Ngày nay, Việt Nam là một quốc gia biển, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, với 3.260 cây số bờ biển và diện tích mặt biển hơn một triệu cây số vuông; trong đó có hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ và hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đây là phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước bi tráng của dân tộc suốt mấy ngàn năm.
Biển là không gian sinh tồn của biết bao thế hệ người Việt đời này qua đời khác, nên dân tộc Việt Nam có một kho tàng Văn hóa biển thật đồ sộ, phong phú và độc đáo. Đó là tập hợp các biểu hiện văn hóa vật thể và phi vật thể của những cộng đồng người sinh sống ở khu vực ven biển hoặc trên đảo; bao gồm những kiến thức và kinh nghiệm truyền đời, những nghi thức thực hành phong tục, tín ngưỡng, lối sống...
Những tri thức và nghi thức ấy, trước tiên và trên hết là để ứng xử với các tác động từ biển, như: Ứng phó với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, cách thức làm ăn nương theo tự nhiên, khai thác nguồn lợi từ biển, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển và hải đảo...
Văn hóa biển của dân tộc Việt Nam đa dạng và phong phú với nhiều loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể; thể hiện trong nghề đi biển, giao thương biển, tổ chức xã hội, lễ hội, tập tục, truyền thống chống ngoại xâm của cư dân ven biển...
Văn hóa biển nảy nở trên đất nước có chiều dài đường bờ biển gấp đôi đường bộ, người dân cật lực mưu sinh, cuộc sống gắn với biển và cũng mang trong mình niềm tự hào lớn lao về biển.
Đó là các lễ hội gắn với nghề biển, với các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, như: Lễ hội Cầu ngư và lễ Nghinh Ông gắn với tục thờ cá Ông ở nhiều nơi, lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn ở Hải Phòng, lễ hội đền Độc Cước và đền Bà Triệu ở Thanh Hóa, lễ hội Vía Bà ở Cà Mau...
Đặc biệt, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở Quảng Ngãi là một nghi lễ truyền thống, đã tồn tại hàng trăm năm và trở thành một trong những sinh hoạt văn hóa tinh thần tiêu biểu của cư dân trên đảo Lý Sơn nói riêng và nhiều địa phương ven biển miền Trung nói chung, để tri ân những người lính Hải đội Hoàng Sa từ hàng trăm năm trước đã vượt sóng gió đi bảo vệ chủ quyền trên biển...
Cùng đó là hệ thống các công trình kiến trúc và di tích lịch sử, gắn liền với tín ngưỡng, tôn giáo, thờ cúng những tiền nhân kiệt hiệt có công đánh giặc giữ biển, đảo và có công giúp dân khai phá biển, đảo để làm ăn sinh sống...
Đặc biệt các di tích lịch sử hiện đại, gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng; tiêu biểu như các di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển, gắn với chiến công của Đoàn tàu không số huyền thoại trải dọc các tỉnh từ phía Bắc đến phía Nam; Khu di tích lịch sử ở Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Khu di tích lịch sử trên đảo Phú Quốc (Kiên Giang)...
Có thể nói, các di sản văn hóa trong không gian Văn hóa biển của nước ta có vai trò quan trọng trong việc xác định các giá trị văn hóa truyền thống và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nói cách khác, Văn hóa biển Việt Nam là một bộ phận quan trọng và tiêu biểu của văn hóa dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Điều này bắt nguồn từ thực tế lịch sử: Các cuộc xâm lăng của ngoại bang xưa nay thường bắt đầu từ phía biển, nên ông cha ta rất chú trọng đến việc phòng thủ bờ biển, xây dựng nghệ thuật quân sự trên biển và đã lập nên những võ công hiển hách gắn liền với các địa danh biển, đảo từ Bắc chí Nam...
Tương truyền, thời Hùng Vương thứ 6, quân giặc từ đảo Quỳnh Châu đưa thuyền vào cướp phá tài sản của nhân dân sống ở ven bờ biển của nước Văn Lang. Nhà vua đã đưa quân về đóng ở khu vực Hải Phòng hiện nay, cùng cư dân địa phương đánh lui nhiều cuộc tấn công của quân giặc từ phía biển. Thừa thắng, quân sĩ còn dùng thuyền chiến vượt biển sang tận đảo Quỳnh Châu đánh tan căn cứ của quân giặc.
Thời kỳ phong kiến Việt Nam, vấn đề chủ quyền lãnh hải được các triều đại quan tâm rất cụ thể, có hệ thống và ở tầm mức cao hơn. Sau chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất năm 938 của Ngô Quyền, hải giới nước ta và Trung Quốc đã được xác lập. Khi sứ thần nhà Tống sang nước ta, đến hải giới Giao Chỉ đã được vua Lê Đại Hành cho chiến thuyền và quân binh nghênh đón. Thời nhà Lý tiếp đó đã thành lập Trang Vân Đồn để quản lý vùng biển Đông Bắc. Thời nhà Trần đã thiết lập các Trấn ở bờ biển để canh giữ lãnh hải. Đến thời nhà Lê đã đặt các đơn vị Tuần kiểm ở các cửa biển và một số đảo để quản lý biển và thu thuế các tàu thuyền nước ngoài qua lại vùng biển nước ta. Đặc biệt, đến thời các chúa Nguyễn, triều đình đã tuyển chọn những người thông thạo, nhiều kinh nghiệm đi biển để thành lập các hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải luân phiên nhau ra khảo sát, khai thác và trấn giữ quần đảo Hoàng Sa. Các đội này được tiếp tục duy trì qua thời Tây Sơn đến thời nhà Nguyễn sau này.
Hiện nay, trên đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn nhiều thư tịch cổ liên quan đến các đội Hoàng Sa. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa cùng những ngôi mộ gió vẫn còn hiện diện ở Quảng Ngãi và nhiều địa phương ven biển, là những di sản tiêu biểu của Văn hóa giữ nước trong kho tàng Văn hóa biển Việt Nam.
Văn hóa giữ nước là một trong những đặc trưng văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam được hình thành, phát triển trong công cuộc đấu tranh giành và giữ nền độc lập, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng. Ngày nay, việc phát huy các giá trị của Văn hóa giữ nước trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo là một nội dung quan trọng của sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới.
Biển không chỉ đóng vai trò thiết yếu trong việc tạo lập không gian sinh tồn, hình thành nền Văn hóa biển mà còn đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cành khu vực và quốc tế hiện nay, các vấn đề an ninh phi truyền thống trên biển đang là những vấn đề nóng ở hầu khắp các đại dương, nhất là trên biển Đông và khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, việc phát huy giá trị Văn hóa biển là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, làm nền tảng quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thành ngữ Việt Nam có câu “Rừng vàng biển bạc”. Biển là kho tài nguyên khổng lồ để phát triển đất nước, bao gồm các giá trị văn hóa như đã đề cập trên đây, cùng những “của chìm, của nổi” mà thiên nhiên ban tặng; trong đó có các tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả, như các lợi thế về giao thương, du lịch, năng lượng tái tạo, công nghiệp ven biển...
Tháng 10/2018, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khóa XII) của Đảng đã ra Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; với mục tiêu tổng quát là: Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.
Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII) cũng nhấn mạnh: Để trở thành quốc gia biển hùng mạnh thì chủ quyền biển - đảo phải được bảo vệ vững chắc, phát triển kinh tế biển phải gắn liền bảo tồn Văn hóa biển; đi đôi với quan tâm bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, bảo vệ các hệ sinh thái... Theo đó, Văn hóa biển đang được các nhà khoa học và nhiều địa phương đẩy mạnh quan tâm nghiên cứu với các hướng tiếp cận, trong mối liên hệ với các ngành, lĩnh vực khác nhau.
Điều đó không chỉ làm phong phú, đậm đà hơn bản sắc Văn hóa biển nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung; mà qua đó hy vọng sẽ mở ra những hướng phát triển kinh tế biển, khai thác các giá trị Văn hóa biển gắn với phát triển bền vững. Đó là thiết thực góp phần quan trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên biển trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc.
Người Việt Nam ai cũng biết câu chuyện cổ tích kể về nguồn gốc của quả dưa hấu. Câu chuyện ca ngợi những người lao động chân chính, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, thử thách để đạt được những kết quả xứng đáng. Ẩn chứa sâu xa trong truyện cổ tích này, cũng như truyền thuyết về “Con cháu Rồng Tiên”, là tâm thức hướng ra biển của người Việt từ thuở hồng hoang. Biển không chỉ là môi trường sống, là vựa tài nguyên vĩ đại dành cho những người lao động can trường, sáng tạo, chịu khó, mà còn là môi trường thuận lợi cho hoạt động giao thương, kết nối... Theo đó, Mai An Tiêm đã trở thành “ông tổ của ngành Marketing” Việt Nam, nói theo ngôn ngữ thời kinh tế thị trường, khi ông đã nghĩ ra cách quảng bá sản phẩm hết sức độc đáo và hiệu quả: Khắc tên mình lên vỏ những quả dưa và thả xuống biển, nhờ thủy triều dâng sản vật lên nhà vua và đến với muôn dân...
Ngày nay, công cuộc hội nhập toàn cầu của đất nước ta được ví như sự nỗ lực “vươn ra biển lớn”. Cụm từ này đã được sử dụng mặc nhiên như một thành ngữ hiện đại, hay và đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, bởi Việt Nam là một quốc gia biển được thiên nhiên ban tặng một “mặt tiền” hết sức lợi thế và tiềm năng. Đặc biệt, khi đất nước Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chợt nhớ tới những câu thơ dào dạt, tha thiết của nhà thơ cách mạng Tố Hữu, viết sau ngày thống nhất non sông: Hùng vĩ thay toàn thân đất nước/Tựa Trường Sơn, vươn tới Trường Sa/Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước/Đỏ bình minh mặt sóng khơi xa...