EVN có trách nhiệm về đầu tư dự án, giá bán điện…

Trong giai đoạn 2011 - 2020, EVN và các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, các đơn vị thành viên có liên quan đã không hoàn thành việc đầu tư nguồn điện và lưới điện truyền tải theo nhiệm vụ được giao tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đầu tư nguồn điện đạt 82,2% so với công suất được giao tại Quy hoạch.

leftcenterrightdel
 Thanh tra Chính phủ kết luận về sai phạm của các Tập đoàn trong thực hiện quy hoạch điện VII

Đáng chú ý là việc đầu tư lưới truyền tải chỉ đạt tỷ lệ thấp (cả về quy mô và số lượng), về quy mô đầu tư hoàn thành so với quy hoạch: đường dây 500 kV đạt 35%, đường dây 200 kV đạt 54%, trạm biến áp 500 kv đạt 54%, trạm biến áp 200 kV đạt 64%; về số lượng công trình hoàn thành so với quy hoạch: đường dây 500 kV hoàn thành 14/27 công trình, đạt 52%; đường dây 220 kV hoàn thành 73/138 công trình, đạt 53%; trạm biến áp 500 kV hoàn thành 16/23 công trình, đạt 70%; trạm biến áp 220 kV hoàn thành 96/134 công trình, đạt 72%).

Thanh tra Chính phủ chỉ ra, việc đầu tư lưới điện truyền tải đạt kết quả thấp, nhiều dự án chậm tiến độ, không đáp ứng đủ năng lực truyền tải theo quy hoạch, nhất là việc giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời nối lưới đầu tư ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên; không hoàn thành việc đầu lưới điện truyền tải cũng là một trong những nguyên nhân của thực trạng quá tải cục bộ phải cắt giảm công suất phát điện của các nhà máy, ảnh hưởng đến vận hành hệ thống điện...

“Ngoài nguyên nhân khách quan trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án điện nguồn điện, lưới điện truyền tải, trách nhiệm thuộc về EVN, các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, các đơn vị thành viên có liên quan”- Thanh tra Chính phủ kết luận.

Về việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá mua điện, tại Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 2 (70 MW): Ngày 09/5/2014, Công ty Mua bán điện và Công ty cổ phần Thủy điện Trung Nam đã ký kết hợp đồng mua bán điện với giá tạm tính 1.740 đồng/kWh, cao hơn 757 đồng/kWh so với mức giá trần khung giá phát điện năm 2013 áp dụng đối với các nhà máy thủy điện (983 đồng/kWh) được quy định tại Quyết định số 8440/QĐ-BCT ngày 15/01/2013 của Bộ Công Thương.

Mặc dù sau đó, EVN đã đề xuất tạm thanh toán theo mức giá trần quy định của từng năm nhưng Bộ Công Thương đã chấp thuận mức giá tạm thanh toán là 1.740 đồng/kWh, vượt khung giá quy định là chưa đúng quy định của Luật Điện lực và Nghị định số 137/2013/NĐ-CP, theo đó quy định giá mua điện không được vượt khung giá do Bộ Công Thương ban hành.

Đặc biệt, sau đó, chủ đầu tư phê duyệt quyết toán vốn đầu tư Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 2, Công ty Mua bán điện và chủ đầu tư đã tiến hành đàm phán lại nhưng giá mua điện vẫn vượt khung quy định là ngoài thẩm quyền phê duyệt hợp đồng của Cục Điều tiết điện lực.

Tuy nhiên, Cục Điều tiết điện lực chưa thực hiện kiểm tra Hợp đồng mua bán điện, báo cáo Bộ trưởng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền quy định tại khoản 6 Điều 23 Thông tư số 56/2014/TT-BCT ngày 19/12/2014.

Kết luận thanh tra chỉ ra, việc đàm phán giá điện trên cơ sở số liệu quyết toán vốn đầu tư do chủ đầu tư cung cấp, trong khi số liệu kiểm toán vốn đầu tư dự án do đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện thiếu tin cậy, do đó giá mua điện đang tạm thanh toán 1.740 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT) là chưa đảm bảo cơ sở pháp lý.

Những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm nêu trên dẫn đến, việc đàm phán, kiểm tra, phê duyệt, xử lý các vướng mắc về giá mua điện, hợp đồng mua bán điện của Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2 diễn ra từ tháng 12/2008, đến nay chưa được giải quyết dứt điểm theo quy định của pháp luật và hợp đồng mua bán điện. Trách nhiệm thuộc về EVN, Cục Điều tiết điện lực và Bộ Công Thương.

Đối với việc mua bán điện của Nhà máy Thủy điện Sông Bung 4A, Công ty Mua bán điện và Công ty cổ phần Phú Thạnh Mỹ cũng ký kết hợp đồng tạm thanh lý với 1.271,84 đồng/kWh, vượt khung giá năm 2015; chưa thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc đưa giá mua bán điện về mức trần. Trách nhiệm thuộc về EVN.

Dự án chưa nghiệm thu đã đưa vào vận hành

Thanh tra Chính phủ cho biết, tại 26 nhà máy điện mặt trời, điện gió tại các tỉnh: Bình Thuận, Long An, Bình Phước… Công ty Mua bán điện công nhận ngày vận hành thương mại, đưa vào sử dụng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo hoặc Sở Công Thương) kiểm tra công tác nghiệm thu và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng của chủ đầu tư (kết luận công trình đủ điều kiện đưa vào sử dụng), vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 31, khoản 1 Điều 32 Nghị định 46/2015/NĐ-CP; khoản 4 Điều 123 Luật Xây dựng; điểm d khoản 1 Điều 51 Thông tư 39/2015/TT-BCT.

leftcenterrightdel
 Bộ Công Thương công bố thanh tra về cung ứng điện - Ảnh: Moit.gov.vn

Việc Công ty Mua bán điện công nhận ngày vận hành thương mại và mua điện của 26/26 nhà máy điện mặt trời, điện gió, trong khi các dự án có những vi phạm quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, đất đai, nghiệm thu công trình là vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg…

Những khuyết điểm, vi phạm nêu trên dẫn đến việc công nhận ngày vận hành thương mại và mua điện của các nhà máy điện mặt trời, điện gió theo giá cố định đang áp dụng là chưa đủ cơ sở pháp luật, hầu hết các dự án đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng để kịp thời gian được áp dụng cơ chế khuyến khích nên đã có những khuyết điểm, vi phạm trong quá trình thực hiện đầu tư.

Trách nhiệm đối với những khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc về các chủ đầu tư dự án, Công ty Mua bán điện và EVN.

Trách nhiệm của PVN và TKV

Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, PVN và PVPower đã không hoàn thành việc đầu tư 12 dự án nguồn điện với tổng công suất 13.350 MW theo nhiệm vụ được giao tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh (đầu tư hoàn thành 01/12 dự án, đạt 8,3% về số lượng; công suất 1.200 MW/13.350 MW, đạt 8,98% về công suất). PVN được giao làm chủ đầu tư 9 dự án, trong đó 7 dự án đang thực hiện, nhưng chậm tiến độ với thời gian dài;

leftcenterrightdel
 Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tổ chức kiểm điểm tại 24 đơn vị trong toàn Tập đoàn EVN, 85 tập thể, 161 cá nhân có liên quan

Hai dự án chưa triển khai thực hiện (Nhiệt điện khí Kiên Giang I và II). Ngoài nguyên nhân khách quan, trách nhiệm thuộc về PVN và PVPower.

Tại dự án Nhà máy Nhiệt điện chu trình hỗn hợp Nhơn Trạch 2 tại tỉnh Đồng Nai do Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 là chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ cho biết có khuyết điểm, vi phạm là: Phê duyệt dự án trước khi Bộ TN&MT phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường;

Chủ đầu tư và nhà thầu (PVC) khởi công xây dựng gói thầu EPC san lấp mặt bằng khi chưa có Thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt, chưa ký kết hợp đồng thi công xây dựng; trong việc lập, thẩm định dự toán hạng mục san lấp mặt bằng đã áp sai đơn giá cát san nền (đơn giá phê duyệt trong dự toán hạng mục và hợp đồng là 59.500 đồng/m3, đơn giá tại Chứng thư thẩm định giá số 1700/TĐ/CT ngày 15/8/2008 của Công ty cổ phần Thẩm định giá Đồng Nai là 56.795 đồng/m3). Trách nhiệm đối với những khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc về chủ đầu tư.

Ngoài ra, tại Dự án nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2 (100 MW) và Phước Thái 3 (50 MW) do EVN làm chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ chỉ ra, thời gian EVN và Ban Quản lý các dự án điện 2 chấm thầu quá dài, vi phạm luật đấu thầu, dẫn đến chậm tiến độ thực hiện dự án, không đưa nhà máy vào vận hành theo tiến độ phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Ngoài các nguyên nhân khách quan, trách nhiệm thuộc về EVN và Ban Quản lý các dự án điện 2.

Tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện chu trình hỗn hợp Nhơn Trạch 2 tại tỉnh Đồng Nai do Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 làm chủ đầu tư, sai phạm được chỉ ra là công tác lập, thẩm định dự toán hạng mục san lấp mặt bằng đã áp sai đơn giá cát san nền, dẫn đến tăng chi phí đầu tư dự án.

Trách nhiệm đối với những vi phạm nêu trên thuộc về chủ đầu tư Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2, Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam.

Nguồn anninhthudo
Link bài gốc

https://www.anninhthudo.vn/ket-luan-thanh-tra-ve-dien-cac-tap-doan-evn-pvn-tkv-co-trach-nhiem-ra-sao-post562430.antd