Gói thầu nêu trên có giá 1,893 tỷ đồng, do Trung tâm Nông nghiệp Lâm Hà làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Kiến trúc Cao Nguyên Xanh làm bên mời thầu, tư vấn đấu thầu, phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 30/7 - 6/8/2024. Ngày 5/9/2024, Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Nam (nhà thầu xếp hạng thứ 1) được công bố trúng thầu.
|
|
Gói thầu số 3 Mua sắm phân bón tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đã công bố nhà thầu trúng thầu nhưng bị hủy thầu do thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư. Ảnh minh họa: Tiên Giang |
Tuy nhiên, ngày 18/9/2024, Trung tâm Nông nghiệp Lâm Hà có quyết định hủy thầu Gói thầu số 3 với lý do thay đổi mục tiêu đầu tư, phạm vi đầu tư trong quyết định đầu tư đã được phê duyệt làm thay đổi khối lượng công việc, tiêu chuẩn đánh giá trong HSMT.
Không đồng thuận với quyết định này, Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Nam đã có đơn kiến nghị. Nhà thầu cho biết, sau khi được phê duyệt trúng thầu, Quế Lâm Phương Nam và Chủ đầu tư đã tiến hành hoàn thiện, ký kết hợp đồng. Trong biên bản làm việc ngày 11/9/2024, Chủ đầu tư nêu ý kiến, HSMT không được nêu rõ chi tiết tên, nhãn hiệu sản phẩm, vì vậy hàng hóa phê duyệt trong Quyết định số 2320/QĐ-UBND ngày 11/6/2024 (loại phân bón được phê duyệt là hãng Bình Điền 16-16-8, có các thông số kỹ thuật kèm theo) khác với hàng hóa dự thầu (Nhà thầu tham dự thầu phân bón NPK 16-16-8 do Công ty Quế Lâm sản xuất, có các thông số kỹ thuật kèm theo). Chủ đầu tư cho biết, phân bón của đơn vị dự thầu có thông số kỹ thuật và hàm lượng tương đương, nhưng lại không phải là phân bón của hãng Bình Điền. Do đó, Chủ đầu tư đề nghị Nhà thầu nghiên cứu cung cấp phân bón đúng hãng theo Quyết định số 2320/QĐ-UBND ngày 11/6/2024.
Về phía nhà thầu, Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Nam khẳng định, hồ sơ dự thầu (HSDT) của Nhà thầu và sản phẩm cung cấp đáp ứng đủ các yêu cầu kỹ thuật (thông số kỹ thuật, hàm lượng) của HSMT. Nhà thầu chỉ phân phối độc quyền phân bón Quế Lâm. Nhà thầu không thống nhất với đề nghị nêu trên, nhưng việc Chủ đầu tư quyết định hủy thầu là không đúng quy định, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà thầu.
Phúc đáp kiến nghị của Nhà thầu, Trung tâm Nông nghiệp Lâm Hà nêu quan điểm, đây là dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững có tính chất đặc biệt, hàng hóa cung cấp theo nhu cầu do chính cộng đồng dân cư đề xuất và một phần nguồn vốn do người dân tham gia đóng góp đối ứng. Do đó, trong quá trình triển khai Dự án, UBND huyện Lâm Hà cùng các bên liên quan đã tiến hành họp với người dân để thống nhất về chủng loại, số lượng, chất lượng, kỹ thuật với mục tiêu đặt quyền lợi người dân lên hàng đầu (nội dung xuất xứ hàng hóa theo Quyết định số 2320/QĐ-UBND ngày 11/6/2024 của UBND huyện Lâm Hà (Phụ lục 02)).
Chủ đầu tư cho rằng, sản phẩm phân bón Quế Lâm là thương hiệu uy tín tại các tỉnh miền Nam, nhưng lại là sản phẩm mới với nông dân huyện Lâm Hà nói riêng cũng như toàn tỉnh Lâm Đồng nói chung. Do đặc thù của địa phương là vùng trồng dâu nuôi tằm, nên người dân yêu cầu Dự án cung cấp một loại phân bón quen thuộc, an toàn với sự nhạy cảm của dâu tằm. Vì thế, nội dung làm việc giữa hai bên là để thống nhất về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa. Việc hủy thầu là để xem xét thay đổi tiêu chí đánh giá trong HSMT cho phù hợp với tình hình của Dự án, nhằm tìm được nhà thầu có năng lực đáp ứng theo yêu cầu nguyện vọng của người dân.
Theo chuyên gia đấu thầu, dẫn chiếu điểm b khoản 1 Điều 17 và khoản 5 Điều 77 Luật Đấu thầu năm 2023, việc hủy thầu với lý do “thay đổi về mục tiêu, phạm vi đầu tư trong quyết định đầu tư đã được phê duyệt…” thuộc trách nhiệm của người có thẩm quyền. Ở gói thầu này, người có thẩm quyền là UBND huyện Lâm Hà. Do đó, người ra quyết định hủy thầu không đúng với quy định của pháp luật.
Chuyên gia đấu thầu cho biết thêm, HSDT của nhà thầu đáp ứng đúng các yêu cầu của HSMT nên quyền và lợi ích của nhà thầu trong quá trình tham gia đấu thầu phải được đảm bảo nếu có sai sót từ phía đơn vị mời thầu. Nhà thầu có thể được đền bù các chi phí hợp lý, hợp lệ trong quá trình tham dự thầu (nếu có). Đồng thời, người có thẩm quyền cần xem xét, làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan trong việc đưa ra các tiêu chí trong HSMT, phê duyệt và thẩm định HSMT khi các tiêu chí không đảm bảo lựa chọn được đúng loại hàng hóa như mong muốn của người thụ hưởng và mục tiêu của dự án, để xảy ra tình huống phát sinh, ảnh hưởng tới quyền lợi của các bên.