Dự án không bao giờ kết thúc

- Với tinh thần "nói đi đôi với làm", các cơ quan được yêu cầu phải hoàn thành phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong quý I/2025. Điều này cho thấy sự quyết tâm mạnh mẽ đối với việc cải cách bộ máy. Ông có bình luận gì trước các diễn biến này?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Trên thực tế ai cũng thấy quá trình cải cách đang được thúc đẩy rất gấp về mặt tiến độ.

Điều đó không chỉ thể hiện ý chí và quyết tâm cao của người chỉ huy và cấp lãnh đạo mà còn là một phương pháp hành động có tính cân nhắc khoa học. Có nhiều nguyên do để nhận định như vậy.

                                         Luật sư Nguyễn Tiến Lập

Thứ nhất, vấn đề tinh gọn bộ máy và giảm biên chế đã được đề cập rất lâu rồi và bắt đầu triển khai từ nhiều năm trước.

Nhưng có lẽ đúng như nhiều người đánh giá, đó là một dự án không bao giờ kết thúc, chưa nói đến có thay đổi và có giảm nhưng kết cục là tổng thể bộ máy vẫn phình to, cồng kềnh và không mang lại hiệu quả quản trị được bao nhiêu.

Thứ hai, và điều này quan trọng hơn, đó là cái sức ì, sự ỷ lại, động thái trì hoãn tránh nhiệm và níu kéo lợi ích trong tâm lý của những người thực thi trong nhiều bộ phận có lẽ khá nặng.

Thứ ba, đặt đất nước trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của thời đại mới đang diễn ra toàn cầu thì nó không cho phép chúng ta chậm trễ hay chờ đợi nếu không muốn “bị bỏ lại phía sau”.

Sau cùng, mọi cuộc cải cách cần có tính tổng thể và đồng bộ, theo đó việc tinh gọn bộ máy chỉ là bước đầu nhưng cần thiết gắn nhịp với các thời điểm và sự kiện chính trị lớn khác.

Do đó, tôi cho rằng quyết tâm của cấp lãnh đạo cao nhất về thúc đẩy tiến độ cuộc cải cách này là hoàn toàn hiểu được.

- Theo ông lần cải cách bộ máy này có điều gì khác biệt hơn so với những lần trước?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Theo tôi, đó chính là vấn đề quản trị, tức vai trò và nhiệm vụ quản trị quốc gia của bộ máy nhà nước.

Tổng bí thư Tô Lâm nhắc đi nhắc lại rằng nếu không thay đổi, thậm chí phải làm cuộc cách mạng, thì đến 2045, Việt Nam không đạt được các mục tiêu phát triển để sánh kịp các nước.

Một khi đó chính là điều mà người lãnh đạo cao nhất của đất nước trăn trở thì người dân có quyền xúc động và tự hào bởi dân tộc ta đã bước ra, thoát khỏi cái bóng bao nhiêu năm chỉ hay thấy và tự so sánh với chính mình.

- Một trong những điểm đáng chú ý của việc sắp xếp, sáp nhập, tinh gọn bộ máy lần này là phải trên tinh thần giảm về số lượng (đầu mối) nhưng tăng về chất lượng, tức là tăng hiệu lực hiệu quả hoạt động. Điều này được xem là vô cùng khó…, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Chắc chắn rằng nâng cao chất lượng và hiệu quả của bộ máy mới là cái đích đến thật sự và chính đáng của việc tinh gọn bộ máy. Nhưng vấn đề là cần làm rõ thước đo chất lượng, hiệu quả là gì? Và làm thế nào để đạt được điều đó?

Chẳng hạn nói về chất lượng bộ máy. Trước hết, cấu trúc của bộ máy xét về chức năng không được có sự trùng lặp và chồng chéo, còn về hoạt động không được lấn sân. Có chuyên gia từng là quan chức cấp cao trong nhà nước đã nêu vấn đề “hai nhà nước trong một nhà nước”, hàm ý có sự trùng lặp giữa các cơ quan Đảng và cơ quan chính quyền.

Tôi nghĩ ở đây sẽ không và cũng đã từng không có sự trùng lặp về mặt tổ chức khi thấy ở cơ quan chính quyền nào cũng có chi bộ hay Đảng uỷ, Đảng bộ đi kèm. Tuy nhiên, khi cả hai cơ quan đó cùng làm một việc như quyết định về một dự án kinh tế, tức là tạo ra hai loại giấy phép cho một thủ tục hành chính, đó sẽ vừa là trùng lặp, vừa lấn sân và kết quả là sự chồng chéo về cả tổ chức và hoạt động.

Có nghĩa rằng khi cải cách bộ máy thì chúng ta phải đặt câu hỏi đầu tiên là cái cơ quan, đơn vị ấy sinh ra để làm gì? Việc làm của nó có thể thay thế bằng các cơ quan, đơn vị khác được không? Còn rộng hơn và ở tầm khái quát, tổng thể, tôi mong muốn có một câu hỏi ở cấp độ cao hơn được đặt ra. Đó là cho cùng một nhiệm vụ hay mục tiêu của quản trị quốc gia thì có thiết chế nào của xã hội và tư nhân đảm nhiệm việc ấy mà không cần nhà nước phải làm hay không?

Chất lượng bộ máy đương nhiên phụ thuộc vào chất lượng nhân sự. Với kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm qua, chúng ta đều thấy chất lượng con người không phải luôn luôn tuỳ thuộc người ấy nắm giữ bằng cấp học vấn gì?

Bằng cấp học vấn là những dấu hiệu về đào tạo chuyên môn của một cá nhân, nó sẽ rất quan trọng nhưng chỉ có ý nghĩa khi ngoài chuyện học thật và kiến thức thật thì còn phải được bố trí đúng cương vị, và quan trọng hơn nữa đó là cái tinh thần của người ấy phải hướng đến phục vụ và cống hiến cho xã hội, hơn là tìm kiếm cơ hội cho danh lợi cá nhân. Phải làm sao để đối với một đời người, “con đường công chức” phải là con đường vinh quang, đáng tự hào và người dân kính trọng.

Về thước đo hiệu quả bộ máy, tôi cho rằng cho dù có nhiều chỉ số thì cũng chỉ kết tinh lại hai điều căn bản, đó là sự hài lòng của người dân và sự phát triển của đất nước theo hướng giàu mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh. Hai mục tiêu này cần được đo theo chù kỳ thời gian, trong sự so sánh giữa chi phí quản trị công và lợi ích mà nền kinh tế thu được, cũng như trong sánh giữa Việt Nam và các nước có cùng điều kiện, bối cảnh.

Cải cách hướng tới bảo vệ quyền lợi của con người

- Một trong những điểm đáng chú ý của đợt tinh gọn lần này là việc tinh giảm sẽ giúp tiết kiệm cho ngân sách và từ đó ngân sách sẽ có tiền chi cho đầu tư, phát triển. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Mục tiêu này là đúng đắn và đó phải là một hệ quả trực tiếp của tinh gọn bộ máy và tinh giảm nhân sự. Việt Nam vẫn đang là một nước đang phát triển, do đó đang cần rất nhiều nguồn lực tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng, mà sự phát triển ấy chủ yếu đến từ đầu tư công, tức các dự án sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một thực tế hay tác dụng phụ ngoài mong muốn.

Thứ nhất, mặc dù có thêm nguồn tiền dồi dào từ ngân sách do tiết kiệm chi phí bộ máy, nhưng liệu có được các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng có chất lượng và hiệu quả cao hay không? Bởi điều này còn phụ thuộc vào các yếu tố khác, chủ yếu là năng lực quản trị công, trong đó bao gồm cả việc xây dựng một khung chính sách công thích hợp, tạo thuận lợi cho sáng tạo và phát triển.

Thứ hai, đã và đang có tình trạng vốn ngân sách đầu tư công đã được phân bổ trong những năm qua nhưng tỷ lệ giải ngân thực hiện khá thấp.

Có nghĩa rằng vấn đề không phải hay không chỉ là tiền. Tôi cho rằng đó là vấn đề của khung pháp luật, chưa thật sự hướng đến phân định rành mạch giữa xác lập trách nhiệm và bảo vệ quyền ở phạm vi và cấp độ đủ cho mỗi con người trong cuộc yên tâm, hào hứng và có khí phách khi đảm nhiệm công vụ.

Còn để giải bài toán cân đối tổng thể cho phát triển, tôi cho rằng một khi có được các khoản tiền dôi ra từ tiết kiệm ngân sách sau tinh gọn, việc trước mắt cần làm là tăng lương và đãi ngộ cho đội ngũ công chức để ít nhiều có sự ngang bằng giữa hai khu vực nhà nước và tư nhân; còn về lâu dài có thể xem xét việc giảm thuế để tạo các nguồn tài chính ngoài ngân sách cho các dự án đầu tư tự quyết, tự quản, tự chịu trách nhiệm của khu vực tư nhân.

- Lần này, cuộc cải cách diễn ra toàn diện từ bộ máy Đảng, chính quyền đến các tổ chức chính trị-xã hội. Vậy ông nhận định như thế nào đối trước những lo ngại về sự dôi dư của cán bộ, công chức viên chức sau sắp xếp?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Mọi chính sách đề ra đương nhiên phải hướng tới bảo vệ quyền và lợi ích của con người. Các cuộc cải cách cũng vậy. Tuy nhiên, điều đó không nên hàm ý sự ưu đãi mà bảo đảm sự công bằng và sòng phẳng giữa nghĩa vụ và quyền lợi, giữa cống hiến và hưởng thụ.

Cụ thể, khi tinh giảm nhân sự sẽ có một bộ phận con người “dôi dư” và nghỉ việc trong nhà nước, vì cả lý do họ không đủ năng lực lẫn năng lực của họ không tương thích với công việc mới.

leftcenterrightdel
 Một trong những điểm đáng chú ý của việc sắp xếp, sáp nhập, tinh gọn bộ máy lần này là phải trên tinh thần giảm về số lượng (đầu mối) nhưng tăng về chất lượng, tức là tăng hiệu lực hiệu quả hoạt động.

Đồng thời, có cả nhóm đối tượng tự nguyện xin chấm dứt cương vị và công việc nữa. Bởi đã là con người và hoàn cảnh luôn luôn có sự khác nhau, do đó theo tôi cần áp dụng các chế độ, chính sách khác nhau đối với các nhóm đối tượng “dôi dư” này, được gọi chung là chính sách lao động và xã hội.

Chính sách đó nói chung cần tuân theo một nguyên lý có tính phổ quát, vốn lâu nay được áp dụng cả cho hai khu vực công và tư, đó là bồi thường vật chất và hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi nghề nghiệp và công việc.

Ngoài ra, cũng cần đặc biệt lưu ý đến các khía cạnh nhạy cảm của đời sống tinh thần và quan hệ xã hội. Đó là nhiều người thuộc nhóm đối tượng “dôi dư” đã có quá trình lâu dài phục vụ và cống hiến vì lợi ích của Đảng, Nhà nước và xã hội với nhiều hi sinh và tâm huyết cá nhân. Đối với những người này, tôi cho rằng ngoài việc giải quyết chế độ lao động rất cần cả các hành động có tính vinh danh đối với cống hiến của họ.

- Trong quá trình sáp nhập, chia tách các cơ quan, làm thế nào để hạn chế được chuyện "quyền anh, quyền tôi", hạn chế được tính cục bộ?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Đây là phạm trù tế nhị trong cải cách, tái cấu trúc bộ máy và nhân sự, nhất là khi liên quan đến nhân sự quản lý, lãnh đạo. Tôi xin đóng góp một bài học hay kinh nghiệm từ câu chuyện “cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước”.

Đó là khi chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường, các nước XHCN Đông Âu thực hiện một chương trình tư nhân hoá từ trên xuống thông qua các quyết định tập trung của một cơ quan quản lý thống nhất. Kết quả là họ đã thành công trong việc chuyển đổi nhanh chóng nền kinh tế.

Trong khi đó, ở Việt Nam, quá trình này được bắt đầu cùng thời điểm nhưng kéo dài cho tới hiện nay chưa kết thúc. Mặc dù cả bối cảnh, mục tiêu chính trị và cách đặt vấn đề ở nước ta có sự khác biệt, tuy nhiên có thể rút ra một bài học là nguyên nhân kỹ thuật.

Đó là chúng ta đã trao quyền cho các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp có liên quan tự chủ thực hiện.

Như vậy, để hạn chế các yếu tố cản trở do tranh giành quyền và lợi ích giữa các chủ thể có liên quan, vốn xảy ra rất tự nhiên, tôi cho rằng cần tối đa hoá quy trình ra quyết định tập trung từ trên xuống.

Nguồn vietnamfinance
Link bài gốc

https://vietnamfinance.vn/tinh-gon-bo-may-la-du-an-khong-bao-gio-ket-thuc-d121896.html