Jayoung nhận bằng giỏi ngành Quốc tế học, khoa Quốc tế học, với điểm trung bình học tập (GPA) 3,32/4, hôm 5/8.
"Em bất ngờ với kết quả đạt được vì từng chật vật với việc học. Em đã nghĩ tốt nghiệp được là may rồi", Jayoung nói.
Trước khi đến Việt Nam, Jayoung là sinh viên ngành Ngôn ngữ và Văn học Anh ở thành phố Daejeon, Hàn Quốc. Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu nên để tăng cơ hội việc làm, Jayoung nghĩ cần học thêm một ngoại ngữ hoặc chuyên môn khác. Cô thấy Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh, ngày càng nhiều tập đoàn, công ty lớn của Hàn Quốc đầu tư vào đây nên nhận định việc học tiếng Việt có thể mang lại nhiều lợi thế.
"Tôi quyết định sang Việt Nam du học", Jayoung kể.
|
|
Kwon Jayoung trong lễ tốt nghiệp đại học hôm 5/8 ở Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Nghe Jayoung nói muốn du học Việt Nam, bà Park Haekyong, mẹ Jayoung, "hơi ngạc nhiên" vì con chọn một ngôn ngữ ít người Hàn theo đuổi. Nhưng vợ chồng bà đã cùng tìm hiểu, thấy tương lai phát triển của Việt Nam và đồng ý để con đi.
"Tôi có niềm tin vào con gái. Jayoung vốn tự lập và mạnh mẽ từ nhỏ", bà Haekyong, 52 tuổi, nói.
Dù ủng hộ, bố mẹ Jayoung vẫn muốn con tới Việt Nam tìm hiểu trước. Năm 2018, Jayoung đến TP HCM và Hà Nội du lịch. Sau một tuần trải nghiệm cuộc sống ở hai thành phố, Jayoung chọn học đại học ở Hà Nội.
Để đi học, Jayoung phải có chứng chỉ tiếng Việt B2. Cô học tiếng Việt tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn rồi đăng ký vào ngành Quốc tế học của trường. Năm 2019, Jayoung là sinh viên nước ngoài duy nhất của lớp, theo học hầu hết môn bằng tiếng Việt.
Với chứng chỉ B2, Jayoung nghĩ có thể nghe hiểu được 50% bài giảng trên lớp. Nhưng khi học thực tế, cô không hiểu gì.
"Khó nhất là môn chủ nghĩa Mác-Lênin, Triết hay Thống kê", Jayoung chia sẻ.
Jayoung ghi âm lời giảng viên trên lớp, về nghe đến thuộc rồi chép ra vở, dùng Google dịch. Cô cũng kiên nhẫn tra từ mới sang tiếng Hàn để hiểu nội dung.
"Tôi phát khóc mỗi khi gặp từ tiếng Việt viết tắt", Jayoung kể.
Dù một số môn từng học thời trung học trước khi sang Việt Nam, Jayoung vẫn thấy khó khăn để hiểu bằng tiếng Việt. Cô từng nhận điểm 0 giữa kỳ một môn đại cương vì làm sai yêu cầu đề bài.
|
|
Jayoung và mẹ tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội |
"Tôi gọi điện cho mẹ, khóc suốt hai tiếng và đòi về. Mẹ khuyên suy nghĩ kỹ và phải có trách nhiệm với lựa chọn của mình", Jayoung nhớ lại. Nếu về Hàn Quốc, Jayoung sẽ phải bắt đầu lại từ đầu trong khi ở Việt Nam, chỉ cần vượt qua khó khăn về ngôn ngữ, vấn đề sẽ được giải quyết. Cuối cùng, cô chọn ở lại, xác định cách duy nhất để học tốt là chăm chỉ. Ngoài giờ học trên lớp, Jayoung tự học ở nhà, thường thức đến 3-4h.
"Chị ấy rất nỗ lực và thức khuya học. Trên lớp, chúng em nhiều khi ngủ gật, lười chép bài, còn chị ấy lúc nào cũng chăm chú và cặm cụi ghi chép", Nguyễn Thị Thảo, bạn học của Jayoung, chia sẻ.
Thảo là một trong những người bạn thân đã hỗ trợ Jayoung thời gian đầu khi cả hai học cùng các môn chung. Không nói được tiếng Hàn, Thảo giải thích cho Jayoung bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt rồi hướng dẫn làm bài. Sau khi Jayoung làm xong, Thảo sẽ kiểm tra và góp ý.
|
|
Jayoung và thầy hướng dẫn Nguyễn Trọng Chính (giữa) hôm bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
"Chị Jayoung sẽ làm bài tập bằng tiếng Anh hoặc tiếng Hàn trước, sau đó mới dịch sang tiếng Việt", Thảo kể.
Với Jayoung, Thảo không chỉ đồng hành cùng cô trong học tập mà còn trong cuộc sống.
"Thảo luôn bảo tôi 'không sao đâu, đừng lo lắng'. Thấy tôi khóc vì thi trượt, em ấy không nói gì, chỉ bật một bài hát tiếng Hàn với nội dung động viên lên cho tôi nghe. Tôi cảm thấy được an ủi rất nhiều", Jayoung nói.
Ngoài Thảo, Jayoung còn được nhiều bạn cùng lớp và thầy cô giúp đỡ. Các bạn trong lớp chủ động rủ cô vào làm cùng bài tập nhóm. Jayoung chịu trách nhiệm tìm kiếm tài liệu, tổng hợp thông tin, số liệu để các bạn khác trình bày. Mỗi khi cần giải quyết các thủ tục hành chính, họ lại cùng cô đến văn phòng khoa để hỗ trợ.
Jayoung mất 6 tháng mới thích nghi được với việc học. Khi mọi việc dần ổn định, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, khiến việc học ở trường phải chuyển sang online. Tuy nhiên, hình thức học này lại có hiệu quả với Jayoung vì cô có thể xem lại bài giảng, lưu trữ tài liệu để ôn tập cho các kỳ thi. Việc thầy cô giao bài qua các phần mềm cũng giúp cô dễ dàng nắm bắt được yêu cầu của đề bài hơn nghe giảng trực tiếp.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáp, chủ nhiệm lớp Jayoung, đánh giá cao học trò ở sự quyết tâm và khả năng hòa nhập tốt với môi trường học tập ở Việt Nam. Theo thầy Đáp, Jayoung có hai học kỳ nhận học bổng khuyến khích học tập của trường và là sinh viên người nước ngoài đầu tiên trong lịch sử hơn 25 năm của khoa giành được thành tích này.
"Tôi ấn tượng với sự quyết tâm của Jayoung. Tôi nghĩ một phần là do Jayoung đã xác định được mục tiêu rất rõ ràng về việc học ở Việt Nam", thầy Đáp nói.
Lợi thế tiếng Anh giúp Jayoung học các môn chuyên ngành từ năm thứ ba nhẹ nhàng hơn. Dưới sự hướng dẫn của thạc sĩ Nguyễn Trọng Chính, giảng viên khoa Quốc tế học, Jayoung hoàn thành khóa luận tốt nghiệp bằng tiếng Anh với đề tài "Di cư lao động từ Việt Nam sang Hàn Quốc". Khóa luận được đánh giá có tính thời sự, vừa khoa học lại thực tiễn. Danh mục tài liệu tham khảo phong phú, với nhiều ngôn ngữ.
"Khóa luận được chấm điểm xuất sắc, được đánh giá cao", thạc sĩ Chính cho biết.
Thầy Chính dạy Jayoung hai môn bằng tiếng Anh. Thầy nhận xét Jayoung phải có khả năng tự học cao mới có thể theo được chương trình và đạt bằng giỏi.
Hôm Jayoung tốt nghiệp, gia đình và bạn trai cô cũng từ Hàn Quốc sang dự. Chứng kiến con gái mặc áo cử nhân, bà Haekyong đã rất xúc động.
"Tôi tự hào về con gái. Tôi đã dành cho con một tràng pháo tay vì những cố gắng suốt 5 năm du học", bà Haekyong nói.
Hiện Jayoung làm việc cho một công ty Hàn Quốc, kiêm gia sư tiếng Anh cho những học sinh đồng hương tại Việt Nam. Đầu năm sau cô sẽ về Hàn Quốc nhưng vẫn hy vọng có cơ hội làm việc ở Việt Nam.
"Tôi yêu Việt Nam, muốn trở lại đây sống và làm việc", Jayoung nói.