"Dịp Tết và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan", đại diện Bộ Y tế nói, thêm rằng số ca nhiễm sẽ tăng, nhất là trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi mắc bệnh lý nền cần cẩn trọng.
|
|
Người dân đeo khẩu trang bên ngoài Bệnh viện Trias i Pujol ở Badalona, Tây Ban Nha, ngày 8/1 (Ảnh: Reuters) |
Gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận gần 10.000 ca tử vong do Covid-19 trong tháng 12/2023, số ca nhập viện tăng 42% so với tháng 11. Các biến chủng mới của nCoV liên tục biến đổi, trong đó JN.1 tăng nhanh chóng trên toàn cầu.
Tại Mỹ, Trung Quốc và một số nước châu Âu ghi nhận sự tăng trở lại ca Covid cùng với sự lây lan của các bệnh hô hấp khác như cúm mùa và virrus hợp bào hô hấp (RSV).
Còn tại Việt Nam, miền Bắc đang trong mùa đông xuân, gió mùa lạnh, hanh khô xen kẽ nồm ẩm là nguyên nhân các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện và lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Bộ Y tế ghi nhận các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, kể cả một số bệnh có vaccine dự phòng cũng tăng ở nhiều tỉnh, thành.
Thực tế, hai tuần gần đây, các bệnh viện ở Hà Nội tiếp nhận nhiều bệnh nhân mọi lứa tuổi đến khám, chủ yếu mắc cúm A, trong đó nhiều ca suy hô hấp nặng, phải thở máy. Đơn cử, số ca cúm A vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tăng so với trước. Đầu tháng 1, nơi này đang điều trị hơn 15 bệnh nhân cúm A nặng. Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi ngày có khoảng 100-150 trẻ được chẩn đoán mắc cúm, 15% ca nặng phải nhập viện điều trị. Phần lớn trẻ mắc cúm nhập viện điều trị do bị biến chứng viêm phổi, phải thở oxy.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết hai nhóm nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc cúm A là trẻ em và người cao tuổi có bệnh nền. "Cúm A đang vào mùa, một phần do diễn biến thời tiết rét muộn của năm nay", bác sĩ Phúc nói, đồng thời khuyến cáo người dân tuyệt đối không chủ quan. Tiêm vaccine phòng cúm hằng năm, hạn chế đến nơi đông người, đảm bảo vệ sinh là những biện pháp hiệu quả để bảo vệ sức khỏe.
Đại diện phòng Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm (Cục Y tế dự phòng), cho biết số bệnh nhân mắc cúm tăng nhưng không bất thường bởi đây là thời điểm giao mùa. Thời tiết thay đổi thất thường, thuận lợi cho bệnh đường hô hấp phát triển, trong đó có các tác nhân gây bệnh cúm.
Kết quả giám sát cho thấy các chủng virus cúm hiện lưu hành ở Việt Nam vẫn là virus gây bệnh cúm mùa, trong đó chủ yếu là cúm A/H1N1, cúm A/H3N2, cúm B... Hiện chưa ghi nhận các chủng virus cúm có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người như cúm A/H5N1, A/H5N6 hoặc A/H7N9.
Tuy vậy, người dân được khuyến cáo không chủ quan, lơ là và cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân. Đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên phương tiện công cộng và địa điểm tập trung đông người. Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
Các địa phương giám sát tình hình dịch bệnh, theo dõi sự gia tăng ca bệnh lây qua đường hô hấp, viêm phổi nặng do virus, kiểm soát lây lan, hạn chế ca nặng, tử vong...