Xuyên Việt Oil dùng 'chiêu' gì để qua cửa cấp phép?
Công ty Xuyên Việt Oil được cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu lần đầu vào ngày 22/8/2016. Công ty này được cấp lại Giấy phép kinh doanh xuất khẩu nhập khẩu xăng dầu vào ngày 19/11/2021.
|
|
Bộ Công Thương ghi nhận tại thời điểm kiểm tra Công ty Xuyên Việt Oil có 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc và 18 đại lý bán lẻ xăng dầu |
Khi được Bộ Công Thương cấp phép, công ty có đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 83/2014/ND-CP. Theo đó, về đại lý xăng dầu (theo quy định, doanh nghiệp cần có 40 đại lý), Công ty Xuyên Việt Oil có 49 đại lý bao gồm 17 đại lý do Công ty mẹ Xuyên Việt Oil trực tiếp ký hợp đồng đại lý và 32 đại lý thuộc Công ty con của Công ty Xuyên Việt Oil (là Công ty Đại Đồng Xuân).
Tuy nhiên, kết luận thanh tra của Bộ Công Thương chỉ ra rằng: Để đủ điều kiện về hệ thống phân phối, có 37 đại lý bán lẻ của Công ty CP Đại Đồng Xuân được Công ty Xuyên Việt Oil kê khai thuộc hệ thống của mình thông qua cơ chế công ty mẹ - con. Cụ thể là Xuyên Việt Oil có góp vốn trên 50% vào Công ty Đại Đồng Xuân.
Thế nhưng, điều đáng nói là, cũng chính trong ngày Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, Công ty Xuyên Việt Oil và Công ty CP Đại Đồng Xuân đã ký kết văn bản hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và tại thời điểm hủy bỏ, “hai bên chưa thực hiện bất cứ quyền và nghĩa vụ nào của hợp đồng đã ký kết”.
Kết thúc quá trình thanh tra, Bộ Công Thương ghi nhận tại thời điểm kiểm tra Công ty Xuyên Việt Oil có 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc và 18 đại lý bán lẻ xăng dầu. Công ty Xuyên Việt Oil đã bị xử lý vi phạm hành chính và bị tước Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu với thời gian 1,5 tháng đối với hành vi vi phạm quy định về không duy trì, đáp ứng đủ số lượng đại lý bán lẻ xăng dầu theo quy định nêu trên.
Sắp triển khai thủ tục phá sản SBIC và 7 công ty con
Chính phủ vừa có nghị quyết về kế hoạch tổ chức thực hiện thông báo kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương xử lý Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC).
Theo đó, Chính phủ quyết nghị thông qua kế hoạch tổ chức thực hiện chủ trương xử lý đối với SBIC theo thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng về kết luận của Bộ Chính trị trong việc xử lý với doanh nghiệp này. Việc xử lý theo hướng phá sản đối với công ty mẹ - SBIC và 7 công ty con; thu hồi phần vốn của công ty mẹ - SBIC tại Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm.
Yêu cầu đặt ra trong quá trình phá sản SBIC đó là thu hồi tối đa vốn và tài sản, hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước. Trường hợp phải sử dụng ngân sách nhà nước thì thực hiện đúng quy định của pháp luật; giảm thiểu tổn thất tiền, tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân liên quan cũng như đối với ngành đóng, sửa chữa tàu.
Đối với Công ty mẹ SBIC và 7 công ty con , Chính phủ yêu cầu khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định pháp luật để nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý I/2024.
Phân công nhiệm vụ lãnh đạo Bộ Công Thương sau khi ông Đỗ Thắng Hải bị bắt
Bộ Công Thương vừa có quyết định phân công nhiệm vụ tạm thời đối với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng hai Thứ trưởng là ông Nguyễn Sinh Nhật Tân và bà Phan Thị Thắng từ ngày 21/12. Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân trở thành người phát ngôn của Bộ Công Thương thay cho ông Đỗ Thắng Hải.
Việc phân công lại công việc được thực hiện sau khi Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bị bắt tạm giam ngày qua 21/12, để điều tra làm rõ sai phạm liên quan trong vụ án của Công ty kinh doanh xăng dầu Xuyên Việt Oil.
Như vậy hiện nay, Bộ Công Thương chỉ còn lại 2 thứ trưởng là ông Nguyễn Sinh Nhật Tân và bà Phan Thị Thắng.
2023 là năm có nhiều biến động về nhân sự lãnh đạo của Bộ Công Thương khi nhiều lãnh đạo được luân chuyển công tác và nghỉ hưu.
Chốt khuyến nghị tăng lương tối thiểu vùng 6% từ tháng 7/2024
Sáng 20/12, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã nhóm họp phiên thứ 2 thảo luận, thông qua phương án khuyến nghị Chính phủ về tăng lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm 2024, với phương án tăng thêm 6% áp dụng từ ngày 1/7/2024.
|
|
Hội đồng tiền lương quốc gia chốt tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 1/7/2024. |
Kết thúc phiên họp, với đa số phiếu đồng thuận, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 là 6% để khuyến nghị Chính phủ. Nếu được Chính phủ thông qua, lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ ngày 1/7/2024 (cùng thời điểm cải cách tiền lương khu vực nhà nước). Cụ thể, lương tối thiểu vùng tăng bình quân theo tháng là 6%.
Với mức tăng trên, mức lương tối thiểu có thể được áp dụng từ ngày 1/7/2024 cụ thể: Vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng thêm 280 nghìn đồng); Vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250 nghìn đồng); Vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220 nghìn đồng); Vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng200 nghìn đồng).
Tín dụng tăng gần 86.000 tỷ đồng chỉ trong 13 ngày
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 13/12, tín dụng tăng 9,87%. Trước đó, tính đến ngày 31/11 tăng trưởng tín dụng đạt 9,15%. Như vậy, chỉ trong 13 ngày tín dụng đã tăng thêm 85.800 tỷ đồng tương đương ngần ấy số tiền đi ra nền kinh tế.
|
|
Tín dụng tăng trưởng chưa đạt chỉ tiêu đề ra |
Cụ thể, với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,17%, Công nghiệp và xây dựng 7,31%, Hoạt động Thương mại, Vận tải và Viễn thông 11,94%,Các hoạt động dịch vụ khác 5,3%.
Ngân hàng Nhà nước cho biết mức tăng trưởng nói trên đã gần đạt mốc hai con số nhưng vẫn thấp hơn so với định hướng điều hành là 14%.
Ngân hàng Nhà nước chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng đến thời điểm này của năm vẫn còn thấp như: Đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng.
Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa , trong khi việc triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ , Quỹ Phát triển... chưa phát huy hiệu quả.
Thưởng Tết ở Bình Dương cao nhất gần 370 triệu đồng/người
Ngày 22/12, thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết đã có gần 1.000 doanh nghiệp trên địa bàn báo cáo kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Theo đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã đưa ra kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán 2024 cho công nhân, người lao động. Mức thưởng dự kiến thấp nhất là gần 4,7 triệu đồng và cao nhất là gần 370 triệu đồng đối với người lao động có thời gian làm việc đủ 12 tháng.
Đơn vị có mức thưởng cao nhất đến thời điểm này là Công ty Cổ phần Marico South East Asia (Khu công nghiệp Sóng Thần 1, phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Ngoài sản xuất giày dép, công ty này còn hoạt động nhiều ngành nghề khác.
Tăng phí 48 trạm BOT từ ngày 29/12
Trên cơ sở đồng thuận của Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ vừa có văn bản thông báo đồng ý cho nhà đầu tư tăng phí BOT đường bộ tại 44 dự án với tổng cộng 48 trạm thu phí do cơ quan này quản lý. Mức tăng phí mới áp dụng từ 0h ngày 29/12/2023.
|
|
Đồng loạt tăng phí tại 48 trạm thu phí BOT cả nước (Ảnh minh họa). |
Cục Đường bộ đánh giá, với mức tăng phí BOT kể trên sẽ tác động làm tăng chi phí vận tải (giá cước) thêm khoảng từ 0,2 - 1,4% so với mức phí hiện hành, tỷ lệ tăng này tác động không đáng kể lên chỉ số giá tiêu dùng.
Có 3 dự án nhà đầu tư có ý kiến không tăng phí, nên không thực hiện tăng lần này, gồm các dự án: BOT Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) qua tỉnh Đắk Lắk; BOT cải tạo nâng cấp Quốc lộ 38 đoạn nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 5 (nối tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương); Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận).