Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân… ký tên xin giảm nhẹ
Theo dự kiến, ngày 22/7 TAND Tp.Hà Nội sẽ đưa ra xét xử ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC và những bị cáo liên quan đến vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Phiên tòa có khoảng 100 luật sư bào chữa cho các bị cáo. Trong đó, có bốn người tham gia bảo vệ cho ông Quyết gồm: Luật sư Vũ Đặng Hải Yến (Công ty Luật TNHH SmiC); luật sư Phạm Đức Giang (Công ty Luật TNHH GMC); luật sư Lê Ngọc Hà thuộc Văn phòng luật sư Đa Phúc và luật sư Trần Nam Long (Công ty Luật TNHH Trần Long và Cộng sự).
Trước phiên xét xử, các luật sư cho biết, đến nay, ông Quyết vẫn luôn giữ nguyên nguyện vọng yêu cầu các luật sư khi bào chữa không đưa nội dung mang tính chất phản biện, phủ nhận trực tiếp đối với các hành vi của ông Quyết đã được xác định tại kết luận điều tra và cáo trạng, chỉ tập trung trình bày các lý do khách quan, đề xuất áp dụng các tình tiết giảm nhẹ để được hưởng sự khoan hồng.
|
|
Hiện có 376 văn bản (với tổng cộng 4.280 người ký tên) đề nghị giảm án, giảm trách nhiệm hình sự cho ông Trịnh Văn Quyết. |
Hiện tại, gia đình cũng đã tìm gặp và trực tiếp gửi lời xin lỗi tới một số nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu và hiện vẫn đang sở hữu số cổ phiếu ban đầu. Gia đình cũng đã nhận được 88 đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Quyết và các bị cáo từ các nhà đầu tư.
Vừa qua, bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Quyết) đã bàn giao 88 đơn xin giảm nhẹ nói trên cho các luật sư, các luật sư cũng đã gửi đơn này cùng với văn bản trình bày quan điểm bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết tới tòa.
Đặc biệt, hiện có tới 376 văn bản (với tổng cộng 4.280 người ký tên) đề nghị giảm án, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho ông Quyết và các bị cáo của nhiều tổ chức, cá nhân (là khách hàng, đối tác, người dân cư trú trên địa bàn các dự án do ông Quyết chỉ đạo triển khai, các cán bộ nhân viên, cựu cán bộ nhân viên,…)
Nội dung các đơn này đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng xem xét giảm án, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho ông Quyết và các bị cáo. Các căn cứ này đều đã được đính kèm cùng tài liệu để gửi đến cơ quan tố tụng.
Bên cạnh đó, trong quá trình tiếp xúc với nhiều cá nhân sinh sống trên địa bàn nơi Tập đoàn FLC, Công ty Faros triển khai dự án, rất nhiều người đã lên tiếng ghi nhận đóng góp của Tập đoàn nói chung và cá nhân ông Quyết nói riêng đối với sự phát triển của kinh tế địa phương và đề xuất xin giảm nhẹ cho các bị cáo.
Sẵn sàng khắc phục toàn bộ hậu quả
Theo thông tin và tài liệu các luật sư cung cấp, hôm 9/7/2024, bà Lê Thị Ngọc Diệp đã thay mặt chồng nộp khắc phục hậu quả thêm 23 tỷ đồng. Trước đó, bị cáo và gia đình cũng tự nguyện khắc phục số tiền hơn 191 tỷ đồng.
|
|
Gia đình ông Quyết mới nộp khắc phục hậu quả thêm số tiền 23 tỷ đồng |
Các luật sư cho biết, thời gian qua ông Quyết vô cùng ăn năn, hối hận và bày tỏ thái độ sẵn sàng khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án.
Theo luật sư, thực tế, chỉ tính riêng tài sản là cổ phiếu và tiền mặt tại các tài khoản chứng khoán bị phong tỏa, ông Quyết có hơn 13 tỷ đồng tiền mặt và 1,5 tỷ cổ phiếu các loại (FLC, ROS, ART, GAB, VNM ...) với tổng giá trị cổ phiếu (tính theo giá đóng cửa tại thời điểm bị phong tỏa) là khoảng 4.800 tỷ đồng.
Theo đó, nếu được tạo điều kiện cho việc mở phong tỏa, thực hiện thanh lý tài sản sớm thì ngay cả trong trường hợp HĐXX xác định hơn 3.600 tỷ đồng là tiền hưởng lợi không ngay tình, thì ông Quyết cũng đã có thể nộp toàn bộ vào ngân sách.