"Thời điểm ấy tôi chỉ nghĩ làm sao cứu được bệnh nhân, không quan tâm họ là ai", nữ điều dưỡng nói khi nhận giấy khen từ ban giám đốc bệnh viện, chiều 28/3.
Cô cho biết cấp cứu là điều cơ bản của nhân viên y tế, là phản xạ bình thường khi gặp bệnh nhân có sự cố. Đây là công việc chị làm hàng ngày ở Trung tâm Cấp cứu A9 và cũng là những kiến thức đã học tại trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai.
PGS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết hành động cứu người là trách nhiệm, là tâm huyết, cái tâm của nhân viên y tế Bạch Mai. Hình ảnh điều dưỡng Hạ cấp cứu du khách nước ngoài là một hình ảnh đẹp của người nhân viên y tế Việt Nam với cộng đồng và thế giới.
"Khách nước ngoài đến Việt Nam an tâm về môi trường sống, về y tế của chúng ta", PGS Cơ nói.
Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cũng tặng giấy khen cho chị Hạ. Trung tâm Hỗ trợ Du khách (Sở Du lịch Đà Nẵng) đề xuất tặng voucher nghỉ dưỡng, trải nghiệm du lịch cho nữ điều dưỡng.
PGS Cơ đánh giá cấp cứu ngoại viện có ý nghĩa rất quan trọng. Người bệnh ngừng tuần hoàn không được cấp cứu trong vài phút có nguy cơ mất não. Người bị ảnh hưởng cột sống không được sơ cứu đúng, di chứng có thể ảnh hưởng cả đời.
Sắp tới, Trung tâm A9 sẽ lập bộ phận cấp cứu ngoại viện. Cấp cứu ngoại viện cũng sẽ được đưa vào giảng dạy tại Trường Cao đẳng y tế Bạch Mai.
Tối 22/3, trong lúc dùng bữa tại một nhà hàng ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng, điều dưỡng Hạ phát hiện người đàn ông 70 tuổi, quốc tịch Ấn Độ, bị choáng, đi lại loạng choạng rồi ngã quỵ. Bằng phản xạ của một điều dưỡng cấp cứu, chị Hạ cảm nhận người đàn ông bị ngừng tuần hoàn (ngưng tim, ngưng thở). Chị lập tức kiểm tra thấy ngừng tim, sau đó ép tim ngoài lồng ngực liên tục, cứu sống được bệnh nhân.
Du khách trên sau khi được điều trị một đêm tại bệnh viện ở Đà Nẵng đã xuất viện và về nước.