Đây là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954 – 21/7/2024).
|
|
Bà Trần Việt Hoa - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III phát biểu |
Về chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đang lưu giữ hàng ngàn trang tài liệu với nội dung tái hiện lại hoàn cảnh lịch sử, quá trình chỉ đạo, sự chuẩn bị chiến dịch; diễn biến và kết quả, ý nghĩa của chiến dịch; quá trình quân dân cả nước phối hợp cùng chiến trường Điện Biên Phủ; dư luận và tình cảm bạn bè quốc tế về chiến dịch; chính sách của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với các thương bệnh binh và với các hàng binh.
|
|
Những tư liệu gốc quí giá về chiến dịch Điện Biên Phủ được trưng bày giới thiệu |
Cùng với đó là tài liệu về các sự kiện quan trọng của đất nước, tạo cơ sở để đấu tranh về mặt ngoại giao, tiến tới sự thành công của Hội nghị Geneva năm 1954. Ngoài các tài liệu giấy, Trung tâm còn có nguồn tài liệu phong phú hết sức quí giá là ảnh và các thước phim tư liệu được các phóng viên, đài báo nước ngoài cung cấp qua quá trình hợp tác, trao đổi thông tin.
Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cho biết: "Rất nhiều tài liệu lưu trữ mà chúng tôi nghĩ rằng là rất cần thiết bởi vì nhìn ở góc độ là phía Việt Nam nhưng trong quá trình diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ thì có cả sự tham gia của phía quân đội Pháp. Những tài liệu đó thì phía Lưu trữ chúng tôi cũng có sự hợp tác và đã được các bạn lưu trữ ở các nước như Pháp, Nga chia sẻ và gửi tài liệu để chúng ta khi đánh giá một sự kiện sẽ thấy được rất nhiều chiều. Cũng rất may mắn Trung tâm được rất nhiều các nhân chứng, các cá nhân, gia đình họ có các tài liệu, kỷ vật liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ họ cũng có gửi gắm cho Trung tâm".
|
|
Tư liệu ảnh về Bác Hồ chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ |
|
|
Điểm trưng bày tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III |
Đối với các tài liệu lưu trữ về Hội nghị Geneva về lập lại hòa bình ở Đông Dương năm 1954, Trung tâm lưu trữ những tài liệu, hình ảnh về hoàn cảnh lịch sử, diễn biến, kết quả của Hội nghị Geneva, tác động và quá trình thực thi hiệp định; dư luận thế giới đối với Hội nghị Geneva… đặc biệt nhiều bản tuyên bố về lập trường, quan điểm của các bên tham gia Hội nghị, về sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam…phản ánh một cách sinh động về diễn biến của Hội nghị Geneva.
Để phát huy giá trị, các tài liệu này đã được chỉnh lý, sắp xếp khoa học và được bảo quản an toàn và phục vụ các nhu cầu khai thác của đông đảo công chúng. Trong thời gian qua, những khối tài liệu này đã được Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức phát huy giá trị dưới nhiều hình thức: viết bài, trưng bày, triển lãm, xuất bản sách, xây dựng phim... Đánh giá cao giá trị về mặt lịch sử và khoa học của khối tài liệu này, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định: "Các tư liệu lưu trữ quốc gia về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneva năm 1954 cho chúng ta được trở lại với các tài liệu nguyên gốc. Mà trong nghiên cứu lịch sử của chúng tôi, tài liệu nguyên gốc là tài liệu có giá trị cao nhất để nhận diện đúng nhất, chuẩn xác nhất các sự kiện lịch sử. Trước đây, chúng ta chưa có nhiều điều kiện để tiếp xúc với các nguồn tư liệu này. Đặc biệt, trong triển lãm này còn giới thiệu cả các tư liệu của Pháp, của Liên Xô cũ, của Trung Quốc và một số những tư liệu khác nữa. Thì có thể nói rằng, chúng ta có một điều kiện để tiếp xúc với các nguồn tư liệu như vậy để có nhìn nhận toàn diện hơn, khách quan hơn và trung thực hơn.
Từ nguồn tư liệu này, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đang phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự, Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm, xuất bản sách. Đặc biệt, Trung tâm đang phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Pháp, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Triển lãm “Quan hệ Việt Nam - Pháp: Từ Điện Biên Phủ đến đối tác chiến lược” từ nguồn tài liệu của nhiều cơ quan, tổ chức, nhằm góp phần lưu giữ và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ mai sau.