Ngày 14/6, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Bộ Công an cho biết, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vừa ký Quyết định số 704/QĐ-CTN về việc phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 6 tập thể và 1 cá nhân thuộc Bộ Công an.

leftcenterrightdel
  Trung tá Nguyễn Chí Thành. Ảnh: Bộ Công An

Chân dung "người hùng chữa cháy"

Trung tá Nguyễn Chí Thành (42 tuổi, quê tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) công tác trong ngành từ tháng 2/2001 và nhiều năm liền được tặng danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PC07) Công an TPHCM, cho biết hơn 20 năm công tác, Trung tá Thành đã đạt nhiều thành tích xuất sắc, là gương điển hình tiên tiến trong lực lượng cảnh sát, trung tá Thành luôn có mặt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại các điểm nóng về cứu nạn, cứu hộ như tham gia cứu nạn, cứu hộ tìm nạn nhân mất tích tại hang Cốc Chia sâu khoảng 220m ở tỉnh Cao Bằng vào năm 2019; tham gia cứu nạn, cứu hộ tìm nạn nhân ở hang sâu khoảng 280m ở tỉnh Hà Giang vào năm 2020.

Mới đây, trung tá Thành cùng 4 cán bộ, chiến sĩ tinh nhuệ nhất của PC07 tập trung tham gia Đoàn cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn sau thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trung tá Thành là người đã kiên trì đào bới và phát hiện dấu vết sự sống của nạn nhân và kết hợp với lực lượng cứu nạn, cứu hộ quốc tế đưa nạn nhân còn sống ra khỏi tòa nhà sụp đổ hoàn toàn và tìm được 14 thi thể nạn nhân, đưa ra ngoài.

Những pha cứu nạn, cứu hộ nghẹt thở

Cách đây hơn 10 năm, vụ cháy rừng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang kéo dài gần một tháng. Trung tá Thành cùng 30 cán bộ, chiến sĩ, hàng chục máy bơm và ba xe chữa cháy đã quả cảm "chiến đấu" với giặc lửa dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại tá Lê Tấn Bửu, nguyên Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố.

Anh nhớ lại, địa hình rừng U Minh hiểm trở, diện tích lớn (hàng nghìn héc ta rừng nguyên sinh), cây cối dày đặc, bùn sâu, có nhiều động, thực vật nguy hiểm… các công cụ phục vụ chữa cháy không thể triển khai. Sau gần 20 ngày toàn lực lượng đối mặt với lửa, căng sức lực và ý chí để đưa ra các phương án tác chiến hiệu quả thì lửa ở các mũi tấn công cũng đã dần bị khuất phục.

Trong trận chiến này, sinh mạng của Trung tá Thành cũng như đồng đội đã có lúc cận kề với cái chết. Muỗi như trấu, nước tắm không có, phải đi cách xa hàng mấy cây số mới có nước, điều kiện ăn ở vô cùng khó khăn, anh em phải thay nhau túc trực chữa cháy trên diện tích tới 5 - 7km². Nhưng với tinh thần "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", anh Thành đã cùng đồng đội đã vượt qua mọi hiểm nguy, khó khăn, sẵn sàng hy sinh tính mạng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; bảo vệ 700ha rừng nguyên sinh, ngăn chặn không để lửa cháy lan sang 10 nghìn ha rừng trồng.

Nhắc đến vụ giải cứu nạn nhân trong vụ sập dàn giáo công trình CR4, Khu Đô thị Phú Mỹ Hưng vào năm 2008 khiến Trung tá Thành đến tận bây giờ vẫn cảm thấy nghẹt thở. Khi đó, phía trên là một nạn nhân nữ đã tử vong kẹt trên dàn giáo, người nhà nạn nhân yêu cầu phải đưa xuống ngay. Phía dưới là một nạn nhân đang bị kẹt trong đống bê tông bổ nát, vẫn còn sống nhưng tính mạng cũng "ngàn cân treo sợi tóc". Trung tá Thành vừa động viên, làm công tác tư tưởng với người nhà nạn nhân bị kẹt trên dàn giáo phía trên; vừa trao đổi với bác sỹ có mặt tại hiện trường về sức khỏe của nạn nhân bị kẹt ở đống bê tông phía dưới về thời gian cho phép để đảm bảo tính mạng cho nạn nhân; vừa nhận lệnh từ chỉ huy, vừa hội ý với đồng đội về phương án cứu nạn, cứu hộ.

Đặt niềm tin vào bản thân, hy vọng phép màu sẽ đến với nạn nhân và tính toán thời gian, Trung tá Thành quyết định thực hiện nhiệm vụ tối đa 20 phút. Trong không gian chật hẹp, anh dùng tay để khuân từng viên đá, cát, sỏi đang bao trùm nạn nhân, đồng thời lấy thân mình đỡ hướng trên giàn giáo. "Sau khoảng 17 phút, thử ôm nạn nhân đẩy lên thì thấy di chyển được, anh mới thở phào nhẹ nhõm mà quên đi thân mình đang phải hứng chịu một số lượng bê tông lớn và giàn giáo có thể sập bất cứ lúc nào. Khi nạn nhân được đưa ra ngoài an toàn, tôi chỉ biết ôm lấy đồng đội, chỉ huy của mình mà trào nước mắt", anh Thành kể lại giọng vẫn rưng rưng xúc động.

leftcenterrightdel
 Trung tá Nguyễn Chí Thành tại Hội nghị gặp mặt Đoàn đại biểu Công an nhân dân dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc. Ảnh: Bộ Công An

Tháng 2/2020, Trung tá Thành được huy động tham gia cứu hộ, cứu nạn tại hang sâu khoảng 280m tại Hà Giang. Do cơn mưa kéo dài suốt đêm khiến hang càng ẩm thấp, anh bị cái lạnh ngấm vào tận xương. Hang tối đen như mực, nguồn sáng duy nhất là chiếc đèn pin bằng quả trứng gà gắn trước mũ bảo hiểm. Càng xuống sâu, người chiến sĩ cứu hộ, cứu nạn càng cảm thấy khó thở và cảm giác hồi hộp tăng lên gấp bội. Có lúc trong đầu le lói ý định bỏ cuộc giữa chừng khi càng xuống sâu, những khối đá sắc nhọn chĩa ra các phía như chực cứa vào da thịt. "Chưa khi nào, trong lúc thực hiện nhiệm vụ, tôi lại nhớ và mong tới khoảnh khắc được trở về gia đình với người vợ tần tảo và hai đứa con gái bé bỏng như thế. Gần một tiếng "cân não", thử thách tinh thần, mưa tạnh, tôi vui mừng khôn xiết khi thiết bị liên lạc cũng được nối lại. Gần 22 năm làm công tác cứu hộ, cứu nạn, đây là lần đầu tiên phải tham gia một vụ cực kỳ nguy hiểm và khó khăn đến như vậy", Trung tá Nguyễn Chí Thành kể.

Khi chạm chân tới đáy hang, đưa xác của nạn nhân lên, khắp người bốc mùi do nước từ tử thi ngấm khắp người, anh vẫn được các đồng đội ôm siết chặt vào lòng. Người nhà nạn nhân òa khóc nức nở, liên tục chắp tay cảm ơn nhóm cứu hộ, cứu nạn.

Gần đây nhất, anh cùng đồng đội tham gia đoàn công tác đặc biệt của Bộ Công an Việt Nam, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Kết thúc chuyến công tác, Đoàn cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an đã cứu sống một người và tìm được 14 thi thể nạn nhân, đưa ra ngoài. Đoàn được nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng cứu hộ, cứu nạn quốc tế ghi nhận và đánh giá rất cao về năng lực, tinh thần làm việc. Là người trực tiếp đưa nạn nhân còn sống sót ở độ sâu 7 mét ra khỏi đống đổ nát tại Thổ Nhĩ Kỳ, Trung tá Nguyễn Chí Thành kể: Tôi được giao nhiệm vụ tiếp cận nạn nhân. Lúc đó không thể dùng máy móc tiếp cận vì sẽ gây nguy hiểm cho nạn nhân. Cách duy nhất là đào hang chui vào, dù rất nguy hiểm nhưng phải chấp nhận.

"Trong quá trình xuống dưới lớp bê tông đổ sập khổng lồ, tôi đã dùng tay bới đất, đá, bê tông, vừa di chuyển liên tục vừa trao đổi với nạn nhân. Khi đưa nạn nhân lên, gia đình họ cũng không thể tin người thân họ có thể được cứu sống. Tất cả đều chắp tay, cúi đầu cảm ơn lực lượng cứu nạn, cứu hộ Việt Nam", anh Thành tự hào cho biết.

Cùng với trung tá Nguyễn Chí Thành, 6 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân gồm:

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP.Hà Nội;

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP.HCM;

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Lạng Sơn;

Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an TP.HCM);

Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực 4 (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an TP.Hà Nội).

Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an TP.Hải Phòng).

Nguồn
Link bài gốc

http://www.kinhtexahoi.vn/tin-tuc/trung-ta-42-tuoi-vua-duoc-chu-tich-nuoc-tang-danh-hieu-anh-hung-luc-luong-vu-trang-nhan-dan-la-ai_t114c12n37583