|
|
Chung cư mini nơi xảy ra vụ cháy thảm khốc |
Chia sẻ về việc rà soát nhà trọ, nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini) trên địa bàn, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong thông tin: Ngay sau khi có công điện của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng đã ban hành văn bản, kế hoạch yêu cầu các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra xử lý dứt điểm công trình liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng, không đảm bảo về PCCC.
Trong đó, yêu cầu tổ chức kiểm tra các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng, cũng như hỗ trợ quận huyện rà soát, phân loại, đánh giá các vi phạm. Từ đó có các giải pháp khắc phục, đồng thời xử lý những công trình vi phạm không phép, sai phép ảnh hưởng đến an sinh của người dân.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, công trình nhà ở nhiều căn hộ tại Thanh Xuân vừa cháy vừa qua đã thiết lập hồ sơ vi phạm, có biên bản, quyết định đình chỉ, quyết định cưỡng chế . Tuy nhiên, phải kiểm tra kỹ xem đã thực hiện đến đâu. “Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác quản lý trật tự xây dựng, Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trực tiếp, quy định đã rất rõ”, ông Phong nói.
Đa số những nhà chung cư mini hình thành trên cơ sở là nhà ở riêng lẻ, sau khi hoàn thành, các chủ công trình tự ý chia ngăn để thực hiện cho thuê hoặc bán không đúng quy định của pháp luật. Có trường hợp điều chỉnh giấy chứng nhận gốc, đưa các hộ mua bán qua hình thức mua bán có công chứng. “Những hình thức mua bán như vậy có phù hợp hay không, cần thiết phải kiểm tra cả những vấn đề liên quan đến chuyển đổi”, ông Phong chia sẻ.
Tại hội nghị trực tuyến triển khai Công điện số 796/CĐ-TTg ngày 13/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ cháy, Công an TP đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt chủ chung cư mini, chắc chắn sẽ xem xét trách nhiệm của các cấp quản lý. Đây là vụ việc điển hình cho thấy hạn chế của lực lượng chức năng quản lý trật tự xây dựng ở cơ sở. Đại tá Hải cũng thẳng thắn nhận định: Cấp ủy, chính quyền từ quận, huyện đến phường xã chưa thực sự quan tâm đến công tác này. Đối với vi phạm xây dựng trên địa bàn, các phường nắm rõ “như lòng bàn tay” nên phải xử lý vi phạm được ngay từ khi bắt đầu. Nhưng đâu đó vẫn có cơ quan chính quyền chỉ lập biên bản cho có, khi có vấn đề xảy ra, dư luận quan tâm mới đem ra xử lý.
Xử lý nghiêm sai phạm
Chuyên gia đô thị Nguyễn Huy Tuấn cho rằng, sau vụ cháy thảm khốc, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng có những “lỗ hổng” trong công tác thực thi pháp luật. “Tại sao lại để cho hàng loạt công trình nhà ở riêng lẻ cấp phép 6 tầng lại để xây lên 8, 9 tầng. Sai phạm như vậy không thể nói là không biết, mà chỉ có thể là sự buông lỏng quản lý, thậm chí là những cái gật đầu cho công trình vi phạm”, vị chuyên gia nói.
Đồng tình, chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cho biết, nhìn từ vụ cháy thương tâm vừa qua, không khó để tìm ra đối tượng để quy trách nhiệm: người chủ xây dựng tòa nhà vì lòng tham đã xây sai giấy phép, kinh doanh trái phép mà tạo ra một tòa chung cư mini với khoảng 150 con người sinh sống “núp bóng” dưới hình thức nhà ở riêng lẻ; chính quyền cơ sở, những cán bộ, công chức đã buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt trong kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trật tự xây dựng...
Theo ông Nguyễn Văn Đỉnh, chung cư mini tồn tại được là bởi phù hợp với sự vận động của kinh tế thị trường và là một dạng thức “khuyết tật của cơ chế thị trường” mà Đảng đã sáng suốt chỉ ra từ sớm, đã thể chế hóa thành pháp luật nhưng khâu triển khai lại kém hiệu quả bởi sự thiếu quyết liệt của chính quyền cấp cơ sở.
Theo vị chuyên gia, không thể luật hóa loại hình chung cư núp bóng nhà riêng lẻ, trái lại cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, không công nhận giao dịch mua bán căn hộ chung cư mini, kiên quyết không cấp “sổ hồng” riêng đối với từng căn hộ chung cư mini để không làm bùng phát loại hình này, tránh nguy cơ mất an toàn và quá tải hệ thống hạ tầng đô thị.