Chưa Hè lượng điện tiêu thụ tăng vọt
Năm 2023, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, chúng ta đã chứng kiến việc điều tiết giảm cung ứng điện cục bộ ở một số nơi, một số thời điểm và đã gây ra khó khăn cho nền kinh tế, đời sống người dân. Năm nay, Chính phủ và Bộ Công Thương cũng đã dự báo tình hình, đề ra các kịch bản, giải pháp tính toán kỹ lưỡng nhu cầu và năng lực cung ứng điện để chuẩn bị cho mọi kịch bản năm 2024. Nhưng chừng đó chưa đủ.
|
|
Năm 2023 mực nước hồ Thủy điện Hòa Bình xuống thấp đã ảnh hưởng đến cung cấp điện. (Ảnh: Khắc Kiên) |
Tại Hội nghị khách hàng do Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) tổ chức mới đây, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) Nguyễn Quốc Trung cho biết, trong 3 tháng qua, A0 đã làm việc liên tục với Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia trong bối cảnh lượng điện tiêu thụ liên tục tăng. Dự báo, nắng nóng gay gắt đi kèm khô hạn sẽ kéo dài đến hết tháng 7/2024 và sau đó chuyển sang mùa mưa bão từ tháng 8.
Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm, lượng điện tiêu thụ toàn quốc trung bình 762 triệu kWh/ngày. Những ngày đầu tháng 4 vừa qua, lượng điện tiêu thụ đã vọt tới hơn 900 triệu kWh/ngày, tăng 11% so với đầu năm. Dự báo cao điểm những tháng mùa Hè, lượng điện tiêu thụ toàn quốc sẽ đạt tới hơn 1 tỷ kWh/ngày.
|
|
Công nhân EVN kiểm tra hệ thống điện Hè 2023. (Ảnh: Khắc Kiên) |
Đáng chú ý, khu vực miền Bắc được dự báo sẽ đối mặt với tình hình thiếu điện trong các tháng mùa khô bởi lượng điện tiêu thụ tăng rất mạnh từ đầu năm. Lượng điện sử dụng đã tăng hơn 12 triệu kWh/ngày, đạt mức 343,6 triệu kWh/ngày từ đầu tháng 4 đến nay.
Trong các tháng đầu năm, nhu cầu sử dụng điện của hệ thống điện quốc gia và miền Bắc tăng trưởng khoảng 11%. Dự báo đối với tháng 5, 6, 7 nắng nóng hơn, tốc độ tăng trưởng có thể lên tới 13%.
Theo tính toán, nhu cầu sử dụng điện khu vực miền Bắc kể cả sinh hoạt, lẫn công nghiệp khoảng 25.000MW. Nếu tăng trưởng 10%/năm nghĩa là phải cần 2.500MW tương đương một Nhà máy thuỷ điện Sơn La nữa đi vào vận hành để đáp ứng nhu cầu phụ tải khu vực. Đây cũng là thách thức đối với ngành điện.
Phó Tổng Giám đốc EVNNPC Phan Tử Lượng thông tin thêm, bước vào năm 2024, diễn biến thời tiết nắng nóng đã đến sớm và dự báo sẽ cực đoan gay gắt hơn, điện năng tiêu thụ cho sinh hoạt dự báo sẽ tăng cao đột biến, đặc biệt là vào các giờ cao điểm. Mặt khác, tình hình huy động các nguồn điện gặp nhiều khó khăn do các bất ổn về chính trị trên thế giới. Vì vậy, hệ thống điện miền Bắc có nguy cơ xảy ra thiếu hụt công suất đỉnh vào các giờ cao điểm, nhất là vào những ngày nắng nóng gay gắt khoảng từ tháng 4 - 8/2024.
Tiết kiệm để giảm thiểu nguy cơ
Trước tình hình đó, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Nguyễn Thế Hữu thông tin, để đáp ứng nhu cầu điện năng trong năm 2024, ngay từ cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ, cũng như Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan triển khai rất nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng điện. Trong đó, căn cứ đề xuất của EVN, Bộ Công Thương cũng đã phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2024, kế hoạch cung cấp than, khí cho sản xuất.
|
|
Kiểm tra ký thuật đảm bảo cung cấp điện. (Ảnh: Hoàng Anh) |
Riêng với mùa khô năm 2024, lần đầu Bộ đã phê duyệt kế hoạch cung ứng điện riêng cho các tháng cao điểm mùa khô. “Tại các kế hoạch, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng điện. Thời gian qua, không chỉ Cục Điều tiết điện lực, lãnh đạo của các cục vụ liên quan cũng trực tiếp làm trưởng đoàn đi kiểm tra tình hình cung ứng điện mùa khô ở các đơn vị phát điện, truyền tải phân phối điện kể cả trong và ngoài EVN” – ông Hữu nói.
Tổng Giám đốc EVNNPC Nguyễn Đức Thiện cho hay, năm 2024, đơn vị đặt mục tiêu cao nhất là đảm bảo cung ứng điện an toàn, liên tục phục vụ sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Việc đảm bảo cung ứng điện bằng cách huy động tối đa mọi nguồn lực, quyết liệt và linh hoạt trong chỉ đạo điều hành hệ thống điện để khắc phục các khó khăn thách thức ngày càng lớn. Đồng thời tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực để mang đến các dịch vụ tốt nhất, tiện ích nhất cho khách hàng sử dụng điện…
Đối với chương trình sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả, trong đó có chương trình DR, EVNNPC cam kết sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu đã đặt ra, cũng như các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Công Thương và EVN. Tuy nhiên, để đạt được điều này, EVNNPC mong muốn nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cơ quan, ban ngành trung ương và địa phương, các khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp tại miền Bắc.
Rõ ràng, năm 2024, chúng ta vẫn tiếp tục chứng kiến là năm được dự báo sẽ chịu những tác động khốc liệt của biến đổi khí hậu. Vì thế, việc cung ứng điện muốn an toàn, hiệu quả rất cần sự chung tay của cả người dân, của các doanh nghiệp và chính quyền địa phương. “EVNNPC mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác của khách hàng trong việc cùng chung tay tiết kiệm điện, điều chỉnh thời gian sản xuất, đặc biệt là trong các khung giờ cao điểm để EVNNPC vận hành hệ thống điện ổn định, an toàn” – ông Phan Tử Lượng nói.