Niềm vui xen lẫn nỗi lo
Dù đã gắn bó với nghề giáo được 15 năm nhưng mức lương hiện tại của chị Nguyễn Thị Việt Hà - giáo viên Trường Mầm non Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội - chỉ khoảng hơn 7 triệu đồng/tháng. Với chị Hà, mức lương này chưa đủ để chị lo toan cho gia đình. Khó khăn càng lớn hơn khi chị Hà là một giáo viên mầm non với tính chất công việc đặc thù, vất vả.
Chính vì lẽ đó khi nghe tin mức lương cơ sở tăng từ 1.7, chị Việt Hà không giấu khỏi niềm vui: "Tôi cảm thấy cực kì vui và phấn khởi. Việc tăng lương giúp chúng tôi có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và là nguồn động viên rất lớn".
Theo chị Hà, những năm gần đây, tỉ lệ giáo viên mầm non bỏ nghề rất cao. Nhiều thầy cô giáo đã công tác 15 năm, 20 năm, thậm chí là 25 năm vẫn chọn rời đi để tìm một công việc khác có mức lương cao hơn. Chính vì vậy, chị Hà hy vọng, đợt tăng lương lần này sẽ giúp "giữ chân" giáo viên yên tâm công tác trong ngành giáo dục.
|
|
Mức lương chưa đủ để lo toan cho gia đình luôn khiến chị Việt Hà trăn trở. (Ảnh: Anh Đức) |
Đặc biệt, niềm vui như được nhân đôi với những giáo viên như chị Việt Hà khi từ ngày 1.7, chị vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo. Đây là sự động viên, khích lệ tinh thần lớn với các giáo viên đã công tác lâu năm như chị Việt Hà.
Cùng chung cảm xúc phấn khởi, chị Nguyễn Nguyễn Thị Thùy - công chức tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) - đặt kì vọng lớn vào đợt tăng lương cơ sở từ ngày 1.7.
"Việc tăng lương cơ sở tới đây sẽ góp phần cải thiện phần nào đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; không chỉ giúp chúng tôi yên tâm gắn bó với công việc, mà còn tạo động lực nâng cao năng suất, hiệu quả và đổi mới, sáng tạo trong quá trình làm việc" - chị Thùy cho hay.
Tuy vậy, chị Thùy chia sẻ thêm, mức tăng lương cơ sở 30% là sự nỗ lực lớn của nhà nước, nhưng với mức sống hiện nay, điều này chỉ có thể phần nào cải thiện mà chưa thể đảm bảo đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
|
|
Theo khảo sát ý kiến của người dân, giá các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm đã bắt đầu tăng nhẹ. (Ảnh: Anh Đức) |
Cần tiến tới cải cách tiền lương toàn diện
Theo ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng là phù hợp, đáp ứng nguyện vọng và đem lại niềm vui cho hàng triệu các cán bộ, công chức, viên chức.
Tuy vậy, theo ông Lợi, thời gian tới, nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm và chế độ phụ cấp mới, đảm bảo tính khả thi, công bằng, hợp lí, phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội và nguồn lực của đất nước, tiến tới cải cách tiền lương khi đủ điều kiện.
Thay thế tiền lương cơ sở bằng một mức tiền lương khởi điểm của khu vực công, giảm số lượng các loại phụ cấp và xác định vị trí việc làm là 3 vấn đề mấu chốt để tiến tới cải cách tiền lương toàn diện được ông Lợi nêu ra.
Trong đó, theo ông Lợi, vấn đề quan trọng, mang tính quyết định là phải xác định được vị trí việc làm.
"Việc xác định vị trí việc làm là chưa có tiền lệ. Chúng ta chưa có các phương pháp, cách thức và nguyên tắc để xác định vị trí việc làm. Chính vì thế, chúng ta phải tiếp tục lộ trình để tiến tới cải cách tiền lương toàn diện" - ông Lợi phân tích.