leftcenterrightdel
 Nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc sẽ tăng mạnh nhằm phục vụ dịp Trung Thu (Ảnh minh họa)

Cơ quan Hải quan Trung Quốc hôm 24/8 tuyên bố cấm nhập khẩu tất cả thủy sản từ Nhật Bản khi Tokyo bắt đầu xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.

"Chúng tôi đình chỉ nhập khẩu các sản phẩm thủy hải sản nguồn gốc Nhật Bản từ 24/8. Quyết định nhằm ngăn chặn một cách toàn diện các rủi ro an toàn thực phẩm do ô nhiễm phóng xạ từ nước thải hạt nhân Fukushima gây nên. Chúng tôi bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng Trung Quốc và đảm bảo an toàn cho thực phẩm nhập khẩu", Cơ quan Hải quan Trung Quốc hôm nay ra thông báo.

Trung Quốc ra quyết định vài giờ sau khi Nhật Bản tiến hành xả nước thải hạt nhân qua xử lý từ nhà máy Fukushima Daiichi ra Thái Bình Dương.

Trước đó, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu thực phẩm từ 10 trên 47 tỉnh Nhật Bản vào tháng 7. Năm ngoái, nước này nhập khẩu hơn 500 triệu USD thủy hải sản từ Nhật Bản. Nước này cũng đã nhập khẩu các loài giáp xác và động vật thân mềm trị giá 370 triệu USD - như cua và sò điệp - vào năm ngoái, dữ liệu do văn phòng thống kê Nhật Bản theo dõi cho thấy. Ngoài Nhật Bản, Trung Quốc còn mua thủy sản từ các nước khác bao gồm Ecuador, Nga và Canada.

Đáng chú ý, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam. Việc Trung Quốc cấm nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản có thể là cơ hội lớn cho ngành thủy sản trong nước những tháng cuối năm.

Trong tháng 7/2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc giảm 5,5% so với tháng 6/2023 nhưng tăng 7,9% so với tháng 7/2022, đạt 115,22 triệu USD; cộng chung cả 7 tháng năm 2023 xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt trên 749,95 triệu USD, chiếm 15,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Trong đó, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc & HK trong tháng 7/2023 đạt 57 triệu USD, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2022. 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 338 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, lượng nhập khẩu tôm nước ấm của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái lên 502.669 tấn. Tổng giá trị nhập khẩu tăng 29% lên 2,84 tỷ USD. Điều này cho thấy nhu cầu tôm của Trung Quốc mạnh mẽ bất chấp kinh tế phục hồi chậm chạp sau dịch COVID-19.

Giai đoạn nửa cuối năm nay, qua cao điểm mùa vụ, sức cung giảm, giá tôm cũng gần chạm đáy, nhà nhập khẩu có động lực mua tích trữ. Mùa lễ hội, hàng chế biến sâu dễ tiêu thụ hơn cũng là lợi thế cho tôm Việt Nam.

Bên cạnh đó, từ năm 2020 đến nay, Trung Quốc & HK cũng luôn duy trì vị trí số 1 về nhập khẩu cá tra Việt Nam. So với các thị trường chính, Trung Quốc & HK duy trì tăng trưởng cao nhất.

leftcenterrightdel
 (Nguồn: VASEP)

Sau giai đoạn giảm liên tục từ tháng 9/2022 đến tháng 1/2023, giá trung bình xuất khẩu cá tra sang thị trường này ghi nhận ổn định trong các tháng sau đó. Giá trung bình xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay dao động từ 2,11 USD/kg - 2,29 USD/kg, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng tháng 5, giá trung bình đạt 2,29 USD/kg tăng 0,4% so với tháng trước.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), diễn biến kinh tế các thị trường lớn đã có sự hồi phục, các quốc gia nhập khẩu thủy sản có xu hướng mua hàng nhiều hơn, đây là điều kiện tốt để xuất khẩu thủy sản của Việt Nam "tăng tốc" trong những tháng cuối năm.

VASEP dự báo từ tháng 8 trở đi đến cuối năm, nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc sẽ tăng mạnh nhằm phục vụ dịp Trung Thu, Quốc Khánh và các dịp lễ hội cuối năm. Chắc chắn năm nay xuất khẩu thủy sản sẽ đạt mục tiêu 9 tỷ USD.

Nguồn cafef
Link bài gốc

https://cafef.vn/trung-quoc-dung-nhap-khau-thuy-san-tu-nhat-ban-co-hoi-mo-ra-cho-thuy-san-viet-nam-188230825110909704.chn