Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo nghị định quy định thể thức bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay (máy bay) vi phạm vùng trời Việt Nam, do Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo Theo Bộ Quốc phòng, các vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh đối với quy định thể thức bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời hạ cánh tại các cảng hàng không, sân bay tham gia bảo vệ chủ quyền của nước ta được thể hiện tại nhiều văn bản QPPL ở các cấp độ khác nhau trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, các văn bản này mới chỉ đề cập đến những vấn đề mang tính khái quát, định hướng về nguyên tắc, nhiệm vụ chung, chưa có các quy định cụ thể. Mặt khác, trong số các văn bản QPPL liên quan, có nhiều văn bản mới được ban hành hoặc mới được sửa đổi bổ sung.

leftcenterrightdel
 Máy bay Su-30MK2 của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh minh họa: qdnd.vn

Bên cạnh đó, theo Bộ Quốc phòng, các đơn vị không quân thường xuyên tổ chức bay huấn luyện nội dung bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm.

Tuy nhiên, do chưa được quy định bằng các văn bản quy phạm pháp luật, chưa có cơ sở pháp lý để các lực lượng thuộc các Bộ, ngành khác nhau hiệp đồng tổ chức huấn luyện, diễn tập; khi có tình huống liên quan đến vụ việc vi phạm trong vùng trời xảy ra còn gặp khó khăn, vướng mắc về cơ sở pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn trong phối hợp thực hiện.

Vì vậy, Bộ Quốc phòng đề xuất xây dựng nghị định quy định thể thức bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời hạ cánh tại các cảng hàng không, sân bay nhằm thể chế hóa những quan điểm, chủ trương mới của Đảng và Nhà nước về bảo vệ Tổ quốc...

Về phạm vi điều chỉnh, nghị định này quy định thể thức bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay; lực lượng bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm hạ cánh.

Trong đó, bay chặn là biện pháp của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền sử dụng tàu bay của Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện bay ngăn chặn không cho tàu bay tiếp tục vi phạm.

Bay kèm là biện pháp của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền sử dụng tàu bay của Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện bay kèm dẫn dắt, theo dõi tàu bay vi phạm đến khi kết thúc vi phạm. Còn bay ép tàu bay vi phạm vùng trời hạ cánh là biện pháp của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền sử dụng tàu bay của Quân đội nhân dân Việt Nam bay ép buộc tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay của Việt Nam.

Về hành vi can thiệp bất hợp pháp vào tàu bay đang bay uy hiếp đến an toàn bay là một hoặc các hành vi sau:

- Chiếm giữ bất hợp pháp tàu bay đang bay;

- Sử dụng tàu bay như một vũ khí;

- Bắt giữ con tin trong tàu bay;

- Đưa, sử dụng vật phẩm nguy hiểm lên tàu bay trái pháp luật, bao gồm vũ khí, đạn dược, chất cháy, chất dễ cháy, chất nổ, chất dễ nổ, vũ khí hủy diệt hàng loạt, các vật hoặc chất khác có khả năng gây nguy hiểm, được dùng để gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của con người và an toàn của chuyến bay.

Đáng chú ý, dự thảo nghị định quy định tàu bay có các hành vi vi phạm vùng trời bị bay chặn, bay kèm gồm: (i) Tàu bay bay vào vùng trời Việt Nam khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép bay; (ii) Tàu bay bay vào khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay; (iii) Tàu bay không tuân thủ quy tắc bay; vi phạm chế độ bay nhưng không chấp hành hướng dẫn của cơ quan điều hành bay.

Bên cạnh đó, các hành vi của tàu bay vi phạm bị bay ép hạ cánh tại các cảng hàng không, sân bay gồm: (i) Tàu bay bay trong vùng trời Việt Nam bị can thiệp bất hợp pháp; (ii) Tàu bay bị bay chặn, bay kèm trong vùng trời Việt Nam không chấp hành hiệu lệnh của tàu bay bay chặn, bay kèm; (iii) Tàu bay bay trong vùng trời Việt Nam không thực hiện đúng phép bay.

Về xử lý, khi tàu bay vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của tàu bay bay chặn, bay kèm, bay ép hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay được chỉ định, có nguy cơ gây mất an toàn đến mục tiêu quan trọng hoặc ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, việc xử lý thực hiện theo quy định xử lý tình huống tác chiến phòng không của Bộ Quốc phòng (Điều 9).

Nguồn plo
Link bài gốc

https://plo.vn/tau-bay-vao-vung-troi-viet-nam-se-bi-bay-chan-bay-ep-ha-canh-khi-nao-post769979.html