Gói thầu trên có giá dự toán 1,859 tỷ đồng, do Sở GTVT Kon Tum làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu. Trong 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), Công ty CP Sumen Việt Nhật (giá dự thầu 1,569 tỷ đồng) bị loại ở bước đánh giá về kỹ thuật. 2 nhà thầu được đánh giá đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật gồm: Liên danh Công ty TNHH Xây dựng cầu đường BK - Công ty CP Tổng hợp xây dựng Miền Trung (giá dự thầu 1,728 tỷ đồng); Công ty CP Thương mại và Xây dựng công trình giao thông 85 (giá dự thầu 1,857 tỷ đồng).
|
|
Gói thầu sửa chữa 6 cầu trên Quốc lộ 40B, tỉnh Kon Tum có 3 nhà thầu tham dự, trong đó 2 nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật. (Ảnh minh họa) |
Ngày 22/5/2024, Sở GTVT Kon Tum công bố Liên danh Công ty TNHH Xây dựng cầu đường BK - Công ty CP Tổng hợp xây dựng Miền Trung trúng thầu; thời gian thực hiện hợp đồng 90 ngày, hợp đồng theo đơn giá cố định.
Công ty CP Sumen Việt Nhật sau đó nhiều lần có đơn kiến nghị phản đối việc đánh giá HSDT của Sở GTVT Kon Tum vì cho rằng, Gói thầu sử dụng rất ít vật liệu cát (0,1 m3 cát), giá trị khoảng 20 nghìn đồng mà HSMT yêu cầu phải có giấy phép khai thác khoáng sản là yêu cầu “giấy phép con” để hạn chế nhà thầu, loại bỏ nhà thầu có giá dự thầu cạnh tranh.
Ngày 26/6/2024, Sở GTVT Kon Tum có báo cáo gửi Cục Đường bộ Việt Nam về công tác lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 01. Ngày 2/7/2024, Cục Đường bộ Việt Nam có văn bản nêu ý kiến chấp nhận đề xuất hủy thầu Gói thầu số 01 của Sở GTVT Kon Tum để tổ chức lựa chọn lại nhà thầu, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu. Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Sở GTVT Kon Tum rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, khi xây dựng HSMT cần đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu, không đưa ra tiêu chí hạn chế nhà thầu tham gia.
Theo quyết định hủy thầu của Sở GTVT Kon Tum, lý do hủy thầu Gói thầu số 01 là HSMT không tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15, quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia đấu thầu Phạm Minh Yến thuộc Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu (Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Sở GTVT Kon Tum viện dẫn quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 17 Luật Đấu thầu 2023 để hủy thầu là chưa phù hợp. Theo đó, điểm c Khoản 1 Điều 17 quy định rõ “…HSMT, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu” mới được hủy thầu. Trong khi đó, theo kết quả đánh giá HSDT, Gói thầu có tới 2 nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, nghĩa là có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện Gói thầu.
Bên cạnh đó, đối với trường hợp của Công ty CP Sumen Việt Nhật, Nhà thầu bị loại bởi tiêu chí hạn chế sự tham gia của nhà thầu, tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định số 24/NĐ-CP, trường hợp HSMT nêu điều kiện hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng thì những tiêu chí này trong HSMT sẽ bị coi là vô hiệu, không phải là căn cứ để đánh giá HSDT. Do đó, Sở GTVT Kon Tum cần tiến hành đánh giá lại HSDT của 3 nhà thầu sau khi loại bỏ các tiêu chí gây hạn chế nhà thầu của HSMT chứ không phải hủy thầu.
Theo ý kiến chuyên gia, việc hủy thầu thiếu căn cứ sẽ gây thiệt hại cho các nhà thầu mà không phải do lỗi của nhà thầu (lỗi chủ quan là của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn lập HSMT và đơn vị thẩm định phê duyệt HSMT), làm lãng phí thời gian và chi phí tổ chức đấu thầu, kéo dài thời gian lựa chọn nhà thầu vì phải tổ chức đấu thầu lại, ảnh hưởng trực tiếp đến việc chậm tiến độ thi công công trình, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.