Liên quan đến việc phát hiện thuyền cổ dưới lòng ao ở Bắc Ninh, TS. Phạm Văn Triệu - Phó Trưởng phòng Khảo cổ học lịch sử, thuộc Viện Khảo cổ học cho biết, trên thuyền xuất hiện nhiều vết tích bị cháy.

"Thuyền hai đáy ở Bắc Ninh bị cháy ở phần mạn bên trên, còn phần chìm ở dưới nước không bị cháy. Tuy nhiên, phần tiếp xúc giữa nước và lửa thì bị om lửa nên khả năng toàn bộ kết cấu bên trên thuyền bị cháy. Khi bị cháy thành than, dòng chảy nước sẽ cuốn trôi toàn bộ than đi nên không còn lại vết tích gì. Mức độ cháy có lẽ rất lớn", TS. Phạm Văn Triệu thông tin.

leftcenterrightdel
Vết tích cháy trên phần mạn thuyền cổ ở Bắc Ninh 
leftcenterrightdel
Mức độ cháy trên thuyền có lẽ rất lớn. 

TS. Phạm Văn Triệu cho biết, công tác khảo cổ thuyền cổ đã kết thúc theo đúng thời hạn cấp giấy phép. Cặp thuyền song thân cổ ở Bắc Ninh dài hơn 16m, rộng 2,25m, sâu trên 2m. Thuyền có đáy là một thân cây gỗ lớn khoét rỗng, phía trên ghép ván bằng kỹ thuật mộng và chốt gỗ không dùng đinh kim loại.

"Các chuyên gia quốc tế cho rằng đây là con thuyền độc nhất vô nhị trên thế giới không có cái thứ hai. Thuyền có thể cùng kiểu nhưng cấu trúc và việc sử dụng đinh gỗ, kết cấu đấu nối đầu mũi, kết cấu nối giữa thân độc mộc và phần ván bửng ở đầu, đuôi - những cái đó thế giới không có", TS. Phạm Văn Triệu nói. Ông cho biết những phát hiện về thuyền cổ ở Bắc Ninh thu hút sự quan tâm của giới học giả quốc tế, nhiều đoàn đã liên hệ qua Việt Nam để tìm hiểu.

leftcenterrightdel
 Công tác khai quật thuyền cổ ở Bắc Ninh hiện đã kết thúc, đang chờ kết quả phân tích C14 để làm rõ niên đại của thuyền hai đáy.

Trực tiếp về hiện trường khai quật, PGS-TS. Bùi Minh Trí đánh giá cao thuyền cổ ở Bắc Ninh vì đây là con thuyền song thân đầu tiên Việt Nam tìm thấy. Việc xuất hiện một cặp thuyền nối bằng hệ thống thanh dầm cố định, tạo thành khối đồng nhất là điều chưa từng có trong khảo cổ nước ta.

Theo PGS-TS. Bùi Minh Trí, thuyền song thân là loại thuyền không riêng có ở Việt Nam mà còn mang tính phổ biến ở khu vực châu Á Thái - Bình Dương và các nền văn minh châu Á lớn, nơi cư dân bản địa sử dụng để vận chuyển hàng hóa nhẹ, di chuyển giữa các đảo, thậm chí là sinh hoạt trên biển.

leftcenterrightdel
 Hiện vật được mang về nghiên cứu, lấy mẫu phân tích.

Việc phát hiện thuyền cổ song thân trên dòng sông Dâu cổ, vốn từng kết nối Luy Lâu với Thăng Long và các cảng ven biển phía Đông mang một hàm ý lịch sử rất quan trọng về giao thương xưa.

Cũng theo PGS-TS. Bùi Minh Trí, qua xác định địa tầng và độ lắng đọng của nước thấy thuyền nằm ở vùng nước không quá sâu nên tàn tích cây khô, hạt quả… đọng lại ở đáy thuyền.

"Cần nghiên cứu giải mã vị trí thuyền bị bỏ lại với vùng đất xung quanh là cái gì, liên quan đến không gian quần cư nào đó...", PGS-TS. Bùi Minh Trí nói.

leftcenterrightdel
 Hai chiếc thuyền vẫn khá chắc chắn.

Đánh giá bước đầu, PGS-TS. Bùi Minh Trí nhận định, thuyền cổ ở Bắc Ninh là con thuyền gỗ có kỹ thuật đóng đặc biệt khác với giai đoạn từ thế kỷ 15 trở đi.

"Thuyền chế tác bằng những thanh gỗ ghép lại với nhau, dùng đinh gỗ để đóng thuyền chứ không phải dùng đinh sắt. Đinh sắt xuất hiện muộn, từ sau thế kỷ 15 trở đi", PGS-TS. Bùi Minh Trí nói.

Như VietNamNet đã đưa tin, vào cuối năm 2024, khi cải tạo ao cá ông Nguyễn Văn Chiến - sống tại khu phố Công Hà, phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh - thuê máy xúc đào sâu bất ngờ lộ ra chiếc thuyền lạ nên báo cáo ngay cho chính quyền địa phương.

Từ thông tin ông Chiến cung cấp, đầu tháng 3/2025, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức khai quật dấu tích thuyền cổ tại khu phố Công Hà.

Nguồn vietnamnet
Link bài gốc

https://vietnamnet.vn/xuat-hien-vet-chay-tren-than-thuyen-co-doc-nhat-vo-nhi-tren-the-gioi-o-bac-ninh-2392875.html