Ngày 28.9, ông Lê Ngọc Ánh, Phó chủ tịch UBND P.An Khánh (TP.Thủ Đức) cho biết, phường tổ chức họp các bên liên quan để tìm hướng xử lý sự việc hơn 12 căn nhà nằm trên đường số 18 bất ngờ bị nứt nẻ, nghiêng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do đơn vị thi công công trình thu gom nước thải đã đào cống ngầm dưới lòng đất đường số 18 gây ra.

leftcenterrightdel
 Công trình thi công thu gom nước thải trên đường Lương Định Của giao với đường số 18

Phản ánh với Báo Thanh Niên, chị Lê Thị Hồng Thanh (ngụ đường 18, P.An Khánh, TP.Thủ Đức) cho biết, sáng 25.9, chị ngủ dậy thì bất ngờ mở cửa không được. Tưởng khóa hư, nên chị Thanh đã gọi thợ đến phá khóa.

Sau đó, chị Thanh phát hiện tường bên trong nhà của chị nứt nẻ. Cùng lúc này, nhiều nhà dân (hàng xóm chị Thanh) cũng báo nhà có tình trạng tương tự. Hoảng hốt vì tưởng có động đất tại khu vực đường số 18 nên người dân đã gọi điện báo chính quyền địa phương.

leftcenterrightdel
 Vết nứt trên tường mà người dân có thể đưa ngón tay vào lọt
leftcenterrightdel
 Tường trong nhà vệ sinh của người dân với những vết nứt lớn

Theo ghi nhận PV Thanh Niên, hơn 12 căn nhà kiên cố trên đường số 18 đều có hiện tượng nứt nẻ, nghiêng. Mặt đường số 18 cũng xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài. Chỉ tay vào những vết nứt tường rộng khoảng 4 cm trong nhà vệ sinh của mình, anh Tính nói: "May mà chưa sập đè chết người".

Ông Lê Ngọc Ánh, Phó chủ tịch UBND P.An Khánh cho biết, sau khi nhận tin báo nhiều nhà dân tại đường số 18 nứt, nghiêng thì phường lập tức xuống kiểm tra.

"Chúng tôi xuống kiểm tra thì ban đầu không phát hiện tác nhân nào gây nứt nhà dân, tưởng là có động đất thật", ông Ánh nói. Theo ông Ánh, sau khi khảo sát thực địa thì được biết, đơn vị thi công công trình thu gom nước thải trên đường Lương Định Của dùng robot đào đường cống lớn đi âm dưới lòng đất đường số 18 ảnh hưởng đến nhà dân.

leftcenterrightdel
 Sàn nhà người dân biến dạng
leftcenterrightdel
 Mặt đường số 18 xuất hiện nhiều vết nứt kèo dài

Địa phương yêu cầu di dời dân

Ông Lê Ngọc Ánh cho biết, công trình dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 do Ban Quản lý dự án đầu xây dựng hạ tầng đô thị làm chủ đầu tư, nhà thầu chính là liên doanh Công ty cổ phần xây dựng đê kè - phát triển nông thôn Hải Dương và Công ty TNHH kỹ thuật điện - xây dựng Ban Hin. Công trình này khởi công ngày 22.4.2019, ngày hoàn thành 30.8.2023.

Qua làm việc, thì phía nhà thầu thừa nhận đêm 22.9, đã dùng robot đào hầm dưới lòng đất, phía dưới đường số 18. Để đấu nối hệ thống thoát nước từ đường Lương Định Của với Trần Não.

"Phía nhà thầu và đơn vị thi công không có hồ sơ, thông báo với chính quyền địa phương và người dân sống trên đường số 18 về việc đào hầm. Khi nhà dân có sự cố thì địa phương xuống kiểm tra mới biết", ông Ánh nói.

leftcenterrightdel
 Tường nứt, nhà bị nghiêng
leftcenterrightdel
 Các vết nứt đo được khoảng 6cm

Liên quan đến việc này, UBND P.Anh Khánh đã yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải có bộ hồ sơ pháp lý liên quan đến việc thi công công trình nói trên. Đồng thời, chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải có trách nhiệm, phương án bảo đảm an toàn cho các hộ dân và khắc phục đền bù thiệt hại.

Đứng trước việc nhà dân nứt nẻ, nghiêng ngả, ông Ánh nói: "Phương diện cá nhân tôi đề xuất di dời các hộ dân có nhà bị ảnh hưởng đi nơi khác ở đến khi nhà được khắc phục an toàn. Phương án, kinh phí thế nào thì nhà thầu thi công tính toán cho người dân".

leftcenterrightdel
 Người dân bức xúc, yêu cầu chủ đầu tư, các đơn vị liên quan phải có biện pháp bảo đảm an toàn (Ảnh CÔNG NGUYÊN)

Ông Trần Quang Liêm (có nhà trên đường số 18) nói: "Việc nhà thầu, đơn vị thi công đào hầm bằng robot dưới đường số 18 vào ban đêm mà không thông báo chính quyền, người dân được biết là sai quy định. Trong trường hợp này, nếu nhà dân đổ sập, đè chết người thì ai chịu trách nhiệm? Đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu công khai hồ sơ pháp lý để đối chiếu đúng hay sai? Ai cho phép đào đường cống âm dưới lòng đất nơi có đông dân cư? Đường cống lớn được đào sâu dưới lòng đất làm nứt nhiều nhà dân là cực kỳ nguy hiểm. Sẽ ảnh hưởng đến kết cấu móng căn nhà, không thể khắc phục bằng cách thông thường".

"Chúng tôi yêu cầu phải có đơn vị độc lập để quan trắc, đánh giá tác động môi trường, hư hỏng nhà cửa. Từ đó, mới có phương án khắc phục, sửa chữa nhà cho người dân một cách an toàn nhất", ông Liêm nói thêm.

Nguồn thanhnien
Link bài gốc

https://thanhnien.vn/robot-dao-duong-trong-dem-hang-loat-nha-dan-o-thu-duc-nghieng-nga-tuong-co-dong-dat-185230928140000004.htm