Có lẽ ai cũng thấy ngay rằng đây chỉ là hình thức quảng cáo nói quá lên về tốc độ, vì ngay cả với điều kiện đường xá hiện tại, thời gian đi Sài Gòn ra Hà Nội cũng thường là gần 30 tiếng. Thực tế, mẩu quảng cáo này đang muốn nhấn mạnh tốc độ tối đa mà xe hơi có thể chạy được trong điều kiện lý tưởng. Quãng đường Sài Gòn – Hà Nội khoảng gần 2000km, nếu đi với tốc độ trung bình hơn 80km mỗi giờ, thì mất thời gian 24 tiếng. Thực tế thì không thể nào đi với tốc độ này vào thời 90 năm trước, với điều kiện giới hạn về đường sá và xe hơi thời đó. Vậy tốc độ trung bình của xe hơi đi đường lộ thời đó ra sao? Lật lại một tờ báo cũ, cũng vào năm 1934, đăng tin thời sự cho biết một ông người Pháo là Otto Bergheer đã tử nạn ở Phan Thiết khi đi trên đường với tốc độ 120 km/h, nguyên văn như sau:
Về việc ông Otto Bergheer bị nạn ô-tô trên đường thuộc địa số 1 (nay là QL1A), quãng gần Phan Thiết, trong cuộc phá kỷ lục chạy nhanh của xe Ford. Còn 5 cây số nữa thì đến Phan Thiết. Quãng đường này có một khúc hơi cong. Nếu xe chỉ chạy 50 hay 70 cây số một giờ thì khúc đường cong ấy cũng chẳng nguy hiểm gì. Nhưng xe Ford do ông Bergheer cầm tay bánh đêm ấy lại chạy 120 cây số một giờ. 120 cây số một giờ để phá kỷ lục của xe Renault! 120 cây số 1 giờ để giữ dah tiếng cho xe Ford! Ông Fagueret cùng di với ông Bergheer đã thấy rùng mình. Pan! Vừa quặt quãng đường cong, chiếc Ford chừng bị mất mực thăng bằng đã nằm lăn dưới ruộng nước. Tỉnh cơn hoảng hốt, ông Fagueret bị thương xoàng, lóp ngóp bò dậy, lại gần chiếc xe Ford bị đổ, xem bạn. Thì dưới chiếc ô-tô, Otto Bergheer còn nằm liệt, đầu đổ máu, miệng la rên…
Như vậy, trên đường Quốc lộ thời 90 năm trước, xe đã có thể lên tới tốc độ tối đa 120km/h, và tốc độ trung bình có thể lên tới 50-70km/h, tương đương với tốc độ xe hơi ngày nay, vì thời đó đường xá rất ít xe cộ. Ngoài ra, một bài báo năm 1938 cũng có ghi rằng chiếc xe Peugeot 202 của hãng Comte (trụ sở hãng ở vị trí Diamond Plaza ngày nay), đồng hồ ghi tốc độ tối đa có thể lên tới 150km/h, và có thể chạy thử lên tới 100km/h. Chi tiết xin đọc bên dưới.
Trong hồi ký Hơn Nửa Đời Hư, ông Vương Hồng Sển cũng từng nói đi Cấp (Vũng Tàu) từ Sài Gòn, thời năm 1936, nếu đi hết tốc lực cũng mất chỉ 2 tiếng đồng hồ, tương đương với ngày nay. Trong truyện Hồ Biểu Chánh, cụ thể là tiểu thuyết Mẹ Ghẻ Con Ghẻ, viết năm 1944, cũng có đoạn nói về tốc độ xe hơi đi trên quốc lộ, nguyên văn như sau:
Xe qua khỏi chợ rồi tài xế mới nhấn ga săng cho chạy mau được. Cô Mỹ hỏi Quí: – Ði chừng nào mới tới Sài Gòn? – Chừng 10 giờ tới, vì đến đường ngay đây, xe mình chạy đến 90 hoặc 100 cây số một giờ. Nếu đi xe đò thì gần 12 giờ mới tới. Cô Hường nói: – Xe đò Sài Gòn thường thường lối 11 giờ về ngang cửa tôi. – Ừ, ở trên họ chạy hồi 6 giờ. Hồi nãy mình đi đó gần 7 giờ. … Đến bến đò Mỹ Thuận hai cô thấy xe đậu cả dọc mà cách xuống đò cũng khác hơn cách xuống đò nước Xoáy hồi nãy. Quí phải cắt nghĩa điểm trọng yếu của Mỹ Thuận cho cô nghe: chín tỉnh miền tây đi Sài Gòn đều phải qua đò này hết thảy, chớ chưa có ngã nào khác, vì vậy nên ở đây có xe dồn dập luôn luôn không ngớt. Tài xế đi kỹ, không cho xe chạy mau lắm, nên chín giờ ba khắc thì tới Phú Lâm. …
Như vậy, theo mô tả của nhà văn Hồ Biểu Chánh, xe hơi đi từ Trà Vinh lên tới Phú Lâm (Chợ Lớn) là khoảng 2 tiếng rưỡi. Mà lúc đó chưa có đường thẳng, cũng chưa có cầu lớn như hiện nay, mà phải qua đò. Xe đi Sài Gòn từ Trà Vinh phải vòng qua Vĩnh Long để đi đò Mỹ Thuận, rồi theo đường quốc lộ (lúc đó gọi là đường thuộc địa, nay là QL1A), tổng cộng khoảng 180 cây số. Quãng đường này đi trong vòng 2 tiếng rưỡi, thì tốc độ trung bình là 70km/h, chưa kể thời gian chờ đò, qua sông. Cũng trong đoạn bên trên trong truyện Hồ Biểu Chánh, tốc độ xe hơi có khi lên tới 100km/h (năm 1944), còn theo Vương Hồng Sển, xe hơi đi Cấp cũng có thể lên tới 80km/h (năm 1936_ là bình thường. Như vậy tờ quảng cáo trên báo kia, dù có nói quá, thì cũng không đến nỗi vô lý.