leftcenterrightdel
 18 nhà thiết kế và thương hiệu áo dài tham gia chương trình "Nơi tôi sinh ra" tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám

Trải nghiệm hấp dẫn cho du khách

“Nơi tôi sinh ra” là chương trình chào đón năm mới 2024 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Lần đầu tiên tại di tích quốc gia đặc biệt này sẽ diễn ra trình chiếu ánh sáng 3D mapping kết hợp trình diễn áo dài.

Chiều 3.1, Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám và nhà thiết kế Minh Hạnh đã giới thiệu chương trình nghệ thuật, trình diễn thời trang “Nơi tôi sinh ra” với sự tham gia 18 nhà thiết kế nổi tiếng trong cả nước. Từ những câu chuyện riêng được kể bằng áo dài, các nhà thiết kế sẽ mang đến nhiều chia sẻ thú vị về mảnh đất quê hương, nơi mỗi người gắn bó theo nhiều cách khác nhau.

leftcenterrightdel
 Từ những câu chuyện riêng được kể bằng áo dài, các nhà thiết kế sẽ mang đến nhiều chia sẻ thú vị về mảnh đất quê hương

18 nhà thiết kế và thương hiệu áo dài tham gia chương trình “Nơi tôi sinh ra” gồm có: Thanh Thúy, Cao Minh Tiến, Trịnh Bích Thủy, Duy Nguyên, Silky Viet Nam, Chế Quyết Tiến, Giang Đoàn, Phương Thảo, Ngọc Hân, Laura - Chula, Trần Thiện Khánh, Viết Bảo, Huệ Thi, Nguyễn Thúy, Trung Beret, Minh Hạnh, Công Huân, Cao Duy.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, đây là sản phẩm chào năm mới, khởi động cho nhiều dự án của Văn Miếu trong việc kết hợp tour đêm Văn Miếu với các hoạt động văn hóa nhằm tăng tính trải nghiệm cho du khách.

leftcenterrightdel
 Lần đầu tiên tại di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu- Quốc Tử Giám sẽ diễn ra trình chiếu ánh sáng 3D mapping kết hợp trình diễn áo dài

“Chương trình chiếu ánh sáng 3D mapping kết hợp với trình diễn áo dài truyền thống không chỉ tôn vinh giá trị di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám mà còn tôn vinh nét đẹp truyền thống của tà áo dài Việt Nam. Trong chương trình, câu chuyện về áo dài đến từ nhiều vùng, miền khác nhau sẽ được kể trong không gian nghệ thuật của âm nhạc và ánh sáng, mang đến trải nghiệm hấp dẫn, khác biệt cho du khách”, ông Lê Xuân Kiêu chia sẻ.

Trong chương trình, nhà thiết kế Minh Hạnh sẽ giới thiệu bộ sưu tập áo dài với chất liệu thổ cẩm mang đậm dấu ấn của vùng đất và con người Tây Nguyên; nhà thiết kế Thanh Thúy sẽ mang đến những bộ áo dài có họa tiết, dáng dấp của hoa ban - loại hoa đặc trưng của Điện Biên, nơi cô sinh ra. Còn nhà thiết kế Công Huân sẽ giới thiệu bộ sưu tập áo dài đặc trưng của TP.HCM.

leftcenterrightdel
 Chương trình hứa hẹn là trải nghiệm hấp dẫn cho du khách

Nhà thiết kế Cao Minh Tiến  sẽ giới thiệu bộ sưu tập áo dài ký họa về Hà Nội; nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy kể chuyện mùa đông Hà Nội qua bộ sưu tập áo dài kết hợp áo chần bông; nhà thiết kế Duy Nguyễn lại mang đến câu chuyện thôn quê Hà Nội với bộ sưu tập áo dài thủ công đặc trưng của làng nghề Thạch Xá (Ứng Hòa)…

Đạo diễn chương trình, nhà thiết kế Minh Hạnh bày tỏ, “Nơi tôi sinh ra” không chỉ đơn thuần là một buổi trình diễn thời trang mà đó là câu chuyện văn hóa của Việt Nam. Mỗi một vùng đất khác nhau sẽ có những câu chuyện riêng với áo dài.

leftcenterrightdel
 

Hà Nội có nhiều địa điểm lý tưởng để trình diễn áo dài, nhưng Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn được ưu ái. Nhà thiết kế Minh Hạnh giải thích rằng với ý tưởng đưa mỗi người tìm về bản thân, cội nguồn trước thềm năm mới nên không thể bỏ qua Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Giá trị lớn nhất ở di tích này là đạo học. “Đạo học còn bao hàm cả đạo lý làm người. Cái đẹp mà không có đạo lý không bao giờ bền vững được”, nhà thiết kế Minh Hạnh nói.

Đau đáu chuyện áo dài chưa thành di sản

Dịp này, nhà thiết kế Minh Hạnh một lần nữa bày tỏ nỗi niềm khi áo dài Việt Nam chưa  trở thành di sản được công nhận với đầy đủ tính pháp lý.

Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, trong tâm khảm và trái tim người Việt Nam, áo dài từ lâu đã là di sản. Hầu như người Việt nào cũng sở hữu ít nhất một chiếc áo dài. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có tính pháp lý để đưa áo dài trở thành di sản của Việt Nam.

leftcenterrightdel
 

Đó cũng là nỗi niềm trăn trở của nhiều nhà thiết kế, chuyên gia văn hóa. Câu chuyện di sản áo dài được bàn thảo ở nhiều cuộc hội thảo lớn nhỏ, bởi khi áo dài chưa trở thành di sản rất khó có căn cứ pháp lý để bảo vệ, phát huy giá trị, tránh những hiện tượng "phá áo dài", cách tân quá đà.

“Chưa kể tới nỗi lo xâm phạm sở hữu trí tuệ, xâm phạm giá trị văn hóa bởi từng có nhà thiết kế người Trung Quốc nhận vơ áo dài Việt Nam là sáng tạo của riêng họ, là văn hóa của họ…”, nhà thiết kế Minh Hạnh bày tỏ.

leftcenterrightdel
 Trong tâm khảm và trái tim người Việt Nam, áo dài từ lâu đã là di sản

18 nhà thiết kế và thương hiệu áo dài tham gia chương trình "Nơi tôi sinh ra" có: Thanh Thúy, Cao Minh Tiến, Trịnh Bích Thủy, Duy Nguyên, Silky Viet Nam, Chế Quyết Tiến, Giang Đoàn, Phương Thảo, Ngọc Hân, Laura - Chula, Trần Thiện Khánh, Viết Bảo, Huệ Thi, Nguyễn Thúy, Trung Beret, Minh Hạnh, Công Huân, Cao Duy.

Nguồn baovanhoa
Link bài gốc

http://baovanhoa.vn/giai-tri/artmid/521/articleid/73360/ke-chuyen-van-hoa-viet-qua-nhung-ta-ao-dai