Túi Gucci, Louis Vuitton được giới thiệu "hàng siêu cấp loại 1" giá bằng 1/10, giới thiệu gia công tại Trung Quốc
Trong vai khách hàng có nhu cầu mua túi hiệu Chanel làm quà tặng, phóng viên liên hệ với cửa hàng Minh Hiền Store, địa chỉ 157B phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Nơi đây được giới thiệu bán các sản phẩm hàng hiệu đến từ nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Gucci, Louis Vuitton, Hermes… Cũng từ đây, bí mật làm giàu thần tốc và những mánh khóe kinh doanh dối trá dần lộ rõ.
Tiếp chúng tôi là một thanh niên tên Đức (tên nhân vật đã thay đổi), gần 30 tuổi, tự giới thiệu là nhân viên bán hàng. Biết chúng tôi có nhu cầu mua túi xách để làm quà biếu, Đức cho biết, một sản phẩm hàng chính hãng như túi Louis Vuitton có giá thấp nhất cũng 70 triệu đồng, nhưng ở đây chỉ bán với giá 1,5 triệu đồng.
"Toàn bộ sản phẩm nhà em được gia công, chế tác tại Trung Quốc. Đây là hàng siêu cấp loại 1, được trưng bày trực tiếp tại cửa hàng", Đức nói, đồng thời quảng cáo đây là mùa cao điểm bán hàng. Khách nước ngoài mua hàng hiệu gia công tại cửa hàng rất nhiều, mỗi lần ghé qua mua đều chi mấy chục triệu đồng, do đó, hàng vơi đi khá nhanh.
Đưa ra mẫu túi Chanel Kelly có sẵn tại cửa hàng để so sánh với sản phẩm chính hãng trên website của Chanel, Đức cho biết: "Hiện nhà em đang bán sản phẩm này với giá 1.180.000 đồng. Anh chị nhìn này, chất da sản phẩm nhà em đâu thua kém gì hàng chính hãng, nên cứ yên tâm, chất lượng bên em y hệt trong store chính hãng".
"Sản phẩm này để lâu có bị nổ da không?", chúng tôi hỏi. Nhân viên cửa hàng Minh Hiền Store khẳng định: "Đến thời điểm hiện tại, chưa có một khách hàng nào feedback (phản hồi) rằng túi nhà em dùng một thời gian bị nổ hay bong tróc da cả, da của bọn em đều là da thật hết".


Các cửa hàng kinh doanh hàng hiệu giả Minh Hiền Store đều không xuất được hóa đơn đỏ. Ảnh: PVTiếp tục lấy ra một chiếc túi xách thương hiệu Louis Vuitton, nam nhân viên giới thiệu: "Mẫu LV này đa phần khách hàng mua đều rất hài lòng. Hàng chính hãng hơn 100 triệu đồng, nhà em chỉ bán hơn 1 triệu đồng. Còn nếu khách hàng yêu cầu kỹ hơn thì lên đời hàng VIP Pháp - hàng này có độ hoàn thiện cao hơn".
Khi chúng tôi yêu cầu xem sản phẩm hàng VIP Pháp, nhân viên cho biết: "Hàng VIP Pháp có giá trị cao, nên bọn em có dịch vụ mang đến tận nhà để giao dịch trực tiếp. Nếu anh chị dùng hằng ngày thì dùng bản siêu cấp kia là được".
Tiếp tục ghi nhận tại một chi nhánh khác của Minh Hiền Store, chúng tôi tìm đến địa chỉ 33 Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Căn nhà không bảng tên, không biển hiệu, nằm sâu bên trong một cửa hàng với mặt tiền bán cà phê, chính là nơi bày bán hàng trăm sản phẩm túi, trang sức giả mạo các thương hiệu thời trang xa xỉ bậc nhất thế giới như Gucci, Louis Vuitton, Hermes, Prada, Chanel, Dior…
Giơ một chiếc túi Louis Vuitton On The Go, size (kích thước) 22 màu trắng - được cho là sản phẩm "hot trend", nữ nhân viên giới thiệu đây là best seller (sản phẩm bán chạy nhất - PV) của shop, có giá hơn 1.480.000 đồng, trong khi ở cửa hàng chính hãng, sản phẩm này có giá hơn 90 triệu đồng.
"Đây không phải hàng VIP Pháp, mà là hàng siêu cấp, chất lượng cao, chế tác tại Trung Quốc. Nếu muốn mua hàng VIP Pháp, bên em phải order từ Pháp về, với lại giá cao hơn nên không bày bán tại cửa hàng. Cùng một mẫu sản phẩm, nếu là hàng siêu cấp chất lượng cao thì có giá 1.480.000 đồng, còn hàng VIP Pháp có giá từ 10-15 triệu đồng vì độ chi tiết cao hơn nhiều, còn hàng chính hãng thì hơn 90 triệu đồng", nữ nhân viên nói.
Tiếp tục hỏi mua túi Tote Lacoste bản to, nữ nhân viên cho biết có giá 900 nghìn đồng, cũng là hàng chế tác tại Trung Quốc. "Sản phẩm này hàng thật có giá hơn 5 triệu đồng, còn sản phẩm bên em có độ hoàn thiện cao, sát với hàng thật. Thông thường với những sản phẩm này, đa số bán online, giá rẻ hơn. Còn nhà em bán trực tiếp tại cửa hàng, chất lượng tốt hơn nên bán giá cao hơn".
Theo quảng cáo của nữ nhân viên cửa hàng Minh Hiền Store, do làm giả tinh vi đến từng chi tiết, cửa hàng này là địa chỉ thân quen của nhiều người nổi tiếng, thậm chí nhiều người còn mang túi thật ra để mua túi "fake".
"Có nhiều chị xách túi Authentic (chính hãng) đến cửa hàng em mua sản phẩm để về trộn cùng, hàng bên em còn đẹp hơn cả mấy hàng xịn ấy. Toàn mấy chị xinh như hoa hậu đến mua hàng bên em”, nữ nhân viên chia sẻ.
"Bán hàng giả không sợ Quản lý thị trường phạt à?", chúng tôi hỏi. Nữ nhân viên đáp: "Có đấy ạ, nhưng cơ sở này của bọn em (33 Hàng Đào) ở sâu bên trong còn đỡ. Cơ sở 157B phố Bà Triệu thời điểm này cũng căng hơn, sợ bị kiểm tra nên không dám bày nhiều hàng".


Kho hàng hiệu giả được phóng viên ghi nhận tại địa chỉ 33 Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Ảnh: PVKhi được hỏi có xuất hóa đơn VAT không, nữ nhân viên khẳng định không thể xuất hóa đơn đỏ. "Bên em chỉ có hóa đơn của sản phẩm này thôi, là hóa đơn bán hàng nội bộ, còn không thể xuất hóa đơn đỏ", nhân viên nhấn mạnh.
Theo quan sát của PV Báo Lao Động, các sản phẩm hàng hiệu giả tại cửa hàng Minh Hiền Store dù có dán mã vạch để khách hàng kiểm tra, nhưng khi quét mã lại không hiện thông tin. Tem nhãn của các sản phẩm mang danh thương hiệu nổi tiếng thế giới cũng không sử dụng tiếng Anh mà dày đặc chữ tượng hình.
Phải xử lý nghiêm hành vi tiếp tay tiêu thụ hàng giả
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Đăng Sinh - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam - khẳng định: Hành vi bán hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là biểu hiện của sự coi thường pháp luật, vi phạm nghiêm trọng các quy định hiện hành và thậm chí tiềm ẩn dấu hiệu hình sự.
Theo ông Sinh, trong bối cảnh Việt Nam đã cam kết thực thi các hiệp định thương mại quốc tế liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, việc chấp hành nghiêm túc các cam kết này không chỉ là nghĩa vụ pháp lý, mà còn là yêu cầu bắt buộc để bảo đảm uy tín và vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Nếu không thực hiện nghiêm, Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ bị khiếu kiện, chế tài theo cơ chế giải quyết tranh chấp của các hiệp định thương mại tự do.
Đáng lo ngại, theo ông Sinh, là hiện tượng một bộ phận người tiêu dùng biết rõ sản phẩm là hàng giả nhưng vẫn tiếp tay tiêu thụ. "Tại Pháp, nếu phát hiện người tiêu dùng sử dụng hàng hóa giả mạo thương hiệu, cơ quan chức năng có thể tiến hành tịch thu ngay và thậm chí xử phạt người sử dụng.
Ở Việt Nam, hiện chưa có chế tài xử lý người tiêu dùng, nhưng để ngăn chặn triệt để hoạt động tiếp tay này, cần xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh hàng giả", ông Sinh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đăng Sinh - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam. Ảnh: Nguyễn NgaÔng Sinh cho rằng, khung pháp lý hiện nay về xử lý hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả về cơ bản đã đầy đủ. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc tổ chức thực thi. "Muốn đẩy lùi vấn nạn hàng giả, phải có sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ từ cộng đồng, doanh nghiệp đến các cơ quan chức năng. Trong đó, vai trò kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng phải được thực hiện quyết liệt, thường xuyên, không hình thức", ông nói.
Cũng theo ông Sinh, không thể để xảy ra tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, kiểm tra theo đợt rồi để tái phạm tiếp diễn. Cơ quan quản lý Nhà nước đã được trao công cụ mạnh để xử lý vi phạm, nếu để vi phạm kéo dài trên địa bàn thì chính các đơn vị này cũng phải chịu trách nhiệm.
Dưới góc nhìn pháp lý, trao đổi với Báo Lao Động, TS. Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - phân tích, hàng hóa lưu thông trên thị trường phải có hóa đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Việc gắn nhãn hiệu của thương hiệu khác vào sản phẩm không phải do chính hãng sản xuất là hành vi làm hàng giả.
“Hàng giả có thể giả về nhãn hiệu, nguồn gốc, công dụng hoặc tác dụng. Đây đều là hành vi vi phạm pháp luật”, ông Cường nhấn mạnh. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và giá trị hàng hóa, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Điều 192 Bộ luật Hình sự, nếu giá trị hàng giả tương đương từ 30 triệu đồng trở lên so với hàng thật, cá nhân hoặc pháp nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự. Trong đó, mức phạt tiền có thể lên tới 9 tỉ đồng đối với pháp nhân thương mại, và mức phạt tù lên đến 15 năm đối với cá nhân.
“Việc sản xuất, buôn bán hàng giả không chỉ xâm hại trực tiếp đến quyền lợi của các doanh nghiệp chân chính mà còn gây ra sự bất công trong cạnh tranh, làm méo mó thị trường và suy giảm niềm tin của người tiêu dùng”, TS. Cường khẳng định.
Ông cũng cho rằng, để bảo đảm thị trường phát triển minh bạch, lành mạnh, công bằng, cần đẩy mạnh các biện pháp kiểm tra, quản lý nhà nước, đồng thời áp dụng nghiêm các chế tài đã có trong luật hiện hành. "Chống hàng giả không thể chỉ là phong trào hay khẩu hiệu. Cần hành động thực chất và có trách nhiệm từ mọi cấp, mọi ngành", ông nhấn mạnh.