VnExpress phỏng vấn PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) để làm rõ những chuyển biến thời tiết sắp tới.

- Xuất hiện từ tháng 6/2023, đến nay El Nino đang ở thời kỳ nào?

- El Nino và La Lina là hai pha đối ngược của hiện tượng ENSO, chỉ sự nóng lên, lạnh đi dị thường của nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực xích đạo phía đông và trung tâm Thái Bình Dương (vùng Nino 3.4), chu kỳ khoảng 8-12 tháng, có khi 3-4 năm. El Nino đã đạt đỉnh vào tháng 11-12/2023, giá trị chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển (SSTA) ở vùng Nino 3.4 đạt 2 độ C vào tháng 12/2023.

Sang tháng 1/2024, SSTA giảm còn 1,87 độ C, vẫn cao hơn trung bình nhiều năm và đến tuần gần nhất tháng 2 giảm tiếp còn 1,5 độ C. Như vậy, hiện El Nino vẫn hoạt động mạnh, nhưng đã qua giai đoạn mạnh nhất và đang chuyển sang trạng thái trung bình, sau đó là yếu.

Trong 8 tháng qua, El Nino khiến nhiệt độ hầu hết cả nước liên tục duy trì mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 đến 2 độ C. Nhiều địa phương ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục vào tháng 4-7/2023. Ngày 7/5/2023, trạm Tương Dương, tỉnh Nghệ An nóng 44,2 độ C, cao nhất trong lịch sử quan trắc tại Việt Nam.

Do tác động của El Nino, lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm duy trì liên tục trong những tháng qua ở hầu hết cả nước. Năm 2023 có 8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, ít hơn trung bình 5 cơn và chỉ có một cơn ảnh hưởng tới đất liền, ít hơn trung bình 6 cơn.

leftcenterrightdel
 PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu. Ảnh: Gia Chính

- Trong 3-4 tháng tới, El Nino sẽ tác động thế nào tới Việt Nam?

El Nino được dự báo tiếp tục duy trì và ảnh hưởng đến thời tiết, khí hậu nước ta trong 3-4 tháng tới. Nhiều khả năng xuất hiện kỷ lục nhiệt độ cao. Lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm ở hầu hết cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Nam.

Do thiếu hụt mưa liên tiếp nhiều tháng kết hợp với nhiệt cao làm gia tăng bốc hơi, các khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ thiếu hụt nước và khô hạn. Bão và áp thấp nhiệt đới ít khả năng xuất hiện ở Biển Đông trong 3-4 tháng tới. Gió mùa mùa hè bắt đầu muộn hơn đến xấp xỉ trung bình nhiều năm.

- Theo dự báo, sau El Nino sẽ là sự xuất hiện của La Nina. Khả năng hình thành La Nina và tác động tới Việt Nam thế nào?

- Các mô hình dự báo đều cho thấy El Nino đang suy yếu nhanh, có thể xuống đến trung tính vào đầu hè (cuối tháng 5 đầu tháng 6) và chuyển sang trạng thái La Nina vào khoảng cuối hè (tháng 8). Theo Trung tâm Dự báo Khí hậu Mỹ (CPC), xác suất để SSTA tại khu vực Nino 3.4 đạt ngưỡng La Nina là 65% vào tháng 7-8/2024, sau đó tăng dần.

Tác động của El Nino và La Nina thường rõ nét nhất vào giai đoạn phát triển, suy yếu và trễ pha (khoảng 1-3 tháng). Chúng tôi dự báo giai đoạn chuyển từ El Nino sang La Nina, thời tiết và khí hậu thường sẽ có những diễn biến bất thường, ngoài quy luật và khó dự báo. Việc giám sát chặt chẽ, cập nhật tình hình ENSO và tác động là hết sức quan trọng để chủ động ứng phó.

Nếu La Nina xuất hiện vào nửa cuối năm 2024 thì khả năng bão và áp thấp nhiệt đới xảy ra dồn dập hơn; mưa lớn, lũ lụt, lũ quét ở Trung Bộ; mưa trái mùa ở Nam Bộ. Đặc biệt trong bối cảnh phát triển nhanh của đô thị hiện nay, ngập lụt đô thị xảy ra thường xuyên hơn. Đối với miền núi phía Bắc, chúng ta cần chú ý đến tác động của rét đậm và rét hại vào các tháng mùa đông 2024-2025.

leftcenterrightdel
 Sông Đà trơ đáy, tháng 6/2023. Ảnh: Ngọc Thành

- Vì sao bà nhận định giai đoạn chuyển tiếp từ El Nino sang La Nina thời tiết có thể diễn biến bất thường và khó dự báo?

- Theo chuỗi số liệu lịch sử, El Nino mạnh vào mùa đông thường dẫn đến La Nina vào mùa hè hoặc mùa thu năm sau, ví dụ các năm 1972-1973; 1997-1998; 2015-2016. Sự dịch chuyển từ El Nino sang La Nina nhanh hay chậm sẽ quyết định mức độ ảnh hưởng của nó đối với hoàn lưu toàn cầu và khu vực. Giai đoạn El Nino yếu và chuyển sang La Nina có thể xảy ra những diễn biến thời tiết bất thường do chưa có sự ổn định của hệ thống hoàn lưu quy mô lớn. Khi đó các hệ thống quy mô nhỏ hơn sẽ tác động đến thời tiết nhanh hơn nên rất khó dự báo.

Nhìn lại lịch sử, những năm nào Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ nhất của La Nina?

Trước tiên chúng ta phải nhìn nhận rằng không phải đợt La Nina nào cũng gây tác động giống nhau, thậm chí có những năm La Nina thiên tai không nghiêm trọng. Tác động của La Nina còn phụ thuộc vào cường độ, thời gian duy trì và tương tác giữa các nhân tố khác. Một điều cần lưu ý trong những năm gần đây là dù năm El Nino hay La Nina thì tình hình nắng nóng và nhiệt độ cao vẫn gia tăng trong mùa hè, đặc biệt là ở các đô thị; mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt đô thị vẫn diễn ra thường xuyên trong mùa mưa.

Theo thống kê, các đợt La Nina điển hình xảy ra vào năm 1998-2000, 2007-2008, 2010-2011 và 2020-2022. Trong đó, đợt rét đậm, rét hại 38 ngày vào tháng 1-2/2008 đã làm 180.000 ha lúa, gần 110.000 vật nuôi bị chết, thiệt hại ước tính 400 tỷ đồng. Thời kỳ La Nina 2020-2022 cũng ghi nhận nhiều thiệt hại. Trong đó, năm 2020 cả nước có 16/22 loại hình thiên tai, với 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 265 trận giông, lốc, sét... làm 357 người chết và mất tích, tổng thiệt hại trên 39.960 tỷ đồng.

Trong năm 2022, cả nước đã xảy ra 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần), với 9 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở đất, lũ quét ở miền núi phía Bắc, ngập lụt đô thị. Tại miền Trung, liên tiếp ba cơn bão đổ bộ và mưa lũ sau bão gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Thiên tai năm 2022 đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại kinh tế gần 19.500 tỷ đồng.

Nguồn vnexpress
Link bài gốc

https://vnexpress.net/thoi-tiet-nhung-thang-toi-se-bat-thuong-ngoai-quy-luat-4716172.html