Giảm 17 tổng cục

Chính phủ vừa báo cáo gửi tới Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo báo cáo, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động rà soát, sắp xếp các tổ chức bên trong bộ, ngành như: tổng cục, cục, vụ và các tổ chức bên trong tổng cục bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Cụ thể, đã giảm được 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục; giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm cơ bản phòng trong vụ.

leftcenterrightdel
 Cải cách bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu quả (Ảnh minh họa: Tố Linh)

Cùng với đó, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đã và đang chủ động thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, số lượng cấp phó thuộc sở, phòng theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian...

Theo đó, đã giảm được 7 sở và 2.159 phòng thuộc sở và thuộc UBND cấp huyện.

Về sắp xếp đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương đến ngày 30/6/2022, 1.035 đơn vị bộ ngành, giảm 98 đơn vị và đối với địa phương còn 46.653 đơn vị, giảm 7.631 đơn vị.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chính phủ cho biết các bộ, ngành tiếp tục kiện toàn tổ chức bên trong của các cơ quan, đơn vị, tổ chức theo hướng tinh gọn; rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Thu gọn đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập

Về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, Chính phủ nêu rõ các bộ, ngành khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các phương án sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập trong năm 2023, lộ trình đến năm 2025.

Cụ thể, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giảm đầu mối (tiếp tục giảm tối thiểu 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021).

Phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính (tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên).

100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần. Tiếp tục nâng cao mức độ tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu sắp xếp, thu gọn đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, tiêu chí, điều kiện thành lập, tránh cào bằng, bảo đảm phù hợp với quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập và nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

leftcenterrightdel
 Chính phủ yêu cầu hoàn thiện các phương án sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập trong năm 2023, lộ trình đến năm 2025

Đối với lĩnh vực giáo dục, cần chủ động đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý và phối hợp với bộ quản lý ngành, lĩnh vực để có phương án cơ cấu lại các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Từ đó, bảo đảm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho ngành và địa phương; đồng thời thực hiện lộ trình tự chủ về tài chính phù hợp với lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục đào tạo.

Chính phủ yêu cầu chỉ giữ lại các đơn vị thuộc bộ phục vụ nhiệm vụ chính trị và một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành gắn với chức năng, nhiệm vụ của bộ đáp ứng đầy đủ tiêu chí, điều kiện thành lập theo quy định của pháp luật, chuyển dần các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và các bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về địa phương quản lý (trừ một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện của các trường đại học).

Bên cạnh đó, thực hiện rà soát và thực hiện lộ trình tự chủ về tài chính, bảo đảm đến hết năm 2025 các cơ sở khám chữa bệnh (trừ các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực khám chữa bệnh đặc thù) là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên. Sau năm 2025 các cơ sở không tự bảo đảm chi thường xuyên sẽ phải tổ chức lại cho phù hợp.

Nguồn dantri
Link bài gốc

https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/thu-gon-dau-moi-don-vi-su-nghiep-sap-xep-lai-dai-hoc-benh-vien-20230923145956031.htm