Hiện nay có một số người vay tiền của tín dụng đen (TDĐ), ngân hàng… sau đó vì không còn khả năng chi trả hoặc do bức xúc bởi việc vay tính lãi cao, gọi điện thoại khủng bố người thân của TDĐ… nên họ chọn cách “bùng nợ”.

Điều đáng nói là họ lại có suy nghĩ rằng không có tiền trả khoản vay thì bất quá trở thành nợ xấu, bên cho vay cũng sẽ chẳng làm gì được.

Hội nhóm chỉ cách "bùng nợ"

Theo ghi nhận của PV, trên các trang mạng xã hội hiện nay có một số hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm “bùng nợ”. Chỉ cần lên mạng gõ cụm từ “bùng nợ” sẽ cho ra một loạt hội nhóm với số lượng thành viên đăng ký rất đông. Nội dung mà các hội nhóm này thường đăng tải là chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cách “bùng nợ” khi không còn khả năng chi trả.

leftcenterrightdel
 Cố tình không trả nợ khi vay tiền online, người vay có bị đi tù?

Anh HMQ (ngụ Vĩnh Long) cho biết trước đây do cần tiền giải quyết công việc nên anh có vay một số tiền qua app. Họ tư vấn cho vay với lãi suất thấp, thủ tục vay đơn giản, trong ngày là có tiền.

“Tôi vay 30 triệu đồng mà mỗi tháng đóng gần 5 triệu đồng tiền lãi. Đóng được hơn một năm thì tôi không còn khả năng nữa nên bỏ mặc luôn. Sau đó, họ liên tục gọi điện thoại chửi rồi đe dọa tôi và người thân. Khi tham gia nhóm “bùng nợ trên mạng”, tôi được chỉ cho cách thay đổi số điện thoại của mình và người thân. Ai không đổi số điện thoại, có người gọi điện thoại đòi nợ thì cứ nói không biết gì hết, không quen biết ai vay tiền... Sự việc xảy ra cũng hơn một năm rồi, đến nay cũng không thấy họ gọi điện thoại nữa. Tôi nghĩ giờ mình chỉ mang danh nợ xấu mà thôi” - anh Q nói.

Chị TTH (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết chị cũng đang thiếu nợ TDĐ và được bạn mình giới thiệu tham gia một hội nhóm trên Facebook chuyên chia sẻ về những kinh nghiệm “bùng nợ”.

“Bạn tôi cũng từng vay tiền của TDĐ, trả tiền gốc và lãi được một thời gian thì không trả nổi vì lãi suất quá cao, trả hoài không hết nợ. Bí quá, bạn tôi có tham gia một nhóm trên mạng chuyên chỉ cách “bùng nợ” và đã thoát cảnh bị gọi điện thoại khủng bố ngày đêm đòi nợ. Còn tôi không phải là muốn giựt nợ, mà số tiền tôi trả trong thời gian qua đã gần gấp đôi số tiền tôi vay rồi mà vẫn chưa xong. Cứ chậm đóng ngày nào tính lãi thêm ngày đó, như vậy thì trả sao hết. Tôi giờ hết đường nên phải làm theo cách bạn tôi chỉ. Tôi ở trọ nên phải đi thuê trọ chỗ khác ở, tiếp nữa là thay số điện thoại. Tôi và người thân thấy số điện thoại lạ gọi đến là không nghe máy…” - chị H nói.

Tình trạng "bùng nợ" đáng báo động

Trao đổi với PV, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho biết thời gian qua việc “bùng nợ” đang trở nên phổ biến và ở mức báo động.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo TS Hiếu, xuất phát từ hai phía. Thứ nhất, từ phía người vay, có thể do người vay chưa ý thức được về trách nhiệm của mình hoặc thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật, nghe lời dụ dỗ, lôi kéo từ các hội nhóm trên mạng dẫn đến việc “bùng nợ”.

leftcenterrightdel
 Các hội nhóm tư vấn, hướng dẫn cách “bùng nợ” trên các trang mạng xã hội.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Thứ hai, từ phía cho vay, hiện nay có nhiều hình thức cho vay với thủ tục đơn giản như vay qua app, chỉ cần CMND/CCCD... Hoặc do các hành vi đòi nợ bất hợp pháp của tổ chức TDĐ như xiết nợ, đe dọa nhân phẩm của người vay nợ cũng như những người thân quen của họ khiến nhiều người không chịu được áp lực và tìm đến những hội nhóm chỉ cách “bùng nợ” như một giải pháp.

Cũng theo TS Hiếu, việc “bùng nợ” đang dần trở thành một phong trào xù nợ và phong trào này không thể chấp nhận được vì nó gây ra nhiều ảnh hưởng. Trước mắt là ảnh hưởng trực tiếp đến người “bùng nợ”, một khi vay nợ mà không trả là vi phạm pháp luật, sẽ bị pháp luật xử lý.

Đồng thời, việc xuất hiện quá nhiều hội nhóm hướng dẫn cách “bùng nợ” sẽ làm xuất hiện thêm nhiều người “bùng nợ” hơn. Từ đó gây ảnh hưởng hoặc tác động đến những người đã và đang vay tiền của các ngân hàng, tổ chức tín dụng chính thống.

Chia sẻ về giải pháp hạn chế tình trạng trên, TS Hiếu cho rằng các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần phải thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan trên các phương tiện truyền thông. Mục đích để giúp người dân thay đổi nhận thức, hiểu rõ về trách nhiệm của người vay khi vay, chỉ ra những hậu quả của việc “bùng nợ” để mọi người cùng thấy tính nghiêm trọng của sự việc.

“Các cơ quan chức năng cũng phải xử lý các trường hợp “bùng nợ” vi phạm pháp luật để mọi người lấy đó làm bài học. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng chính thống phải chuẩn bị những kế hoạch, giải pháp để ứng phó với tình trạng trên. Và tất nhiên, phải triệt phá các tổ chức TDĐ vì đó cũng là nguồn cơn gây ra tình trạng “bùng nợ” - TS Hiếu nói.

Bùng nợ bị xử lý thế nào?

Người nào không có khả năng chi trả mà quỵt nợ có thể sẽ bị xử phạt về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Mức phạt đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 BLHS năm 2015 (sửa đổi năm 2017), mức phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền với số tiền từ 10 triệu đến không quá 100 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm một công việc nhất định trong khoảng thời gian 1-5 năm, tùy theo mức độ phạm tội mà bị tịch thu toàn bộ hoặc một phần tài sản.

Người cố tình vay tiền để quỵt nợ có thể bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mức phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015 (sửa đổi năm 2017), mức phạt cao nhất lên đến tù chung thân.

Người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn có thể bị phạt tiền với mức phạt 10-100 triệu đồng, bị cấm làm công việc hoặc cấm hành nghề nhất định 1-5 năm, phạt tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản tùy theo mức độ vi phạm.

Những người kích động, xúi giục, chỉ cách lừa đảo hoặc cung cấp những điều kiện cần thiết cho người thực hiện hành vi lừa đảo nêu trên có thể bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm.

Luật sư HOÀNG ANH SƠN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Nguồn
Link bài gốc

https://plo.vn/vay-tien-roi-bung-no-coi-chung-di-tu-post740489.html