Đúng như dự đoán trước đó, đêm diễn đầu tiên (29/7) của nhóm Blackpink tại Hà Nội đã chật cứng khán giả, phủ đầy sân vận động Mỹ Đình có sức chứa lên tới 40.000 chỗ ngồi. Trong rất nhiều khán giả tới xem đêm diễn của Blackpink tại Hà Nội, không chỉ có giới trẻ Thủ đô mà còn có nhiều fan hâm mộ từ các thành phố, địa phương của đất nước cũng như người hâm mộ từ các quốc gia lân cận.
Có thể khẳng định rằng, chuyến lưu diễn của Blackpink nói riêng và các nhóm nhạc hàng đầu thế giới tới Hà Nội là cơ hội để quảng bá hình ảnh Thủ đô, mở ra các cơ hội hợp tác và phát triển từ du lịch âm nhạc.
Điều này đã được minh chứng bằng việc "cháy phòng" tại các khách sạn của Hà Nội cũng như giá vé máy bay tăng cao đột biến trước giờ 4 cô gái của Blackpink biểu diễn. Vào khoảng 20h ngày 28/7, vé máy bay chặng TP HCM đi Hà Nội của các hãng gần như "cháy sạch". Vé hạng phổ thông của ngày 28/7 đã hết, chỉ còn lại hạng thương gia với mức gần 9 triệu đồng/vé.
Một số khách sạn ở quanh khu vực Mỹ Đình đã hết phòng trong hai đêm diễn ra show Blackpink. Khách sạn Marina (Miếu Đầm, Mễ Trì) có 40 phòng đã "hết sạch" ngày 29/7 và gần hết phòng ngày 30/7. Khách sạn 4 sao Reyna (Mễ Trì) cũng xác nhận hết phòng trong hai ngày 29/7 và 30/7 từ hai tuần trước. Đây là điều hiếm gặp đối với các khách sạn tại khu vực Mỹ Đình ở thời điểm cuối tháng 7. Trong khi đó, các khách sạn tại khu vực phố cổ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đặc biệt, giá phòng có tăng nhẹ so với cùng kỳ mọi năm.
|
|
Đêm diễn đầu tiên của Blackpink tại sân vân động Mỹ Đình (Hà Nội) |
Trong một bài viết được đăng tài gần đây, PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) cho biết, trên phạm vi toàn cầu, tour diễn của Blackpink tạo ra một khoản doanh thu ấn tượng lên tới 163,8 triệu đô la (khoảng 3.861 tỉ đồng), một khoản thu khổng lồ nếu chúng ta so sánh là lớn hơn cả ngân sách chi thường xuyên hằng năm cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch của Việt Nam.
"Sự thành công của BlackPink và tour diễn Born Pink khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về việc tập trung đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa, đi theo đúng xu hướng phát triển quốc tế, để không chỉ tạo tác động lan tỏa sang các lĩnh vực kinh tế - xã hội, mà còn tạo dựng uy tín, thương hiệu và sức mạnh mềm Việt Nam trên trường quốc tế", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
Từ góc nhìn của một chuyên gia về du lịch, Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy - Giảng viên Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam đánh giá cao cơ hội phát triển du lịch âm nhạc cho Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Theo Tiến sĩ Kanagasapapathy, với di sản văn hóa phong phú và ngành du lịch đang phát triển nhanh chóng, Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch âm nhạc. Thêm vào đó, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, những thành phố sôi động và tấm lòng hiếu khách ấm áp của người dân Việt Nam đang “dựng phông nền” hoàn hảo cho các hoạt động du lịch âm nhạc.
Bằng việc quảng bá di sản âm nhạc và nền âm nhạc sôi động một cách chiến lược, Việt Nam có thể thu hút làn sóng khách du lịch mới tìm kiếm trải nghiệm văn hóa kết hợp giải trí. Hợp tác với các nhạc sĩ địa phương, thúc đẩy phát triển tài năng và giới thiệu các thể loại âm nhạc đa dạng có thể định vị Việt Nam là điểm đến không thể bỏ qua cho các tín đồ âm nhạc.
Vậy làm thế nào để Thủ đô và các thành phố khác trên đất nước Việt Nam tận dụng được lợi thế của mình để phát triển du lịch âm nhạc? PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, Nhà nước cần chú trọng hơn nữa đến việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng văn hóa và giáo dục nghệ thuật, cung cấp sự hỗ trợ và tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo.
Ngoài ra, cần xây dựng các chính sách và quy định để bảo vệ và thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới trong lĩnh vực này. Rõ ràng, việc đầu tư và phát triển các ngành nghệ thuật với tư cách là một lĩnh vực của công nghiệp văn hóa – sáng tạo này sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho quốc gia, góp phần xây dựng một hình ảnh tích cực và thu hút sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế, hình thành nên sức mạnh Việt Nam trong tương lai sắp tới.
Còn Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy lại đề cao sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý du lịch, các đơn vị tổ chức sự kiện và doanh nghiệp địa phương. Theo bà Kanagasapapathy, sự hợp tác này sẽ tạo ra các gói du lịch toàn diện kết hợp vé xem biểu diễn với lịch trình du lịch phù hợp sẽ thu hút khách du lịch âm nhạc tham quan, khám phá đất nước, chứ không chỉ đến để xem biểu diễn.
Bên cạnh đề, Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy còn cho rằng, việc nâng cao hạ tầng giao thông và kết nối cũng thiết yếu. Đảm bảo lựa chọn du lịch đến Việt Nam cũng như trong lãnh thổ Việt Nam thuận tiện và đáng tin cậy, bao gồm các đường bay quốc tế và hệ thống giao thông trong nước hiệu quả sẽ tạo điều kiện sắp xếp chuyến đi liền mạch, thuận tiện cho khách du lịch âm nhạc. Ngoài ra, việc cung cấp các lựa chọn chỗ ở đủ tiện nghi, gần khu vực tổ chức biểu diễn và các điểm nóng du lịch khác sẽ nâng cao trải nghiệm tổng thể của khách tham quan và đẩy mạnh kéo dài thời gian lưu trú.