23h00 ngày 23/1, hai hàng ghế ngồi đối diện Trung tâm cấp cứu A9 và Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai vẫn tập trung gần 100 người nằm, ngồi co ro, tìm đủ cách để giữ ấm trong khi nhiệt độ ngoài trời xuống 8 độ C.

Họ đa phần có người thân đang điều trị ở khoa Cấp cứu, buộc phải túc trực bên ngoài, phòng trường hợp bác sĩ tìm gặp.

Từ những ngày đầu của đợt rét, Bệnh viện Bạch Mai đã bật nhiều cây sưởi đốt gas, đặt trên vỉa hè giữa tòa nhà A và P, hỗ trợ người nhà bệnh nhân chống rét.

Các khu vực này tập trung đông người đứng nói chuyện hoặc nằm chợp mắt để lại sức.

Ở những khu vực khác, một số nằm trên ghế đá hoặc mắc màn, trải chiếu dọc hành lang của tòa nhà làm chỗ qua đêm.

Bà Mai Hoa, 72 tuổi, ở quận Hà Đông dựng giường gấp trên hành lang ngủ qua đêm khi mẹ bà đang điều trị ở nhà C. Phòng trường hợp cấp bách, một người thân túc trực trong phòng bệnh còn bà ở bên ngoài làm "chân chạy".

Để chống chọi với cái rét buốt khi nhiệt độ giảm sâu vào đêm, bà Hoa nảy ra sáng kiến mua chiếc túi nilon to, chui vào đó ngủ. Bên dưới chiếc giường gấp là hai lớp chiếu và đắp thêm một chiếc chăn mỏng. "Túi nilon cơ bản giống một chiếc túi ngủ bởi chắn gió, giữ nhiệt tốt hơn bìa carton", bà Hoa chia sẻ kinh nghiệm.

Khu vực sân và hành lang của tòa nhà 07 Khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi đêm có hàng chục giường gấp và lều trại của khoảng 50 người nhà bệnh nhân từ miền Trung hay các tỉnh miền núi phía Bắc.

Khi hết chỗ ngủ trên hành lang, nhiều người mua lều bạt dựng dưới gốc cây để tránh mưa, gió rét. Số khác lại trú trong khu lán dựng tạm, bốn xung quanh bọc nilon, áo mưa để chắn g

Anh Sơn, 45 tuổi, ở Hà Giang đưa người thân xuống Khoa Thần kinh điều trị được hơn một tháng. Người đàn ông cho biết nhiệt độ về đêm xuống thấp nên dù trải chiếu, mặc nhiều quần áo và quấn chăn quanh người vẫn không đủ ấm.

"Lạnh quá nên chúng tôi phải xếp các lều, màn sát nhau tránh gió lùa. Từ ngày xuống bệnh viện, tôi chưa được ngủ yên giấc", anh Sơn nói.

22h ngày 24/1, tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, quận Đống Đa, hơn 10 người nhà bệnh nhân đang vạ vật ngoài trời.

Ông Thanh Tùng, 50 tuổi, quê Nam Định cho biết ba đêm rồi phải trải chiếu bịt các lỗ hở của bốn chiếc ghế đá, đắp thêm hai, ba lớp chăn chống rét.

"Mẹ đang trong phòng cấp cứu nên tôi phải túc trực bên ngoài, lỡ bác sĩ cần gặp người nhà còn kịp chạy ra. Thuê nhà nghỉ lại đắt, rẻ nhất cũng 350.000 đồng một đêm, kinh tế eo hẹp nên đành thôi", anh Tùng nói.

Đêm 24/1, quanh Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức khoảng 60 người đang nằm trên các ghế đá, bậc lên xuống và gầm cầu thang

Một nhóm người trải chiếu, thảm ngay cạnh lối ra vào tại cổng chính của bệnh viện.

Hai người nhà bệnh nhân căng miếng nilon tránh mưa, ngủ trong màn chụp dưới chân cầu thang gần khoa Cấp cứu, bệnh viện Việt Đức.

Một người đàn ông đắp chăn nằm trên ghế sát tòa nhà gần cổng chính. "Hết chỗ nên tôi nằm tạm, đêm mai lại tính. Chỉ mong bớt rét còn nằm đâu mà chẳng được", người này nói.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết đợt rét đậm, rét hại sẽ kéo dài ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ đến 25/1, vùng đồng bằng thấp nhất 7-10 độ, vùng núi cao dưới 0 độ C. Đây là đợt rét đậm, rét hại thứ hai trong mùa đông 2023-2024.

Nguồn vnexpress
Link bài gốc

https://vnexpress.net/ngu-ngoai-troi-8-do-c-cham-nguoi-nha-nam-vien-4704795.html