Nhà thầu nào được chọn?

Thời gian vừa qua, xuất hiện nhiều thông tin “lùm xùm” liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu của Công ty CP Nước sạch Sông Đà. Vụ việc bắt nguồn từ quá trình thực hiện đấu thầu gói thầu EPC-04 “Tư vấn thiết kế bản vẽ thi công, cung cấp, lắp đặt thiết bị và thi công xây dựng hạng mục khu xử lý nước sạch” do Công ty CP Nước sạch Sông Đà làm chủ đầu tư, có giá trị 595.734.350.000 đồng theo hình thức hợp đồng chọn gói thực hiện trong 350 ngày.  Đây là gói thầu mà Công ty CP Nước sạch Sông Đà bị cho là đã chọn nhà thầu không đủ năng lực tài chính, đưa những tiêu chí có dấu hiệu hạn chế nhà thầu tham dự, bị các doanh nghiệp yêu cầu làm rõ.

leftcenterrightdel
 Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu EPC-04

Được biết, tại gói thầu EPC-04, Công ty CP Xây dựng số 5 là đơn vị đã đấu trúng thầu với giá 590.214.414.052 đồng, giảm hơn 5 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm siêu thấp gần 0,8% cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên thì Công ty CP Xây dựng số 5 (mã cổ phiếu CS5, sàn HOSE) đang có nhiều vấn đề liên quan đến tình hình tài chính. Tỷ lệ nợ khá cao, giá trị nợ lên tới 2000 tỷ đồng, gấp 6,15 lần vốn chủ sở hữu. Cụ thể vốn điều lệ của CS5 là 149.845.500.000 tỷ đồng. Trong khi đó , báo cáo tài chính nợ phải trả mà doanh nghiệp đang “gánh” tính đến cuối năm 2023 lên tới 2.185 tỷ đồng (tập trung ở nợ ngắn hạn), cao gấp hơn 6,15 lần vốn chủ sở hữu và chiếm tới 86% nguồn vốn, tiền mặt tính đến 1/1/2023 có khoảng 20 tỷ đồng. Năng lực tài chính là một trong những tiêu chí bắt buộc khi đánh giá khả năng, thực lực của nhà thầu, ngoài năng lực kỹ thuật, chuyên môn.

Công ty Cổ phần xây dựng số 5 có tỷ lệ nợ trên vốn, vượt xa mặt bằng chung của ngành xây dựng, ví dụ như các doanh nghiệp lớn đang niêm yết trên sàn như Vinaconex (tỷ lệ nợ trên vốn là 2 lần), Coteccons (1,5 lần), Tổng công ty Xây dựng 1 (3 lần), Fecon (1,3 lần)…

leftcenterrightdel
 Báo cáo tài chính của Công ty CP Xây dựng số 5 

Từ các chỉ số tài chính cho thấy Công ty Cổ phần xây dựng số 5 phụ thuộc vào nguồn vốn vay và nợ thuê tài chính để hoạt động. Với hệ số lớn hơn 3 qua nhiều năm, không có giải pháp khắc phục có thể dẫn đến nguy cơ công ty bị phá sản.

Việc Công ty CP Nước sạch Sông Đà lựa chọn đơn vị trúng thầu là Công ty CP Xây dựng số 5 liệu có phải là có sự ưu ái hay không? Những tiêu chí mà Công ty Sông Đà đưa ra là có chủ đích từ trước? Lựa chọn một nhà thầu thiếu năng lực tài chính có phải là quá liều hay không?

Tiêu chí lựa chọn nhà thầu

Liên quan đến việc một số nhà thầu yêu cầu làm rõ tiêu chí lựa chọn nhà thầu của Công ty CP Nước sạch Sông Đà. Ngày 20/5/2024 của Công ty CP Đầu tư công nghệ thông minh (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) đề nghị làm rõ tiêu chí: “Tại bảng số 02: Yêu cầu về nhân sự chủ chốt Điều 2.2 Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực kỹ thuật – Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm thuộc Chương III. Tiêu chuẩn đánh giá HSDT có yêu cầu về kinh nghiệm trong các công việc tương tự của giám đốc dự án như sau: Đã từng đảm nhận chức vụ Giám đốc dự án/Giám đốc ban điều hành tối thiểu 01 công trình hạ tầng kỹ thuật (cấp nước), cấp 1 (có tài liệu chứng minh cấp công trình, chức danh đã thực hiện và phải được chứng thực hoặc xác nhận của Chủ đầu tư).  Trích dẫn theo Khoản 16 Điều 3: Giải thích từ ngữ tại Chương I: Những quy định chung thuộc nghị định 15/2021/NĐ-CP ký ngày 03/03/2021 là: “Chỉ huy trưởng hoặc Giám đốc dự án của nhà thầu (sau đây gọi chung là Chỉ huy trưởng) là chức danh của cá nhân được tổ chức thi công xây dựng giao nhiệm vụ quản lý, điều hành hoạt động thi công xây dựng đối với một công trình hoặc gói thầu cụ thể”.

leftcenterrightdel
 Công ty CP Đầu tư công nghệ thông minh (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) đề nghị làm rõ tiêu chí lựa chọn nhà thầu

Theo tìm hiểu, các dự án sử dụng vốn ODA thường sử dụng chức danh Giám đốc dự án/Giám đốc ban điều hành (đối với vai trò quản lý dự án được Chủ đầu tư ủy quyền), còn đối với dự án sử dụng vốn trong nước, Ban chỉ huy công trường của nhà thầu thường sử dụng chức danh Chỉ huy trưởng làm người quản lý, điều hành hoạt động thi công cho dự án.

Theo đó, sau khi đóng thầu ngày 31/5/2024, Công ty CP Đầu tư Công nghệ Thông minh không đạt tiêu chí được đưa ra và chỉ có 03 nhà thầu được tham dự. Trong đó, Công ty CP Xây dựng số 5 đấu trúng thầu với giá 590.214.414.052 đồng.

leftcenterrightdel
 Công văn trả lời các đơn vị dự thầu của Công ty CP Nước sạch Sông Đà

Để tìm hiểu rõ về những thông tin liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu và những tiêu chí lựa chọn của gói thầu EPC-04, phóng viên đã có buổi làm việc với đại diện của Công ty CP Nước sạch Sông Đà.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thành Sơn – Phó giám đốc BQLDA cho biết: “Việc chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu đều dựa trên đánh giá qua hồ sơ năng lực dự thầu của các nhà thầu. Trong HSDT cũng thể hiện rõ năng lực về tài chính của các nhà thầu. Những tiêu chí mà Công Ty Nước sạch Sông Đà đưa ra dựa trên căn cứ của Luật đấu thầu và các quy định hiện hành”. Khi phóng viên đề nghị được tiếp cận và cung cấp HSDT của Công ty CP Xây dựng số 5,  ông Sơn cho rằng cần phải xin ý kiến lãnh đạo và sau đấy trả lời là không được phép cung cấp cho phóng viên.

Từ những “bất thường” tại gói thầu nêu trên, dư luận mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp ở các địa phương đã và đang ký hợp đồng trúng thầu với Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 cần kiểm tra lại quy trình xem xét năng lực thực hiện dự án, quy trình lựa chọn đơn vị trúng dự án, quy trình giải ngân, nguồn vốn trong năm 2023 của các dự án này tránh gây thất thoát ngân sách. Đồng thời đề nghị Cục Đấu thầu kiểm tra lại năng lực của đơn vị này và có biện pháp thẳng tay theo quy định nếu có dấu hiệu gian lận (!?)

Nguồn
Link bài gốc