Nỗi lo khi tuổi già ập tới

Nhiều năm hành nghề chở hoa quả thuê ở chợ Long Biên (Hà Nội), bà Lê Thị Hợp (SN 1961, Phú Xuyên, Hà Nội) gần như không tích luỹ được đồng nào. Là mẹ đơn thân, bà phải làm thuê đủ thứ việc để bươn chải, nuôi con trai khôn lớn.

"Nghèo nhưng phải cố cho con học hành đàng hoàng" - bà nói. Trong căn phòng trọ lụp xụp, đồ đạc cũ kỹ bày la liệt, ánh đèn le lói rọi thẳng vào mái tóc bạc trắng của bà.

Bà nghẹn ngào, nhiều năm trước, chồng bà cũng là một người vô gia cư, cuộc sống đói nghèo khiến cả hai khó chung đường, ông bỏ lại bà và cậu con trai khi ấy mới 6 tháng tuổi.

leftcenterrightdel
 Bà Hợp trong căn trọ thuê với giá 1 triệu đồng/tháng gần chợ Long Biên (Hà Nội). Ảnh: Lương Hạnh

Học đến cấp 2, con trai bà xin nghỉ học, theo mẹ hành nghề chở thuê hoa quả. Bà Hợp bất lực, không thể ép con phải học khi con không muốn tiếp tục. Đến nay, con trai bà đã ở độ tuổi ngoài 30, anh vẫn chưa lập gia đình và không ở trọ cùng mẹ.

Bà Hợp cho biết, bà được trả 30.000 - 50.000 đồng cho một chuyến xe kéo thuê. Tiền công nhiều hay ít phụ thuộc vào độ dài của quãng đường bà được thuê kéo. Nếu ngày nào có nhiều chuyến hàng, thu nhập của bà sẽ khá hơn, bù cho ngày không có. "Làm đến đâu tiêu đến ấy, tôi cũng không để dư ra đồng nào" - bà Hợp tâm sự.

Khi được hỏi về khoản trợ cấp hưu trí xã hội, bà Hợp bày tỏ sự vui mừng. Bởi, nếu giảm độ tuổi để được nhận số tiền này, bà sẽ đỡ được phần nào nỗi lo khi tuổi già ập tới.

Không trở thành gánh nặng cho con

Rong ruổi cả một buổi chiều, chị Lường Thị Ngân (SN 1977, Phú Thọ) mới thu gom được ít bìa carton và vài vỏ lon bia. Hành nghề thu mua phế liệu được 2 năm, chị tiết lộ cũng để ra được một khoản tiền ít ỏi phòng khi ốm, đau.

Con trai chị Ngân năm nay hơn 18 tuổi, hiện cũng là lao động tự do, thu nhập trung bình khoảng 5-6 triệu đồng/tháng.

"Có tháng, cháu đưa tôi vài triệu đồng, tháng không có đồng nào đưa mẹ. Mọi chi tiêu trong gia đình trông chờ vào công việc đi thu mua phế liệu của tôi", chị Ngân tâm sự.

leftcenterrightdel
 Chiếc xe đạp “gánh” cả gia đình của chị Ngân. Ảnh: Lương Hạnh

Trước đây, chị Ngân cũng từng làm công nhân dệt may ở khu công nghiệp gần nhà. Lương thấp, nhiều khoản phải trang trải trong cuộc sống, chị quyết định nghỉ việc đi thu gom phế liệu.

Chị Ngân cũng bày tỏ lo ngại sau này khi không còn sức khoẻ nữa, chị sẽ trở thành gánh nặng của con trai.

"Nếu hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sẽ giúp tôi đỡ được phần nào nỗi lo khi về già" - chị Ngân bày tỏ.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 114/NQ-CP ngày 28.7.2023 tại phiên họp Chính phủ tháng 7 về dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Theo đó, Chính phủ thống nhất về việc cần có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để bổ sung thêm chính sách, tăng thêm quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội.

Chính phủ thống nhất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi; mở rộng nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc…

Chính phủ nhận định, nội dung dự thảo Luật cơ bản đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách, hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội trong điều kiện mới, khắc phục nhiều bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật.

Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện nội dung dự thảo Luật theo hướng tiếp tục tổng kết quy định pháp luật liên quan và tháo gỡ khó khăn từ thực tiễn.

Nguồn laodong
Link bài gốc

https://laodong.vn/ban-doc/voi-noi-lo-tuoi-gia-khi-giam-tuoi-huong-tro-cap-huu-tri-tu-80-xuong-75-1223504.ldo