Sở VH&TT TP.HCM đang đề xuất phạt bốn cụm rạp vi phạm khi cho người chưa đủ tuổi 18 vào rạp xem phim Mai, mức phạt là 60-80 triệu đồng.
Nhiều bạn đọc quan tâm: Lâu nay việc kiểm soát độ tuổi người xem phim được các rạp thực hiện ra sao?
Kiểm tra CCCD
Như chúng tôi đã thông tin, thời gian qua có nhiều học sinh tìm đủ cách hóa trang để giả làm người lớn vào rạp xem phim Mai (dán nhãn 18+) và ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra độ tuổi người xem phim.
|
|
Khán giả xếp hàng mua vé xem phim Mai tại một cụm rạp. Ảnh: VĂN HÀ |
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Thành Trung, Trưởng phòng Marketing và quản lý cụm rạp Cinestar Quốc Thanh (TP.HCM),
cho biết lực lượng chức năng đi kiểm tra độ tuổi người xem phim là đúng theo quy định của pháp luật.
“Tuy nhiên, tôi hơi lo ngại việc kiểm tra sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm xem phim của khán giả. Tôi nghĩ lực lượng chức năng có thể phối hợp với rạp kiểm tra độ tuổi khán giả vào lúc đầu giờ hoặc cuối giờ sẽ phù hợp hơn” - ông Trung bày tỏ.
Với vai trò quản lý tại cụm rạp Cinestar Quốc Thanh, ông Trung khẳng định rạp kiểm soát vé chặt chẽ, có quy định rõ ràng để khán giả biết mình phù hợp với phim nào; bên cạnh đó còn có nhân viên soát vé kiểm tra. Nếu thấy nghi ngờ về độ tuổi thì kiểm tra CCCD.
“Trừ những trường hợp cố tình lách quy định chứ quy trình và các bước kiểm soát thì bên rạp đã có từ lâu rồi” - ông Trung nói.
Bên cạnh đó, ông Trung cũng nhận định khâu kiểm soát độ tuổi người xem phim có gắn nhãn là trách nhiệm của rạp nhưng quan trọng hơn vẫn là ý thức từ khán giả. Hầu như phần lớn nguyên do là khán giả chủ đích vào xem chứ không phải phía nhà rạp lơ là trong khâu kiểm soát.
“Để công bằng, không chỉ xử lý mỗi nhà rạp, phải có thêm chính sách xử phạt khán giả cố tình lách quy định nữa” - ông Trung nói.
Việc kiểm soát và xử lý các rạp chiếu phim vi phạm khi cho người chưa đủ tuổi vào rạp xem phim có dán nhãn 18+ thời gian qua còn lỏng lẻo. Song dù muộn còn hơn không. Tôi tin rằng trong thời gian tới sẽ khắc phục dứt điểm tình trạng buông lỏng kiểm soát tại các rạp chiếu phim.
Về phía BHD Star, đại diện cụm rạp này cho biết đơn vị luôn tuân thủ nghiêm túc các quy định về việc phân loại, kiểm soát độ tuổi người xem phim.
“Đối với phim có dán nhãn, các khách hàng đều được yêu cầu cung cấp CCCD để chứng minh đủ tuổi theo quy định tại cả khu vực quầy bán vé và lối vào phòng xem phim. Việc kiểm soát này là tuân thủ theo quy định của Cục Điện ảnh, chúng tôi nghiêm túc thực hiện nên cũng không gặp phải vướng mắc nào” - đại diện của BHD Star cho hay.
Vấn đề cần và cấp thiết
Câu chuyện lực lượng chức năng kiểm tra độ tuổi người xem phim tại các cụm rạp, bên cạnh những phản hồi trái chiều là sự ủng hộ của một số phụ huynh.
|
|
Lực lượng chức năng kiểm tra độ tuổi khán giả tại một rạp phim. Ảnh: MXH |
Chị KB (45 tuổi, ngụ quận Tân Bình) cho biết khi đọc được thông tin lực lượng chức năng vào rạp kiểm tra độ tuổi người xem phim, chị hoàn toàn ủng hộ.
“Con trai tôi cũng chưa đủ tuổi nhưng bạn bè cứ rủ nó đi xem phim rồi còn chỉ cách lách cửa kiểm soát. Biết rằng học sinh là tuổi tò mò, thích khám phá nhưng việc gì đúng thì cần phải thực hiện để giảm thiểu những tác động tiêu cực” - chị KB chia sẻ.
Còn chị TC (42 tuổi, ngụ quận 4) tuy đồng quan điểm nhưng chị mong lực lượng chức năng thực hiện việc kiểm tra khéo léo hơn để tránh gây ra tranh cãi không đáng có.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cũng nhận định việc siết chặt cũng như kiểm tra độ tuổi người xem phim là vấn đề cần thiết và cấp thiết.
Theo vị này, trẻ vị thành niên rất dễ bắt chước hành động trong phim ảnh. Nếu các em mang những hành vi trong phim ảnh ra đời thực sẽ để lại hệ lụy rất lớn cho xã hội. Tình trạng trẻ bỏ học, sa ngã với thú vui tiêu khiển; trở nên manh động và dễ có hành vi vi phạm pháp luật hơn…
“Việc bảo vệ trẻ vị thành niên trước những bộ phim có nhiều cảnh nhạy cảm hoặc bạo lực không chỉ là bảo vệ sức khỏe tâm sinh lý của trẻ, mà còn góp phần ngăn chặn từ xa, từ sớm nguy cơ mất trật tự an ninh xã hội. Đồng thời cũng góp phần đưa các rạp chiếu phim phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa” - nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho hay.