Sự cố hạt nhân Fukushima xảy ra sau trận động đất và sóng thần năm 2011, khiến hệ thống làm mát và nguồn điện bị hỏng, gây quá nhiệt cho các lõi trong lò phản ứng hạt nhân. Nhật Bản đã phải tăng cường đổ nước vào nhà máy để làm lạnh lò phản ứng. Tuy nhiên, trong quá trình này, mưa và đất cát đã rơi vào nhà máy, tạo ra một lượng nước thải bị nhiễm xạ cần phải được lưu giữ và xử lý.

Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã xây dựng 1.000 bể chứa khổng lồ để lưu trữ 1,32 triệu tấn nước thải. Tuy nhiên, dung tích của các bể này dần đạt đến giới hạn và TEPCO cần tìm chỗ lưu trữ mới để tiếp tục công cuộc sửa chữa nhà máy. Do đó, Tokyo đã công bố kế hoạch xả nước thải 1,32 triệu tấn này.

leftcenterrightdel
 Các bồn chứa nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật. Ảnh: Kyodo News

Thông tin này ngay lập tức gây ra tranh cãi với hai luồng ý kiến chính. Một số người cho rằng quyết định của Tokyo hoàn toàn hợp lý. Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi đã trích dẫn một báo cáo của các chuyên gia từ 11 quốc gia khác nhau cho biết kế hoạch xả thải của Tokyo "đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế". IAEA cho rằng, nước thải nhiễm xạ có một số chất đáng chú ý, nhưng phần lớn chúng có thể được loại bỏ.

Mỹ, một đồng minh quan trọng của Nhật Bản, ủng hộ báo cáo của IAEA. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, Matthew Miller, khẳng định rằng Nhật Bản đã tiếp tục hợp tác với IAEA trong việc xây dựng kế hoạch và áp dụng quy trình minh bạch và khoa học. Ông cũng hy vọng rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác với IAEA trong quá trình tiến triển của kế hoạch.

Tuy nhiên, các nước láng giềng tại khu vực Đông Bắc Á, đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc, có những lo ngại về kế hoạch của Nhật Bản. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Uông Văn Bân, chỉ trích IAEA đã "vội vàng" công bố báo cáo và cho rằng công chúng đã "bày tỏ quan ngại sâu sắc" về kế hoạch của Tokyo. Trung Quốc đồng thời tuyên bố sẽ tăng cường giám sát môi trường biển và kiểm dịch hải sản nhập khẩu từ Fukushima.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã thảo luận về vấn đề xả nước thải nhiễm xạ ở Fukushima trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 12/7. (Nguồn: Reuters)

Hàn Quốc cũng đã tiến hành đánh giá riêng và cho rằng kế hoạch xả thải tại Fukushima của Nhật Bản đáp ứng hoặc vượt quá tiêu chuẩn quốc tế quan trọng. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc, ông Kim Jin Pyo, cho rằng cần tìm giải pháp thay thế cho việc xả thải. Đảng đối lập và Quốc hội Hàn Quốc cũng đã chỉ trích IAEA "thiên vị Nhật Bản ngay từ đầu" và phản đối kế hoạch của Tokyo. Hàn Quốc vẫn tiếp tục áp dụng lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima cho tới khi lo ngại của công chúng về nước thải nhiễm xạ giảm đi.

Triều Tiên cũng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về kế hoạch xả nước thải tại Fukushima. Quan chức Bộ Bảo vệ Môi trường của Triều Tiên nhấn mạnh rằng việc xả nước thải nhiễm xạ tại Fukushima "ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống con người, an ninh và môi trường sinh thái". Quan chức này cho rằng IAEA đã "vô lý" bảo trợ và tạo điều kiện cho Nhật Bản thực hiện kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ.

Phản ứng của ba nước Đông Bắc Á đối với kế hoạch xả nước thải của Nhật Bản cho thấy một điểm đáng chú ý. Trong khi Triều Tiên tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ, Trung Quốc và Hàn Quốc lại tỏ ra kiềm chế hơn. Bắc Kinh không chỉ nêu lập trường của chính phủ mà còn đề cập đến "quan ngại sâu sắc của công chúng" và kêu gọi IAEA xem xét lại kết quả báo cáo. Hàn Quốc, mặc dù công nhận kế hoạch xả thải của Nhật Bản phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, vẫn duy trì lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ Fukushima. Đảng đối lập và Quốc hội Hàn Quốc cũng thể hiện thái độ khác nhau đối với kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ của Tokyo.

Trước tình hình này, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã thảo luận về vấn đề này trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Lithuania vào ngày 12/7. Thủ tướng Yoon nhấn mạnh rằng sức khỏe và an toàn của người dân phải là ưu tiên hàng đầu trong quá trình xả nước thải của nhà máy, và Hàn Quốc kêu gọi Nhật Bản chia sẻ thông tin giám sát quá trình xả thải và cho phép chuyên gia Hàn Quốc tham gia vào quá trình giám sát.

leftcenterrightdel
 Các thành viên thuộc một hội về môi trường tổ chức biểu tình trong sân Hiệp hội Bảo vệ môi trường ở Seoul nhằm yêu cầu Nhật Bản rút lại kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ ra biển nhân ngày Đại dương thế giới 8-6 - Ảnh: YONHAP

Đáp lại, Thủ tướng Kishida Fumio cam kết sẽ làm mọi cách để đảm bảo an toàn trong quá trình xả nước thải và không xả nước thải có thể gây hại cho sức khỏe của người dân Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như môi trường. Ông cũng cam kết thông báo minh bạch và kịp thời về kết quả giám sát quá trình xả nước thải.

Dự kiến, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa sẽ thăm Hàn Quốc và Trung Quốc trong tháng 7 để thảo luận về vấn đề này, trong bối cảnh sự phản đối đang gia tăng tại khu vực Đông Bắc Á.

Nhật Bản đang cố gắng đảm bảo quá trình sửa chữa nhà máy điện hạt nhân Fukushima và duy trì quan hệ tốt với các nước láng giềng. Tuy nhiên, liệu những nỗ lực này có thể xoa dịu mối quan ngại hay không, vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời đáp. Tranh cãi liên quan đến kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản sẽ tiếp tục "nóng" trong thời gian tới.

Nguồn baoquocte
Link bài gốc

https://baoquocte.vn/dang-sau-cau-chuyen-ve-ke-hoach-xa-thai-o-fukushima-234341.html