Người cao tuổi tại Việt Nam đang chịu nhiều gánh nặng bệnh tật, người trên 60 tuổi bình quân mắc 3-4 loại bệnh.

Sáng 10-11, hội nghị Lão khoa quốc gia lần thứ 4 do Hội Lão khoa Việt Nam và Bệnh viện Lão khoa trung ương tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Nhiều người khi trẻ chưa quan tâm đến sức khỏe nên mắc nhiều bệnh về già

Theo ông Nguyễn Trung Anh - giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương, Việt Nam đang là một trong số 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, ước tính đến năm 2035 có hơn 21 triệu người cao tuổi.

leftcenterrightdel
PGS.TS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Phó chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam (Ảnh: N.Phương) 

"Người cao tuổi trong xã hội vẫn là một nguồn lực rất quan trọng. Họ là những người có kiến thức, kỹ năng chuyên môn và bề dày kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Sức khỏe là điều kiện tiên quyết để họ tiếp tục làm việc và không trở thành gánh nặng.

Tuy nhiên thực tế, người cao tuổi Việt Nam mắc rất nhiều bệnh. Mỗi người trung bình chịu đựng 14 năm sau của cuộc đời với nhiều bệnh tật phối hợp.

Trong đó thông thường với người trên 60 tuổi bình quân mắc 3-4 bệnh. Đặc biệt, trong số người trên 80 tuổi có thể mắc trên 6 bệnh. Đây là gánh nặng rất lớn cho bệnh nhân cũng như gia đình, đặc biệt là vấn đề chăm sóc", ông Trung Anh nêu rõ.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Lão khoa trung ương, hiện nay nhiều người khi trẻ chưa quan tâm đến sức khỏe dẫn đến mắc nhiều bệnh về già. Người cao tuổi ở nước ngoài thường có sức khỏe tốt hơn bởi họ đã được giáo dục về cách tự chăm sóc bản thân.

Nhều người 80 tuổi ở các nước châu Âu, Mỹ vẫn còn khỏe vì họ có thói quen tập luyện thể thao ngay từ thời trẻ, đến trung tuổi vẫn tập luyện tích cực.

"Tôi đã nói chuyện với một giáo sư người Pháp gần 90 tuổi nhưng một ngày vẫn đạp xe 15km, đi bộ 3km, bơi 3km. Họ có ý thức theo dõi, rèn luyện sức khỏe, chuẩn bị hành trang khi tuổi già tốt", ông Trung Anh nói.

Các bệnh lý như tăng huyết áp, tiểu đường, xương khớp có diễn biến từ 10 năm trước. Thế nhưng rất ít người ở độ tuổi trung niên đi khám, tầm soát để biết mình bị tiền đái tháo đường hay có sự dao động về huyết áp không.

"Vì không có được sự chuẩn bị tốt, không phòng ngừa sớm, đến độ tuổi cơ thể thay đổi, chế độ sinh hoạt vẫn như cũ thì sức khỏe giảm sút. Khi phát hiện bệnh thì hầu hết bệnh đã nặng, cần điều trị thường xuyên, tích cực.

Chính vì vậy mỗi người tự chăm sóc sức khỏe từ tuổi trẻ, tuổi trung niên để giảm gánh nặng bệnh tật khi về già", ông Trung Anh nói.

Già hóa dân số và thách thức đối với hệ thống y tế

Ông Trung Anh cho hay người cao tuổi thường đối mặt với các hội chứng lão khoa như hội chứng dễ bị tổn thương, sa sút trí tuệ, sảng, tiểu không tự chủ, sarcopenia, suy giảm hoạt động chức năng...

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội nghị Lão khoa quốc gia lần thứ 4 tại Hà Nội - Ảnh: D.LIỄU

"Hiện khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi còn nhiều hạn chế, như thiếu các cơ sở y tế và nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi.

Bên cạnh đó hệ thống nhà dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Chính vì vậy, việc tăng cường chuyên môn cũng như cơ sở vật chất và nhân lực trong điều trị và chăm sóc người cao tuổi là một nhu cầu bức thiết và cần được quan tâm", ông nhận định.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Jean - Philippe David (trưởng khoa nội và lão khoa, Bệnh viện Henri Mondor, Pháp) cho hay tại Pháp hệ thống chăm sóc y tế lão khoa đã có nhiều bước phát triển.

"Trước đây, tại Pháp nhiều người cao tuổi không được chào đón khi đến bệnh viện. Chính phủ đã yêu cầu thành lập lĩnh vực lão khoa tại các bệnh viện để họ được chăm sóc y tế.

Bên cạnh đó, Pháp cũng có nhiều tổ chức hỗ trợ đối với người cao tuổi. Tại các địa phương sẽ có cộng đồng chuyên ngành để chăm sóc người già, họ ký kết với chính quyền sở tại và có trách nhiệm chăm sóc tất cả những người già trên địa bàn. Ngân sách do người bệnh chi trả một phần và được bảo hiểm chi trả một phần. Đây là mô hình hoạt động rất hiệu quả tại Pháp", ông Jean - Philippe David chia sẻ.

Chuyên gia người Pháp cũng cho rằng hiện nay tại Việt Nam có hệ thống y tế cơ sở, các trạm y tế xã bao phủ rộng khắp. Việt Nam có thể tạo nguồn đào tạo các nhân viên y tế cơ sở này để chăm sóc người cao tuổi.

Nguồn tuoitre
Link bài gốc

https://tuoitre.vn/nguoi-tren-60-tuoi-tai-viet-nam-binh-quan-mac-3-4-loai-benh-tai-sao-20231110140157505.htm#:~:text=Ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20cao%20tu%E1%BB%95i%20t%E1%BA%A1i%20Vi%E1%BB%87t,m%E1%BA%AFc%203%2D4%20lo%E1%BA%A1i%20b%E1%BB%87nh.&text=S%C3%A1ng%2010%2D11%2C%20h%E1%BB%99i%20ngh%E1%BB%8B,di%E1%BB%85n%20ra%20t%E1%BA%A1i%20H%C3%A0%20N%E1%BB%99i.