Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Thủy (tức Shark Thủy) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Vụ án nêu trên xảy ra tại CTCP tập đoàn giáo dục Egroup và CTCP đầu tư và phân phối Egame.
Trước đó, từ cuối năm 2022, công ty của vị "cá mập" này đã vướng nhiều lùm xùm liên quan đến chất lượng dạy học, chậm trả lương giáo viên... Nhiều nhà đầu tư cũng đã gửi đơn tố cáo Chủ tịch Egroup về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các loại hợp đồng dưới hình thức tiền gửi.
"Cá mập" triệu USD
Ông Nguyễn Ngọc Thủy sinh năm 1982 tại Hà Nội, là Chủ tịch Tập đoàn Egroup và Tổng giám đốc CTCP Anh ngữ Apax. Hệ sinh thái của vị doanh nhân này bao gồm hàng loạt công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe và kinh doanh thực phẩm sạch.
|
|
“Shark” Thủy trong buổi đối thoại trực tiếp với phụ huynh TP.HCM xung quanh vụ Apax Leaders hồi tháng 3 (Ảnh: TRỌNG NHÂN) |
Trong đó, một trong những công ty nổi bật là CTCP Đầu tư Apax Holdings (UPCoM: IBC) kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục, sở hữu các chuỗi thương hiệu trung tâm dạy tiếng Anh như Apax Holdings, Apax Leaders và hệ thống mầm non Igarten, trường liên cấp Firbank Australia...
Ngoài ra, hệ sinh thái này còn có các công ty thành viên như CTCP đầu tư và phân phối Egame, CTCP tập đoàn đầu tư Ecapital, CTCT Apax Global...
Đáng chú ý, ông Thủy từng nổi tiếng với vai trò nhà đầu tư khách mời trong chương trình Shark Tank Việt Nam. Ngay mùa đầu tiên, Shark Thủy trở thành "cá mập" chi tiền nhiều thứ 4 trong số 7 nhà đầu tư khách mời với số vốn cam kết lên tới 19,2 tỷ đồng.
Trong mùa 2, ông cũng tham gia rót vốn cho nhiều startup trong lĩnh vực giáo dục. Thương vụ lớn nhất chính là cam kết rót tổng cộng 500.000 USD vào Công ty Magic Book, trong đó 200.000 USD để đổi lấy 30% vốn công ty và 300.000 USD là trái phiếu chuyển đổi.
|
|
Shark Thủy là một trong những "cá mập" đầu tư rất thoáng tay với các startup (Ảnh: Shark Tank Việt Nam) |
Ngoài ra, các thương vụ nổi bật của Shark Thủy còn có rót 5 tỷ đồng để đổi lấy 36% vốn của We Escape; 5 tỷ đồng cho 46% của Talk cafe English; 3 tỷ đồng cho 80% chuỗi nhà hàng chay Pema...
Trong mùa 3, ông cũng quyết định chi 43,15 tỷ đồng đồng hành cùng các startup. Tổng cộng trong 3 mùa tham gia (2017-2019), Shark Thủy đã rót tiền vào 9 startup với số vốn lên tới hàng chục tỷ đồng. Trong đó, khẩu vị rủi ro chính của vị "cá mập" này là các starup trong mảng giáo dục, thực phẩm.
Lùm xùm chây ì trả nợ
Tuy nhiên, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp trong nước nói riêng, hệ thống kinh doanh của vị "cá mập" cũng không phải ngoại lệ. Doanh nghiệp của Shark Thủy sau đó rơi vào tình cảnh khó khăn do các hệ thống giáo dục bị đóng cửa vì dịch bệnh, tạo áp lực tài chính, đứt gãy dòng tiền.
Cuối năm 2022, hàng trăm nhà đầu tư cá nhân từng rót tiền vào các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của ông Thủy thông qua trái phiếu và "thỏa thuận hợp tác chiến lược" đã kéo đến trụ sở Egroup và nơi ở của gia đình vị doanh nhân đòi quyền lợi.
Cùng thời điểm, chuỗi trung tâm tiếng Anh của Shark Thủy cũng vướng vào bê bối khi phải đóng cửa hàng loạt. Nhiều phụ huynh tố chất lượng giảng dạy giảm sút, yêu cầu bồi hoàn học phí, nhân viên và giáo viên nghỉ việc vì bị nợ lương...
Chia sẻ hồi tháng 12/2022, Shark Thủy nhận định năm 2019, Apax đã tăng trưởng nóng, đầu tư nhiều tiền để mở trung tâm mới. Chỉ sau vài tháng đã xảy ra dịch Covid-19 và phải đóng cửa. "Chúng tôi trên đà chiến thắng, thành công nên đã đi khá nhanh, cộng với tâm lý chủ quan, hậu quả là chúng tôi gặp cú vấp khá lớn", Shark Thủy khi đó bộc bạch.
Chúng tôi trên đà chiến thắng, thành công nên đã đi khá nhanh, cộng với tâm lý chủ quan, hậu quả là chúng tôi gặp cú vấp khá lớn
Ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Tập đoàn Egroup và Tổng giám đốc CTCP Anh ngữ Apax
Trong bối cảnh đó, vị doanh nhân này đã xin phụ huynh, học viên, nhà đầu tư, cán bộ nhân viên và đối tác... thêm thời gian để tái cấu trúc doanh nghiệp dồn tâm sức đưa hệ thống quay trở lại.
Đối với các nhà đầu tư, ông Thủy đưa ra nhiều dự án bất động sản, đồ gia dụng để đề xuất gạt nợ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn kêu gọi nhà đầu tư tiếp tục rót tiền tham gia tái cấu trúc hệ thống Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders hay đưa ra chương trình gạt nợ bằng gói học phí tiếng Anh.
Tuy nhiên, sau khoảng 1 năm tuyên bố kế hoạch tái cấu trúc để trả nợ cho phụ huynh và nhà đầu tư, công ty của vị "cá mập" vẫn tiếp tục chây ì nợ trả lãi và gốc cho nhà đầu tư, đồng thời liên tục lùi thời hạn trả học phí của phụ huynh. Apax Leaders mới đây cũng cho biết đã mất khả năng hoàn phí các đợt tiếp theo.
Tình hình tài chính của Shark Thủy thế nào?
Trước dịch Covid-19, doanh thu hợp nhất từ các công ty thuộc hệ sinh thái Egroup của Shark Thủy lên tới hơn 1.000 tỷ đồng/năm, đỉnh điểm năm 2019, doanh thu toàn hệ thống này lên tới gần 2.000 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu lợi nhuận đóng góp từ nhóm công ty của Apax Holdings.
Thời điểm đó, Apax Holdings tăng trưởng thần tốc, liên tục mở rộng hệ thống các trung tâm đào tạo tiếng Anh và trở thành chuỗi tiếng Anh lớn nhất Việt Nam với hơn 120.000 học viên, 750 giáo viên bản ngữ trên toàn quốc. Đặc biệt, chỉ riêng năm 2019, Apax đã cho ra mắt hơn 60 trung tâm mới, tăng gấp đôi số trung tâm hiện hữu.
Tuy vậy, đến năm 2022, công ty sở hữu chuỗi trung tâm tiếng Anh Apax English báo lỗ sau thuế hơn 81 tỷ đồng, cũng là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của chuỗi.