VinFast được thành lập năm 2017 nhưng các tổ chức xếp hạng không đo lường do doanh nghiệp mới thành lập, chưa có căn cứ xác định giá trị. Tuy nhiên, khi cổ phiếu VFS được giao dịch trên Nasdaq, ngay lập tức phần tài sản của ông Vượng được tính toán lại với phần tăng thêm từ định giá mới của VinFast.
Cổ phiếu của nhà sản xuất ôtô điện lớn nhất Việt Nam đã tăng 255% trong phiên giao dịch đầu tiên trên Nasdaq, chốt phiên ở mức hơn 37 USD. Diễn biến này cũng bổ sung 39 tỷ USD vào giá trị tài sản ròng của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng, nâng mức tài sản của người giàu nhất Việt Nam lên mức 44,3 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Ông Vượng cũng gia nhập nhóm những người giàu nhất châu Á theo thông tin mới nhất từ Forbes. Forbes ước tính giá trị tài sản ròng của ông Phạm Nhật Vượng đã tăng lên trở thành người giàu thứ năm tại châu Á.
Ông Vượng cũng gia nhập nhóm những người giàu nhất châu Á theo thông tin mới nhất từ Forbes khi tài sản tăng lên 44,5 tỷ USD sau phiên giao dịch hôm qua. Tại 22h ngày 16/8, bảng xếp hạng Forbes Real-time Billionaires ghi nhận Chủ tịch HĐQT Vingroup có tài sản hơn 74 tỷ USD, xếp thứ 16 thế giới. Con số này cao hơn đáng kể mức ước tính trước đó của Forbes.
Mức tài sản hơn 44 tỷ USD cũng đưa ông Vượng vào danh sách 30 tỷ phú giàu nhất thế giới. Con số này trước đây không bao gồm cổ phần của ông Vượng trong VinFast - nhà sản xuất ôtô do ông thành lập. Theo bản cáo bạch mới nhất của VinFast, các cổ đông liên quan tới Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng kiểm soát gần 2,3 tỷ cổ phiếu VFS sau sáp nhật, tương ứng hơn 99%. Trong đó Vingroup là cổ đông lớn nhất nắm 51% vốn của VinFast.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, các giao dịch liên quan đến SPAC (Công ty thâu tóm, sáp nhập hay công ty séc trắng - giúp đẩy nhanh tiến trình IPO, niêm yết) khác gần đây đã có những phiên giao dịch bùng nổ ban đầu nhưng ngay sau đó là đà giảm mạnh khi các nhà giao dịch tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng.
Sau phiên 15/8, công ty xe điện lớn nhất Việt Nam có quy mô vốn hóa hơn 85 tỷ USD. Vốn hóa thị trường (Market Capitalization) là giá trị của tổng số cổ phiếu đang lưu hành của một công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán. Vốn hóa cao hay thấp phụ thuộc vào lượng cổ phiếu đang lưu hành và thị giá của nó. Khi giá cổ phiếu tăng lên thì vốn hóa thị trường tăng theo và ngược lại. Chỉ tiêu vốn hóa được dùng để đánh giá mức độ quan tâm và sự kỳ vọng của thị trường với một doanh nghiệp.
VinFast được thành lập năm 2017, dự báo doanh số năm nay đạt khoảng 45.000 - 50.000 xe. Công ty này đã bắt đầu xây dựng một nhà máy ở Bắc Carolina vào tháng trước. Nhà máy có công suất 150.000 xe mỗi năm trong giai đoạn 1 và sẽ đi vào vận hành từ năm 2025.
Kể từ khi thành lập vào năm 2017, đến nay VinFast vẫn chưa đạt tới điểm hòa vốn. Công ty sản xuất xe điện lớn nhất Việt Nam ghi nhận doanh thu gần 15.000 tỷ đồng trong năm 2022 và gần 2.000 tỷ trong ba tháng đầu năm nay, theo bản cáo bạch gửi Ủy ban chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, VinFast chịu lỗ trước thuế hơn 48.900 tỷ đồng trong năm trước và thêm hơn 14.100 tỷ đồng trong quý I năm nay. Tính tới cuối quý I, tổng tài sản của VinFast đạt gần 5,1 tỷ USD, trong đó các khoản đầu tư vào nhà xưởng, máy móc thiết bị là hơn 2,6 tỷ USD. Tổng lỗ lũy kế ghi nhận đến cuối quý I là gần 6 tỷ USD.
Cuối tháng 4 năm nay, Vingroup và ông Vượng cho biết sẽ tài trợ và cho VinFast vay 2,5 tỷ USD để bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Khoản tiền này sẽ được giải ngân trong một năm tới, trong đó Chủ tịch Vingroup hiến tặng một tỷ USD, Vingroup tài trợ không hoàn lại 500 triệu USD, đồng thời cho VinFast vay một tỷ USD thời hạn tối đa 5 năm.
Ông Phạm Nhật Vượng lần đầu vào danh sách tỷ phú của Forbes năm 2013, với khối tài sản 1,5 tỷ USD, đứng thứ 974. Liên tiếp 11 năm sau đó, ông luôn giữ vị trí là tỷ phú giàu nhất Việt Nam. Giai đoạn 2021-2022, mức tài sản cao nhất ông được ghi nhận là gần 8 tỷ USD.