Thời gian qua, xã biên giới xã Ia Mơr và Ia Puch (huyện Chư Prông, Gia Lai) liên tục ghi nhận nhiều vụ phá rừng.
Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông, từ 20/11 đến 8/12, xảy ra 4 vụ với gần 450 cây rừng bị chặt hạ, phá hoại. Chủng loại gỗ là căm xe, cà chít, dầu, bình linh, bằng lăng, đường kính gốc của các cây khoảng 10-40cm.
|
|
Trong một tháng, huyện Chư Prông ghi nhận 4 vụ phá rừng với hàng trăm cây bị xâm hại (Ảnh: Chí Anh) |
Vụ thứ nhất được Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông phối hợp với UBND xã la Puch và Ban quản lý rừng phòng hộ la Puch phát hiện vào ngày 20/11. Tại rừng phòng hộ la Puch, tổ kiểm tra ghi nhận có 76 cây rừng bị khoan gốc, đổ hóa chất để đầu độc, ken gốc. Đa số cây bị đổ hóa chất đã chết khô.
|
|
Ngoài bị cưa hạ cây rừng, các đối tượng còn dùng chất độc đổ vào gốc hoặc ken cây đến lấn chiếm đất rừng (Ảnh: Chí Anh) |
Vụ thứ hai xảy ra vào ngày 26/11, tại lâm phần thuộc Ban quản lý RPH la Meur, địa giới hành chính xã la Mơr. Tổng số cây rừng bị khai thác là 204 cây, chủng loại căm xe, cà chít, dầu với đường kính 9-40cm.
Vụ thứ ba ghi nhận vào ngày 3/12, tại tiểu khu 1012, thuộc lâm phần do UBND xã la Mơr. Qua kiểm đếm có khoảng 2.800m² diện tích rừng bị phá, tổng số cây bị chặt hạ là 53 cây. Tại hiện trường, lâm tặc đã dùng cưa máy để cắt hạ cây rừng.
Vụ thứ tư xảy ra vào ngày 8/12, tại lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ la Meur quản lý. Diện tích bị chặt phá là hơn 3.000m² với 53 cây rừng bị chặt hạ.
|
|
Rừng bị phá đa số thuộc vùng tưới Thủy lợi Ia Mơr, thuộc loại rừng nghèo (Ảnh: Chí Anh) |
Ông Lê Anh Dục - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông - cho biết, các vụ phá rừng xảy ra ở khu vực rừng biên giới thuộc địa giới hành chính xã Ia Mơr, Ia Puch. Tổng cộng hơn 450 thân gỗ căm xe, cà chít, dầu, bình linh, bằng lăng… bị đốn hạ.
Theo nhận định, những cây có đường kính lớn bị lâm tặc dùng cưa để cắt hạ. Ngoài ra, các đối tượng còn ken cây, đổ chất độc khiến cây chết dần. Rừng bị phá thuộc vùng tưới Thủy lợi Ia Mơr, loại rừng nghèo.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phá rừng là do nhu cầu lấy gỗ về làm nhà, cơi nới nương rẫy, lấn chiếm đất rừng để canh tác sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, khu vực rừng biên giới còn xuất hiện vấn nạn thu mua củi diễn ra rầm rộ trong suốt thời gian dài.
|
|
Cận cảnh những gốc cây bị ken, đang chết dần (Ảnh: Chí Anh) |
Trước tình trạng rừng bị xâm hại, Cục Kiểm lâm và UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản yêu cầu Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp để điều tra vụ phá rừng trong một thời gian dài tại huyện Chư Prông.
Đồng thời, Cục Kiểm lâm cũng tổ chức đoàn công tác làm việc với Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai kiểm tra việc cây rừng bị đổ hóa chất, ken gốc hàng loạt.