Ngày 14/3, trao đổi với PV.VietNamNet, anh P.H.A (trú TP Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết, bản thân không hề vay tín dụng số tiền 8,5 triệu đồng tại Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh.
Theo anh H.A, năm 2012, qua một người bạn nên anh nhờ một nam nhân viên (không nhớ danh tính) Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh làm thẻ tín dụng.
Lúc này nam nhân viên ngân hàng yêu cầu anh H.A ký trước vào hợp đồng mở thẻ và nhận thẻ. Sau đó, anh này đưa cho anh H.A một chiếc thẻ thường với lý do thẻ tín dụng đang gặp trục trặc.
Vì nghĩ không làm được nên anh H.A không để ý tới nữa. Năm 2016, anh H.A có nhu cầu đi vay vốn ngân hàng thì được thông báo bản thân có nợ xấu tại Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh.
Anh H.A tới Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh để hỏi thì được ngân hàng này thông báo phải chịu trách nhiệm với chiếc thẻ tín dụng đã mở trước đó. Quá bất ngờ, anh H.A yêu cầu được xem lại hồ sơ mở thẻ tín dụng và sao kê chi tiết.
Trong nội dung sao kê, thẻ tín dụng của anh H.A đã từng vay tiền để mua một chiếc điện thoại với giá hơn 9 triệu đồng. Theo anh H.A, chữ ký trong sao kê không giống chữ ký của mình trong hồ sơ mở thẻ. Hơn nữa, trong sao kê ngân hàng, có 2 lần đã trả lãi trong vòng 2 tháng, việc này anh H.A khẳng định là không biết.
|
|
Công văn nhắc nợ được Eximbank AMC gửi đến khách hàng P.H.A. Ảnh: ManTV |
Một điều nữa, trong hồ sơ mở thẻ có 2 số điện thoại, một của anh H.A và một số lạ khác. Sau đó, số điện thoại lạ kia đã không còn được sử dụng. Nam nhân viên ngân hàng trước đó hỗ trợ mở thẻ đã nghỉ việc, đến nay không rõ địa chỉ.
Anh H.A thắc mắc, tại sao khi thấy có nợ xấu thì ngân hàng lại không thông báo ngay thời điểm đó.
"Mặc dù là người bị hại, nhưng không muốn ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân nên tôi có nhu cầu khắc phục hậu quả số tiền nợ nhưng ngân hàng không đồng ý và yêu cầu tôi trả cả gốc lẫn lãi mà thẻ tín dụng đó đã vay", anh H.A cho biết.
Từ năm 2016 đến nay, phía Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh và anh H.A đã gặp trực tiếp rất nhiều lần để giải quyết nhưng không có tiếng nói chung.
Anh H.A cho biết thêm, phía ngân hàng yêu cầu về địa phương xin xác nhận một đơn nội dung không có khả năng chi trả. Anh H.A không đồng ý với lý do nếu xin đơn đó thì đồng nghĩa với việc anh H.A là người lừa đảo.
Cũng theo anh H.A, phía ngân hàng cũng không cho anh biết phương thức tính lãi ra sao khi từ 8,5 triệu mà lên tới hơn 8 tỷ đồng.
"Năm 2023, phía Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh có gửi công văn nhắc nợ tới tôi với số tiền phải trả là hơn 8,8 tỷ đồng, nếu không trả sẽ bị khởi kiện. Tôi cũng muốn làm rõ việc này vì bản thân không biết thẻ tín dụng đó tồn tại và việc ai dùng thẻ đó để vay tiền rồi bắt tôi chịu trách nhiệm", anh H.A cho hay.
Ngày 13/3, trên các trang mạng xã hội lan truyền công văn nhắc nợ của Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank AMC).
Theo nội dung công văn, Eximbank AMC thông báo đến khách hàng có tên P.H.A tại Quảng Ninh về khoản nợ trị giá trên 8,83 tỷ đồng, trong đó nợ gốc chỉ 8,55 triệu đồng. Thông tin trên khiến nhiều người tò mò, thậm chí kinh ngạc khi thấy “lãi mẹ đẻ lãi con” nên tốc độ chia sẻ càng được đẩy lên cao.
Để làm rõ hơn những thông tin mà anh H.A. đưa ra, VietNamNet đã liên hệ với đại diện truyền thông Ngân hàng Eximbank. Theo đại diện truyền thông ngân hàng, các thông tin này đã được chuyển đến Eximbank AMC và doanh nghiệp đang kiểm tra, phản hồi.