Trung ương có Tổng Hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch danh dự của Tổng Hội. Ngày 28/5/1946, Hội tổ chức buổi nói chuyện quan trọng tại Nhà hát Lớn - Hà Nội, kêu gọi mọi người gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sĩ bị thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự. Ngày 17/11/1946, cũng tại Nhà hát Lớn, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam đã tổ chức lễ xung phong "Mùa đông Binh sĩ", mở đầu cuộc vận động "Mùa đông Binh sĩ" trong cả nước để giúp chiến sĩ trong mùa đông giá rét. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và Người đã cởi chiếc áo đang mặc để tặng binh sĩ.
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên, đời sống của chiến sĩ, nhất là những chiến sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trước tình hình trên, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra nhiều quyết định với những chính sách quan trọng về công tác thương binh, liệt sĩ, góp phần ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, gia đình liệt sĩ.
Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL, quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với cuộc kháng chiến và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.
Tháng 6/1947, đại biểu Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ, Thái Nguyên bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ Tịch, chọn một ngày nào đó làm Ngày Thương binh Liệt sĩ. Tại cuộc họp, các đại biểu nhất trí chọn ngày 27 tháng 7 là Ngày Thương binh toàn quốc. Từ đó, hằng năm cứ vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Đặc biệt, từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến công tác thương binh, liệt sĩ.
Tháng 7/1955, Đảng và Nhà nước quyết định đổi Ngày Thương binh toàn quốc thành Ngày Thương binh Liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27/7 hằng năm chính thức trở thành Ngày Thương binh Liệt sĩ của cả nước. Từ đó, mỗi năm cứ đến Ngày Thương binh Liệt sĩ, nhất là vào dịp kỷ niệm năm tròn, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.
|
|
Trung tâm Bảo đảm kĩ thuật Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân dâng hoa tri ân các anh hùng, liệt sĩ |
|
|
Đoàn tham quan dâng hương tri ân các anh hùng, liệt sĩ |
Về người liệt sĩ đầu tiên
Sau khi đã giành thắng lợi trong hai trận Nà Ngần và Phay Khắt, đêm ngày 4/2/1945, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tiến đánh đồn Đồng Mu - một đồn nằm trên đồi cao, giữa cánh đồng thôn Nà Đoỏng, xã Ân Quang, châu Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, một vị trí hết sức quan trọng của địch.
Tiểu đội trưởng Xuân Trường được phân công dẫn đầu 1 tổ; các mũi đột nhập chiếm vị trí chỉ huy, rồi cùng nội ứng tiêu diệt lính trong đồn. Gần 23 giờ, 2 tổ xung phong vượt qua hàng rào thép gai, đến sân đồn trước cửa trại lính. Một tổ đang đột nhập thì bị phát hiện. Lính khố xanh ném lựu đạn và bắn ra. Xuân Trường dẫn 1 tốp trèo qua cửa sổ, diệt 2 lính gác. Khẩu tiểu liên hết đạn, anh chuyển sang dùng kiếm ngắn tiếp cận vị trí chỉ huy. Quân lính lui vào trong cố thủ. Nhưng ngay lúc đó, 1 viên đạn bay xuyên qua ngực, Xuân Trường gục xuống. Những người còn lại vẫn tiếp tục xông lên.
Trận đánh đồn Đồng Mu kéo dài 3 tiếng, từ đêm mùng 4 đến rạng sáng ngày 5/2/1945. Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân diệt 20 lính, bắt 3 tù binh, thu 5 súng trường Mousqueton; Tiểu đội trưởng Xuân Trường hy sinh.
Đồng đội chôn cất Xuân Trường ở cánh đồng dưới chân đồn Đồng Mu. Sau này, hài cốt được đưa về nghĩa trang huyện Bảo Lạc, rồi một lần nữa chuyển về quê nhà xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng. Anh hy sinh lúc 35 tuổi, chưa có gia đình và cũng không hề để lại một bức di ảnh trên đời.
Tiểu đội trưởng Xuân Trường tức Hoàng Văn Nhủng, sinh ngày 4/11/1909, tham gia hoạt động cách mạng từ những năm 1930. Năm 1936, phong trào thanh niên phản đế lên cao ở vùng Cao - Bắc - Lạng. Anh thanh niên Hoàng Văn Nhủng 26 tuổi thoát ly gia đình đi cách mạng, trở thành liên lạc viên với bí danh Xuân Trường. Khoảng năm 1939, anh bị mật thám bắt, tra tấn dã man, nhưng nhất định không khai, cuối cùng chúng phải trả tự do.
Giữa năm 1940, Xuân Trường được cử đi học quân sự ở Liễu Châu, Trung Quốc và trở về 4 năm sau. Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, Xuân Trường cùng 33 đội viên khác tuyên thệ dưới cờ trong lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân...
|
|
Đoàn tham quan chụp ảnh lưu niệm |
Những ghi chép về người liệt sĩ đầu tiên của Quân đội ta rất ít. Trên bia danh sách đội viên ở khu di tích rừng Trần Hưng Đạo, ghi tên Hoàng Văn Nhủng, bí danh Xuân Trường ở vị trí thứ 25.
Xã Ân Quang sau trận đánh đồn Đồng Mu trở thành vùng đất Việt Minh quản lý. Sau đổi tên thành xã Xuân Trường để tri ân liệt sĩ.
Đặc biệt, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, quê hương của liệt sĩ Xuân Trường được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống Pháp”.
Ngày 19/8/1961, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 337/TTg cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Hoàng Văn Nhủng và đây là người liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.