Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết không khí lạnh tràn đến Đông Bắc Bộ đầu tiên, sau đó là Tây Bắc Bộ. Do nền nhiệt hiện tại thấp, Đông Bắc Bộ, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái sẽ rét đậm trong ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3. Nhiệt độ trung bình ở vùng núi 9-11 độ, trung du và vùng đồng bằng 13-15 độ C, trời mưa rải rác.

leftcenterrightdel
 Bóng màu tím nhạt là khả năng không khí lạnh tràn xuống. Ảnh: NCHMF

Trang Accuweather của Mỹ dự báo Hà Nội ngày mai 13-21 độ, thứ sáu giảm 6 độ xuống mức rét đậm, 12-15 độ C. Những ngày sau đó nhiệt độ tăng trở lại, đến đầu tuần sau lên 19-27 độ C. Điểm cao trên 1.500 m so với mực nước biển như Sa Pa (Lào Cai) thứ sáu rét nhất đợt, khoảng 8-14 độ C.

Bắc Trung Bộ cũng chịu ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường với nhiệt độ thấp nhất đêm 29/2 và ngày 1/3 là 14-17 độ C.

Từ chiều tối 29/2, vịnh Bắc Bộ và bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6, biển động, sóng cao 2-4,5 m. Từ tối 1/3, vùng biển Ninh Thuận đến Cà Mau, phía tây Nam Biển Đông gió đông bắc mạnh cấp 6, biển động, sóng cao 2-4 m.

leftcenterrightdel
 

Đợt rét đậm ở miền Bắc đã duy trì 5 ngày, bắt đầu từ 24/2 do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp tác động của dòng xiết đới gió tây trên độ cao 5.000 m. Trong bối cảnh Việt Nam đang chịu tác động của El Nino, việc rét đậm kéo dài vào cuối tháng 2 được xem là hiếm gặp.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, thống kê từ năm 1991 đến nay, có 13 năm xảy ra rét đậm dưới 15 độ trong nửa cuối tháng 2. Trong đó, hai năm rét đậm dài nhất là 6 ngày (22-27/2/1995 và 24-29/2/2000), năm 2022 rét đậm 4 ngày (20-23/2).

Nguồn vnexpress
Link bài gốc

https://vnexpress.net/khong-khi-lanh-tang-cuong-xuong-mien-bac-4716288.html