Báo cáo mới nhất của Hiệp hội lương thực Việt Nam cho thấy bức tranh xuất khẩu gạo tháng 10 có nhiều thay đổi về thứ hạng nhập khẩu khi Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu gạo Việt lớn thứ 2 nhiều năm qua, rớt xuống hạng thứ 6. Trong khi đó, các nước mới nổi như Indonesia, Ivory Coast, Ghana, Malaysia liên tục thay đổi thứ hạng, vượt Trung Quốc và nằm trong top 5 về thị phần.
Theo đó, tháng 10 - Indonesia nhập hơn 144.600 tấn gạo từ Việt Nam - xếp hạng thứ 2 sau Philippines. Tiếp đến là Ivory Coast - thị trường này trước đây chỉ nhập 1.000-3.000 tấn gạo từ Việt Nam, tháng 10 tăng lên gần 62.000 tấn, tương đương giá trị 37,2 triệu USD.
|
|
Gạo bán trên kệ siêu thị ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần |
Tương tự, Ghana và Malaysia, trong tháng 10 cũng tăng sản lượng nhập khẩu 5-6 lần so với tháng 2, lên lần lượt 46.470 tấn và 40.728 tấn - vươn lên top 5 về các quốc gia dẫn đầu nhập khẩu gạo Việt. Nếu so với tháng 9, sản lượng nhập gạo tháng 10 của các quốc gia này tăng 20-30%.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, những quốc gia trên tăng mua gạo Việt do nguồn cung thế giới giảm mạnh. Tại thị trường nội địa, nguồn cung gạo của các nước này cũng bị ảnh hưởng do thiên tai, hạn hán. Do đó, để đảm bảo giá và nguồn cung dự trữ, họ đã đẩy mạnh nhập gạo từ Việt Nam.
Indonesia hiện cần thêm khoảng 1,5 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia từ nay tới hết năm. Quyền Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia, ông Arief Prasetyo Adi, tuyên bố Việt Nam và Thái Lan sẽ là hai nguồn cung gạo chính cho đợt thu mua này.
Preum Bulog (Cơ quan được Chính phủ Indonesia chỉ định là đơn vị nhập khẩu gạo), cho biết tất cả giấy phép cần thiết cho việc nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo đã được các cơ quan hữu quan nước này ban hành và việc nhập khẩu được thực hiện từ cuối tháng 10 năm nay.
Ivory Coast, Ghana sản xuất lúa 2 năm qua của họ không đủ. Đặc biệt, những quốc gia ở khu vực Tây Phi này luôn trong tình trạng thiên tai, mất mùa, bất ổn chính trị hay dịch bệnh.
Chính vì được tăng mua số lượng lớn nên giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang cao nhất thế giới và duy trì ở mức 653 USD một tấn trong gần 1 tháng qua, đắt hơn hàng Thái 75 USD.
|
|
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, những quốc gia trên tăng mua gạo Việt do nguồn cung thế giới giảm mạnh |
Tại thị trường nội địa, giá lúa gạo trong nước tiếp tục lên cao kỷ lục. Trong đó, tại miền Bắc, giá lúa tăng rất mạnh. Cụ thể, Đài Thơm lấy từ các công ty lớn trong nước có giá 21.000 đồng một kg, tăng 1.000 đồng (5%) so với tháng trước và tăng 3.000 đồng (16%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Gạo được các cửa hàng lấy của Tập đoàn Lộc Trời cùng các giống ST21 và ST24 từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tăng 500 đồng một kg so với cách đây một tháng. Với Thơm Lài Long An, giá mỗi kg là 21.000 đồng, Gò Công 22.000 đồng, đồng loạt tăng 1.500 đồng.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết năm nay sản lượng lúa đạt từ 43-43,4 triệu tấn, tăng khoảng 650.000-700.000 tấn so với 2022. Ngoài nguồn cung xuất khẩu, Việt Nam vẫn phải đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Tính đến ngày 25/10, vụ Thu Đông còn khoảng 400.000 ha chưa thu hoạch, tương đương gần 2,2 triệu tấn thóc sẽ thu hoạch từ nay tới hết tháng 12. Với vụ Đông Xuân 2023-2024, dự kiến gieo trồng gần 3 triệu ha, giảm 10.000 ha so với vụ trước. Tuy nhiên, sản lượng dự kiến tăng hơn so với cùng kỳ 2022, đạt trên 20 triệu tấn. Lý do, người trồng ngày càng có kỹ thuật chăm sóc cao và lựa chọn giống cho năng suất tốt phù hợp với khí hậu.