Những tờ báo đầu tiên
Nắm vững lý luận và thực tiễn cách mạng, vận dụng đúng thời cơ, ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu – Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra tờ báo Thanh niên – cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên – tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Báo Thanh niên ra đời đã mở ra một dòng báo chí mới ở nước ta: Báo chí cách mạng Việt Nam. Là đội quân đi đầu trong công tác chính trị - tư tưởng, với chức năng tuyên truyền, cổ động, tổ chức nhân dân đứng lên làm cách mạng vì độc lập, tự do, gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, báo chí cách mạng đã trở thành một vũ khí cách mạng vô cùng lợi hại.
|
|
Tờ báo Thanh niên – cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên – tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu – Trung Quốc - Ảnh tư liệu |
Tiếp bước báo Thanh niên, nhiều tờ báo cách mạng khác ra đời và hoạt động theo cùng một chí hướng. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thành đã lập được danh mục (chưa đầy đủ) báo chí cách mạng Việt Nam ra đời từ sau tờ Thanh niên đến tháng 8/1945, gồm 256 tên báo. Đặc biệt nở rộ là thời kỳ sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2/1930) đến tháng 5/1936 (121 tên báo). Ngay trong những năm tháng khó khăn nhất sau khi bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai, là thời kỳ thực dân Pháp nhân cơ hội siết chặt hơn nữa guồng máy đàn áp ở Đông Dương, cho đến tháng 8/1945, vẫn có 55 báo và tạp chí cách mạng ra đời. Trong số đó có những tờ báo do các nhà lãnh đạo của Đảng trực tiếp phụ trách, đã có tác động rất mạnh mẽ đến phong trào thời tiền khởi nghĩa, như Việt Nam độc lập (1941), Cứu quốc (1942), Cờ giải phóng (1942).
Cách mạng Tháng Tám thành công, các báo Cứu quốc, Cờ giải phóng… tiếp tục xuất bản ở thủ đô Hà Nội với thể tài phong phú, hình thức đẹp và địa bàn phát hành rộng rãi hơn. Nhiều tên báo mới ra đời ở Thủ đô và một số thành phố lớn. Chỉ năm ngày sau Lễ Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945), theo quyết định của Trung ương và sự chỉ đạo trực tiếp của Bác Hồ, Đài Tiếng nói Việt Nam (7/9/1945) và ít ngày sau đó là Việt Nam thông tấn xã thành lập (15/9/1945), với quy mô và nhiệm vụ của những cơ quan thông tin đại chúng quốc gia.
Trên lãnh thổ Việt Nam "sự thật đã thành một nước tự do, độc lập", báo chí cách mạng xuất bản công khai, hợp pháp, được nhân dân cả nước nồng nhiệt chờ đón, tác động sâu sắc và có ảnh hưởng ngày càng lớn đối với công luận. Báo chí cách mạng do báo Thanh niên mở đường, dần dần tiến lên trở thành dòng chủ lưu trong nền báo chí nước nhà.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, báo chí cách mạng có bị thu hẹp ở Trung ương song ngược lại, được mở rộng trên nhiều địa bàn trong cả nước. Ngoài những báo chí là cơ quan Trung ương xuất bản và lưu hành chủ yếu ở Việt Bắc, các liên khu III, IV, V, Đông Bắc, các khu tả ngạn sông Hồng, vùng cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ đều có báo chí. Một số nơi như Nam Trung Bộ và Nam Bộ thành lập được đài phát thanh. Năm 1950, Hội Nhà báo Việt Nam ra đời ở Việt Bắc. Có được những thành quả ấy là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong những ngày kháng chiến gian khổ cũng như trong xây dựng hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chỉ đạo, xây dựng báo chí, đặc biệt coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm báo. Người khen ngợi, biểu dương những nhà báo có việc làm tốt, có tác phẩm hay cũng như phê bình, uốn nắn những thiếu sót, bất cập của báo chí. Người luôn tự nhận mình là người "có duyên nợ đối với báo chí". Hai kỳ Đại hội toàn quốc của Hội Nhà báo Việt Nam tiến hành năm 1959 và 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều đến thăm và có những lời chỉ bảo sâu sắc, ân cần.
Hồ Chí Minh - Người hoạt động báo chí suốt đời không mệt mỏi
Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm xây dựng, chỉ đạo báo chí, dành cho báo chí nhiều ưu ái, Người còn trực tiếp viết báo. Hồ Chí Minh là người hoạt động báo chí suốt đời không mệt mỏi. Ngay cả trong thời gian giữ trọng trách lãnh đạo đất nước, nhiệm vụ nặng nề và thời gian eo hẹp, Bác Hồ vẫn viết báo đều đặn. Riêng báo Nhân dân, từ khi báo này ra số đầu tiên (năm 1951) cho đến khi Người đi xa (năm 1969), đã đăng khoảng 1.200 bài báo của Bác, trung bình mỗi năm, Người viết 60-70 bài. Trong nửa thế kỷ, tính từ ngày đăng bài báo đầu tiên cho đến khi qua đời, Bác Hồ đã viết không dưới 2.000 bài báo.
|
|
Bất kỳ hoạt động ở đâu, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến báo chí - Ảnh tư liệu |
Các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài, khi nhìn lại sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhất trí: "Sau chiến tranh thế giới, Nguyễn Ái Quốc là nhà báo viết nhiều nhất tố cáo chế độ thực dân, bênh vực mạnh nhất quyền của các dân tộc bị áp bức giành lại nhân phẩm và tự do, hoạt động, tổ chức nhiều nhất để tập hợp, ở Paris, ở Quảng Châu, các dân tộc Á – Phi vừa mới bị (Tổng thống Mỹ) Wilson và bè lũ lừa gạt một lần nữa ở Versailles [1]. "Người là nhà báo với ý nghĩa chân chính nhất của nghề báo. Không chú ý đến tên tuổi và sự nghiệp riêng, mà chỉ quan tâm tới đích thiêng liêng và đem ngòi bút phục vụ cách mạng" [2]. "Nguyễn Ái Quốc là nhà báo Việt Nam có sự đào luyện công phu nhất, và thực tế là có thành tích cao nhất trong nghề báo chí Việt Nam. Một nhà báo quốc tế viết tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc. Một nhà báo mà những bài viết ra mẫu mực về ngôn ngữ, hùng hồn về lý luận và thức tỉnh lòng người về kết quả. Một nhà báo mà những bài viết ra thu hút sự chú ý của mọi người, bao giờ cũng mới, bao giờ cũng sát với nhu cầu trước mắt và hấp dẫn người xem" [3]. "Ngày nay đọc lại những bài của ông (đăng trên báo Pháp) vẫn thấy vô cùng hứng thú… Văn phong của Nguyễn là văn phong của một nhà luận chiến tài ba" [4], v.v…
Tư duy báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ nhận thức sâu sắc về vai trò của báo chí trong sự nghiệp đấu tranh cải tạo và xây dựng xã hội, mà trọng tâm đối với nhân dân Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX là đập tan xiềng xích áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, giành độc lập, tự do cho đất nước. Vì vậy, bất kỳ hoạt động ở đâu, Người đều quan tâm trước hết việc sáng lập báo chí và tự mình trực tiếp tham gia công việc báo chí. Sau khi đến Pháp được vài năm, Người đã là cộng tác viên của một số tờ báo lớn như L'Humanité (Nhân Đạo), LaVie Ouvrière (Đời sống Thợ thuyền), Le Populaire (Người Bình dân)… Người tham gia sáng lập báo Le Paria và chuẩn bị cho ra mắt Việt Nam hồn. Sang Nga, Người viết cho báo chí Xô viết và báo chí của Quốc tế Cộng sản. Về Trung Quốc, Người cộng tác với báo Cứu vong Nhật báo (tiếng Trung Quốc), Canton Gazette (Báo Quảng Châu – tiếng Anh), Hãng Thông tấn Liên Xô Rosto và sáng lập báo Thanh niên. Đến Thái Lan, Người cho ra mắt kiều bào các tờ Thân Ái, Đồng Thanh. Trở về với đất nước, Người xuất bản báo Việt Nam Độc lập… Vừa giành lại được độc lập, Người cho thành lập Đài phát thanh quốc gia và Hãng thông tấn quốc gia…