Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu lại vừa phát đi 4 thông báo động đất ở khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Theo đó, 13 giờ 17 phút 49 giây ngày 26/11, một trận động đất có độ lớn 3.5 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.939 độ vĩ Bắc, 108.177 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
|
|
Kon Tum hứng 10 trận động đất trong ngày 26/11. |
3 trận động đất khác xảy ra vào trưa nay, Trận động đất xảy ra vào lúc 11 giờ 55 phút 54 giây có độ lớn 2.7, độ sâu chấn tiêu 8,2km. Trận động đất lúc 12 giờ 20 phút 25 giây có độ lớn 3.2, độ sâu chấn tiêu 8,1km. Trận động đất xảy ra lúc 12 giờ 39 phút 37 giây mạnh 2.9 độ richter, độ sâu chấn tiêu 8,1km.
Như vậy, chỉ trong ngày 26/10, Kon Tum đã xảy ra 10 trận động đất. Một số trận động đất trên 3.0 độ richter gây rung lắc, người dân sống ở các khu vực lân cận có thể cảm nhận rõ rung lắc.
TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, hoạt động động đất thường xảy ra theo chuỗi. Động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm động đất xảy ra dồn dập, có thời kỳ thưa hơn.
Trước và sau một trận động đất có độ lớn trên 4 độ thường có tiền chấn, dư chấn, tức là có các trận động đất nhỏ. Động đất càng lớn thì tiền chấn, dư chấn càng nhiều. Với những trận động đất rất lớn có thể có hàng trăm trận động đất nhỏ xảy ra trước và sau đó.
Các chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu nhận định, động đất trong khu vực là động đất kích thích xảy ra do hồ chứa thủy điện tích nước, gây sức ép cho hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn quy luật tự nhiên.
Động đất kích thích ở đây có thể kéo dài cả chục năm, như động đất kích thích từng xảy ra tại thủy điện Sông Tranh 2, tỉnh Quảng Nam, do hai khu vực này nằm cùng một hệ thống đứt gãy Rào Quán – A Lưới và có nền địa chất tương đối giống nhau.
Theo Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh, người dân cần bình tĩnh, tuân thủ theo đúng hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng; chủ động gia cố nhà cửa, tự trang bị thêm những kiến thức về phòng, chống động đất. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền về các cách phòng, tránh hiện tượng này; đồng thời, thông tin rõ về cường độ, mức độ rủi ro của các trận động đất vừa qua cho người dân.
Viện Vật lý Địa cầu thường xuyên thông báo về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này; đồng thời, các cán bộ thuộc Viện tiếp tục theo dõi thêm và xử lý số liệu các trận động đất tại huyện Kon Plông.