Theo thống kê của Nhà cung cấp dữ liệu du lịch hàng không OAG, năm 2023, Hà Nội - TP.HCM là đường bay nội địa nhộn nhịp thứ 4 thế giới với gần 10,9 triệu ghế cung ứng. So với năm ngoái, đường bay của Việt Nam bị hạ một bậc, nhưng tải ghế cung ứng vẫn tăng 3%. Còn so với mức trước đại dịch năm 2019, ghế cung ứng trên đường bay này tăng 6%.

leftcenterrightdel
 Hà Nội - TP.HCM là "đường bay vàng" của ngành hàng không Việt Nam

Với con số này, đường bay Hà Nội - TP.HCM chỉ đứng sau Jeju - Seoul (Hàn Quốc), Fukuoka - Tokyo Haneda và Sapporo New Chitose Apt - Tokyo Haneda (Nhật Bản).

Theo OAG, dù ghế cung ứng giảm tới 12% so với năm 2022 và hơn 20% so với mức trước dịch, xuống còn khoảng 13,7 triệu ghế, Jeju - Seoul vẫn giữ vững ngôi vị đường bay nội địa nhộn nhịp nhất thế giới. Đường bay nội địa này tại Hàn Quốc đã duy trì vị đứng đầu trên bảng thống kê của OAG hơn chục năm liên tiếp.

Trước đó, vào năm 2019, đường bay này của Việt Nam cũng từng lọt top 6 của Thế giới. Từ năm 2017 đến nay, Việt Nam liên tục góp mặt trong nhóm 10 thị trường có đường bay nội địa bận rộn nhất thế giới với chặng Hà Nội – TP.HCM. Thực tế, đây cũng luôn được coi là “đường bay vàng” của ngành hàng không Việt Nam.

Theo Cục Hàng không Việt Nam đường bay Hà Nội - TP.HCM vận chuyển hơn 9 triệu hành khách (chiếm tỷ trọng 22% số lượng khách nội địa vận chuyển trong năm 2023) với với gần 43.000 chuyến bay (khoảng 60 chuyến bay khứ hồi/ngày), chiếm tỷ trọng 17,5% số chuyến bay nội địa.

Hiện tại, 5 hãng bay trong nước gồm Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines đều khai thác hành trình dài hơn 1.000 km này từ 5h sáng đến đêm với khoảng 60 chuyến khứ hồi mỗi ngày. Trong đó, Vietnam Airlines và Vietjet khai thác nhiều nhất với trên 20 chuyến bay khứ hồi mỗi hãng vào ngày thường.

leftcenterrightdel
 Top 10 đường bay nội địa bận rộn nhất thế giới. Nguồn: OAG

Năm 2023, thị trường vận tải hàng không Việt Nam, đặc biệt là thị trường nội địa đã khôi phục gần như hoàn toàn với thời điểm trước dịch COVID-19 và đạt được những kết quả vận chuyển khả quan. Đối với thị trường quốc tế, tốc độ hồi phục diễn ra chậm hơn nhưng cũng có nhiều dấu hiệu tích cực.

Cùng với đó, mạng đường bay quốc tế phục hồi và từng bước mở rộng. Các Hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đã khôi phục hoàn toàn các đường bay đến các thị trường truyền thống và mở rộng khai thác một số thị trường mới ở Trung Á như Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Mông Cổ. Mặc dù còn hạn chế nhưng trong năm 2023, các đường bay đến Trung Quốc và Nga cũng đã được khôi phục.

Bên cạnh đó, các hãng hàng không Việt Nam cũng đẩy mạnh hoạt động khai thác các đường bay đến thị trường Ấn Độ (năm 2023 vận chuyển 920.000 hành khách, tăng gần 15 lần so với năm 2019) và thị trường Australia (năm 2023 vận chuyển 913.000 hành khách, tăng 40% so với 2019).

Hiện, có 63 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác thị trường quốc tế với 169 đường bay quốc tế thường lệ và thuê chuyến kết nối 28 quốc gia, vùng lãnh thổ Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Á và châu Phi đến các điểm của Việt Nam là Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt.

Nguồn vneconomy
Link bài gốc

https://vneconomy.vn/ha-noi-tp-hcm-nam-trong-top-4-duong-bay-ban-ron-nhat-the-gioi.htm