Vướng mắc trong việc giám sát
Liên quan tình trạng xe dù núp bóng, UBND TP.HCM đã phân công nhiệm vụ cụ thể như sau: Công an TP chỉ đạo Phòng CSGT và Công an TP.Thủ Đức và các quận, huyện phối hợp tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan tình trạng "xe dù, bến cóc"; chở quá số người quy định; dừng, đỗ trái phép; chiếm dụng lòng đường và vỉa hè gây mất trật tự ATGT... Sở GTVT duy trì kế hoạch kiểm tra hằng năm đối với đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn (trong năm 2023, Sở GTVT đã xây dựng kế hoạch kiểm tra 13 đơn vị vận tải và thanh tra 1 đơn vị).
Sở GTVT phối hợp với công an rà soát, kiểm tra về hoạt động kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ. Từ tháng 1-11.2023, Thanh tra giao thông (TTGT) đã phát hiện và lập biên bản 2.719 trường hợp vi phạm trong hoạt động vận tải với số tiền xử phạt hơn 4,1 tỉ đồng; UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động tại các bến bãi, điểm đón, trả khách…
|
|
Khách chuẩn bị lên xe khách H.N trên đường Kinh Dương Vương (P.An Lạc A, Q.Bình Tân) |
|
|
Xe khách T.C đón khách, chất hàng hóa tại bãi xe của công ty này |
Sở GTVT TP.HCM cho rằng việc giám sát, xử lý xe dù núp bóng hợp đồng gặp một số vướng mắc như: việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lặp 30% trong 1 tháng được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe và hợp đồng vận chuyển đã ký kết. Thế nhưng hệ thống xử lý và khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (do Cục Đường bộ VN quản lý) chưa được nâng cấp để truy xuất dữ liệu. Một số trường hợp chưa có quy định chế tài xử lý hoặc có nhưng chưa đủ tính răn đe đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng nhưng thường xuyên tổ chức hoạt động đón, trả khách sai quy định; Chưa có quy định thu hồi phù hiệu theo thời hạn đối với ô tô vận tải hành khách theo hợp đồng đã được cấp phù hiệu nhưng thường xuyên vi phạm dừng, đỗ xe sai quy định... Sở GTVT đã kiến nghị lên Bộ GTVT xem xét, điều chỉnh để phù hợp với thực tế.
Xe khách bỏ bến diễn ra tràn lan
Liên quan tình trạng xe khách bỏ bến ra ngoài lập bến bãi hoạt động, ông Trần Văn Phương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Miền Tây, xác nhận có tình trạng này. Trong đó, có một số doanh nghiệp hoạt động dạng "nửa trong, nửa ngoài". Một số xe đăng ký tuyến cố định nhưng chạy theo kiểu hợp đồng, đưa xe trực tiếp vào nội thành để rước khách. Đối với doanh nghiệp chạy "nửa trong, nửa ngoài" bến xe cũng thường xuyên có báo cáo với Sở GTVT. Tuy nhiên, chức năng kiểm tra, xử lý ngoài đường thuộc về CSGT, TTGT. Cũng theo ông Phương, qua sự việc của Công ty Thành Bưởi, TP đã chỉ đạo siết chặt hơn về quản lý đối với các phương tiện vận tải hành khách. Từ đó, nhiều doanh nghiệp quay vào trong bến, đăng ký thêm số tài (số chuyến) để hoạt động.
|
|
Phụ xe của nhà xe T.C thu tiền khách nhưng không phát vé |
|
|
Người phụ nữ tại bãi xe khách đối diện bến xe Miền Đông cũ (Q.Bình Thạnh) thu tiền phí ra vào bãi xe của người đi xe máy |
Trả lời Thanh Niên, đại diện Bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết có trường hợp nhà xe bỏ bến, song không nhiều (cụ thể là trường hợp nhà xe Long Vân). Một số đơn vị nhà xe khác thì chuyển bến hoặc đăng ký hoạt động song song giữa các bến xe Miền Đông, Ngã Tư Ga, Miền Tây, An Sương. Hiện Bến xe Miền Đông đang có khoảng 70 tuyến xe cố định, nhưng thực tế hoạt động chỉ khoảng 57 tuyến. Vị này cũng cho hay một thực trạng là xung quanh Bến xe Miền Đông và nhiều điểm khác trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều bến bãi trá hình điểm nhận hàng và rước khách. "Bên cạnh đó có tình trạng đơn vị đăng ký hoạt động tại bến chỉ 10 xe, nhưng họ lại đầu tư, mua sắm nhiều xe để hoạt động ở bên ngoài", vị này chia sẻ.
Đại diện Bến xe Miền Đông cho biết thêm nhiều đơn vị vận tải đã không đưa phương tiện vào bến này hoạt động mà chuyển sang các bến xe liên tỉnh khác hoặc chuyển sang hình thức xe hợp đồng. Bến xe Miền Đông mới đã đề xuất thu hồi phù hiệu của 70 nhà xe khách tuyến cố định. Liên quan vấn đề này, Sở GTVT TP.HCM cho hay đối với các đơn vị vận tải thuộc các địa phương khác quản lý thì đơn vị này có công văn đề nghị Sở GTVT tỉnh, thành đó xem xét ban hành quyết định đình chỉ khai thác tuyến khi các đơn vị vận tải không hoạt động đúng tuyến trong thời gian 60 ngày liên tục. Đối với các đơn vị vận tải thuộc TP.HCM, Sở GTVT sẽ quyết định đình chỉ nếu đơn vị vận tải hành khách không thực hiện đúng quy định.
Theo Sở GTVT, để giải quyết dứt điểm xe dù, bến cóc phải cần tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt các giải pháp đã triển khai như: rà soát tổ chức giao thông; tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tăng cường công tác tuyên truyền... Bên cạnh đó, Sở GTVT tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng đề xuất hoàn chỉnh văn bản quy phạm pháp luật, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác giám sát, xử lý vi phạm.