Và trong khi chờ đợi các bên cắt giảm chi phí, giảm thuế phí thì người đi máy bay vẫn phải chịu cảnh mua giá vé rất cao.
Gặp khó với giá nhiên liệu
Theo tính toán của Cục Hàng không, trong giá vé máy bay đã bao gồm nhiều khoản chi phí từ nhiên liệu, thuế, chi phí sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay, các loại giá dịch vụ khác...
|
|
Chuyến bay đêm từ Hà Nội đến TP.HCM (Ảnh: T.T.D) |
Cơ cấu chi phí một chuyến bay trên các đường bay nội địa gồm nhiên liệu hàng không (chiếm 37 - 42%), trong đó chi phí thuế do Bộ Tài chính quy định chiếm 7,7 - 8,7% tổng chi phí một chuyến bay gồm thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu nhiên liệu bay.
Đại diện một hãng bay cũng bày tỏ lo ngại kết thúc năm 2024, thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 đồng/lít quay lại mức giá trước đây là 3.000 đồng/lít, chi phí nhiên liệu tăng thêm 14,7 triệu đồng chặng, tương ứng tăng thêm 95.000 đồng/khách.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 24-5, một hãng bay cho rằng hàng không là lĩnh vực đặc thù, rất nhiều loại thuế, phí (giá dịch vụ) liên quan tác động đến giá vé máy bay hành khách chi trả.
Áp lực biến động tỉ giá, nhiên liệu tăng, thiếu tàu bay... là những nguyên nhân có thể thấy trước mắt khiến hãng bay khó giảm giá vé vì chi phí đang tăng mạnh.
Riêng nhiên liệu bay đang chịu hai loại thuế gồm thuế bảo vệ môi trường với mức giá sàn 1.000 đồng/lít và thuế nhập (với thuế suất 0 - 7%, tùy vào nguồn nhập khẩu).
Theo tính toán, một máy bay Airbus A321 (loại máy bay các hãng thường sử dụng) chặng TP.HCM - Hà Nội có chi phí nhiên liệu là 142 triệu đồng/chặng. T
rung bình một chặng bay tiêu thụ 5,9 tấn nhiên liệu, tương ứng với thuế bảo vệ môi trường 7,4 triệu đồng và thuế nhập khẩu 0 - 8,5 triệu đồng.
Với tỉ lệ lấp đầy khách trên chuyến bay đạt 85%, chi phí hai loại thuế nói trên tương ứng mỗi khách trả 50.000 - 100.000 đồng tùy mức thuế nhập khẩu.
Ông Đặng Anh Tuấn, phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho rằng chi phí nhiên liệu, thiết bị bay... chiếm tới 76 - 77% tổng chi phí chuyến bay, tăng mạnh thời gian qua, nên giá vé máy bay tăng lên.
Phí hệ thống là gì mà lên đến gần nửa triệu đồng/vé
Bên cạnh thuế phí góp phần làm tăng giá vé, còn một loại phí mà các hãng quy định chiếm một tỉ lệ khá cao trong cơ cấu giá vé máy bay.
Mua vé máy bay trong thời gian qua, chị Thu Minh (32 tuổi, TP.HCM) than phiền giá vé ngày càng đắt. Trên website, giá hiển thị 0 đồng, 88.000 đồng nhưng số tiền cuối cùng khách phải chi trả lên đến 900.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng.
Ngoài giá vé có các khoản thuế, phí nhưng có một phụ phí rất lạ là "quản trị hệ thống" gần nửa triệu đồng/vé.
"Phí này là phí gì mà tôi quan sát thấy tăng liên tục", chị Minh thắc mắc.
Theo khảo sát của Tuổi Trẻ, các hãng bay nội địa đang phụ thu phí quản trị hệ thống có mức giá khác nhau. Chẳng hạn Vietnam Airlines thu 450.000 đồng/vé, Vietravel Airlines 480.000 đồng/vé, Bamboo Airways 430.000 đồng/vé; riêng Vietjet tách thành hai khoản là phụ thu dịch vụ hệ thống quốc nội 215.000 đồng và phụ thu quản trị hệ thống 215.000 đồng.
Đáng chú ý loại phụ phí này liên tục tăng trong những năm qua từ 20 - 30%. Khoản phí quản trị hệ thống chiếm tỉ trọng khá cao trong cấu thành giá vé khách phải trả.
Trên website Hãng Vietnam Airlines có lý giải: "Phụ thu quản trị hệ thống là chi phí chi trả cho việc duy trì hệ thống quản trị dữ liệu liên quan đến hành trình bay của hành khách".
Một chuyên gia trong lĩnh vực thương mại hàng không cho rằng trong thực tế các hãng hàng không vẫn chưa minh bạch những loại phí, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Việc các hãng tổ chức hệ thống bán, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của hãng hàng không, dựa trên cơ sở nào thu các loại phụ thu như phí quản trị hệ thống.
Đây là vấn đề cần được làm rõ.