Theo tôi, mỗi bệnh viện, mỗi tuyến có chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Các bệnh viện tuyến trung ương như Việt Đức, Bạch Mai, Nhi Trung ương. Phụ sản Trung ương... không chỉ có vai trò chỉ đạo chuyên môn ở địa bàn Hà Nội, mà còn chỉ đạo tuyến cả ngành y tế.
Vì thế nếu đưa về Hà Nội, thì việc chỉ đạo tuyến cho các tỉnh, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới sẽ bị hạn chế rất nhiều - đây là điều mà chúng tôi rút ra từ thực tế đi chỉ đạo tuyến cho các vùng miền.
Nếu là bệnh viện của Hà Nội thì chức năng của họ sẽ chỉ hỗ trợ các bệnh viện quận, huyện, chứ nếu sang các tỉnh thì ngang cấp các bệnh viện tỉnh, nên việc giúp các tuyến sẽ khó khăn hơn.
Khi các tỉnh chuyển bệnh nhân về, thì các bệnh viện tuyến trung ương sẽ giúp được nhiều hơn và từ trung ương chi viện cho các tuyến tốt hơn, đồng thời, việc điều động, chi viện cho các tuyến dưới do Bộ Y tế chỉ đạo trực tiếp sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Ví dụ vụ sập cầu Chu Va, Bệnh viện Việt Đức cũng được điều lên chi viện cho địa phương, hay khi dịch COVID-19, Bệnh viện Việt Đức cũng vào thành lập Bệnh viện dã chiến Bình Chánh ở TP.HCM.
|
|
Chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới là thế mạnh của các bệnh viện tuyến trung ương. (Ảnh: Bác sĩ Nguyễn Mạnh Khánh) |
Còn về khám, chữa bệnh, chức năng nhiệm vụ của bệnh viện thuộc Hà Nội sẽ chỉ giúp cho người dân Hà Nội, cùng lắm là các tỉnh lân cận. Trong khi theo phân tuyến của Bộ Y tế, các tỉnh có thể chuyển thẳng về Bệnh viện Việt Đức.
Riêng việc khám, chữa bệnh cần tách bạch giữa các bệnh viện trung ương với địa phương như vậy.
Khi bệnh nhân các tỉnh về Hà Nội sẽ chồng chéo, nguy cấp, khó cho việc thanh toán bảo hiểm y tế vì là ngang cấp tỉnh, còn nếu về bệnh viện trung ương sẽ tốt hơn.
Thực tế thống kê cho thấy, ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tỷ lệ bệnh nhân ở Hà Nội chỉ một phần, còn chủ yếu ở các tỉnh và đều là những ca khó, nặng. Ngay cả bệnh nhân nặng, khó ở chính các bệnh viện Hà Nội cũng chuyển đến đây. Do đó, khám, chữa bệnh nên giữ mô hình trực thuộc Bộ Y tế như hiện nay sẽ phát huy tốt hơn.
Bên cạnh công tác khám, chữa bệnh và chỉ đạo tuyến, các bệnh viện tuyến trung ương còn có nhiệm vụ đào tạo gắn với các trường đại học, các chương trình đào tạo theo chỉ đạo của Bộ Y tế cho tuyến dưới như 1816, bệnh viện vệ tinh, rất nhiều chương trình lớn, mà nếu đưa về Hà Nội thì sẽ khó thực hiện được.
Vì các bệnh viện trung ương có mật độ chất xám cao, các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, các chuyên khoa đầu ngành nên thuận lợi trong đào tạo. Nếu chỉ bó buộc trong Hà Nội sẽ khó, vì các tỉnh đều có các trường đại học ở địa phương, nên nếu đưa bệnh viện tuyến trung ương về Hà Nội, thì sẽ không phát huy được chất xám của đội ngũ thầy thuốc, các chuyên gia đầu ngành trong đào tạo từ sự phối hợp giữa các bệnh viện trung ương với các trường.
Các bệnh viện trung ương còn có nhiệm vụ hợp tác quốc tế, nên nếu hợp tác theo tư cách trực thuộc Bộ Y tế thì sẽ có tầm hơn. Ví như Chính phủ Pháp hợp tác y tế với Việt Nam qua Chính phủ, dưới đó là Bộ Y tế và các bệnh viện trung ương, thì tiếng nói có trọng lượng hơn và mang tầm quốc gia, với đầu mối là các bệnh viện đầu ngành, rồi từ đó lan toả xuống các tuyến dưới. Còn nếu bệnh viện thuộc Hà Nội, thì Chính phủ các nước hay tổ chức quốc tế có giúp gì, cũng sẽ chỉ giúp trong địa bàn của Hà Nội.
Trong dự phòng, bệnh viện tuyến trung ương có tầm bao quát, tầm phủ sóng lớn hơn và đủ sức chi viện cho những nơi yếu kém.
Với những phân tích trên, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ hiện tại của các bệnh viện tuyến trung ương, tôi ủng hộ giữ nguyên mô hình hiện tại.