Hiện nay trên mạng xã hội lan truyền video chia sẻ về kinh nghiệm ăn thạch sùng để trị hen suyễn. Theo đó, tài khoản T.A chia sẻ video cho bé trai ăn một dĩa chứa nhiều con thạch sùng chiên để trị bệnh hen suyễn. Theo chị T.A với trẻ dưới 6 tuổi việc ăn thạch sùng sẽ có tác dụng trị hen suyễn.

leftcenterrightdel
 Các video chia sẻ cách chế biến thằn lằn và khuyến cáo trị hen suyễn bằng cách này - Ảnh chụp màn hình

Ngoài ra, trên kênh TitTok của mình, chị T.A cũng thường xuyên đăng tải các video chiên thạch sùng. Các video này thu hút hàng triệu lượt xem. Trong phần bình luận nhiều người cũng bày tỏ niềm tin về phương pháp này. Có người còn chia sẻ muốn hiệu quả thì phải cho trẻ nuốt sống luôn không cần chiên.

Thông tin về việc ăn thạch sùng chữa hen suyễn, Tiến sĩ - dược sĩ Nguyễn Thành Triết, Phó trưởng Bộ môn Dược học cổ truyền - Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết, thạch sùng là loài động vật thường sinh sống ở trên trần, tường của ngôi nhà và hoạt động tích cực vào ban đêm.

Theo dược học cổ truyền, thạch sùng vị mặn, tính hàn, ít độc, có tác dụng bổ phế thận, tốt tinh huyết, chỉ khái định suyễn, an thần, chống co giật... thường được dùng để chữa các chứng bệnh như trúng phong tê liệt (liệt bại do tai biến mạch não), trẻ em kinh phong (co giật), trẻ em cam tích, lao hạch, hen phế quản, ho ra máu, viêm đa khớp dạng thấp, các chứng đau do thần kinh, nấm da...Tuy nhiên không nên tự ý sử dụng thạch sùng làm thuốc khi chưa được tư vấn đầy đủ của thầy thuốc.

leftcenterrightdel
 Những con thằn lằn được tẩm ướp gia vị được cho lên chảo dầu chiên khiến người xem "ớn lạnh" (Ảnh chụp màn hình)

Giống như tất cả các loài động vật có xương sống, thạch sùng bị ảnh hưởng bởi một số mầm bệnh, bao gồm cả ký sinh trùng. Thạch sùng bị nhiễm nhiều loại ký sinh trùng bên ngoài và bên trong, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Trong số hơn 6.000 loài thạch sùng, phần lớn không có nọc độc, nhưng trong số đó có nhóm thằn lằn thuộc họ Helodermatidae như Gila, thạch sùng cườm Mexico (Heloderma horridum) và rồng Komodo có tuyến nọc độc.

Có bốn loại nọc độc gây độc thần kinh, gây độc máu, gây độc cơ và gây độc tế bào/hoại tử. Nọc độc gây độc thần kinh, đúng như tên gọi, có thể vô hiệu hóa hoặc tắt các bộ phận trong hệ thần kinh của động vật bị ảnh hưởng. Nọc độc gây độc máu cản trở quá trình đông máu. Nọc độc gây độc cơ có thể làm hủy hoại mô cơ. Cuối cùng, nọc độc gây độc tế bào, còn được gọi là nọc độc hoại tử, gây chết tế bào trong cơ thể động vật bị ảnh hưởng. Một số loài thằn lằn nhỏ có chứa độc tố có thể bị nhầm lẫn với thạch sùng, nếu không cẩn thận có thể gây ngộ độc khi sử dụng.

Trong nước bọt và phân của các loài thạch sùng có thể chứa nhiều vi khuẩn, vi nấm, đặc biệt là vi khuẩn Salmonella, một loại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, nhiễm trùng huyết và nguy hiểm đến tính mạng.

Không thể phủ nhận thạch sùng đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái như ăn sinh vật có hại (muỗi, gián...) giúp ích cho con người. Việc sử dụng thạch sùng trong y học cổ truyền cho điều trị hen suyễn mặc dù có ghi nhận theo kinh nghiệm dân gian nhưng đến hiện nay vẫn chưa đủ các chứng cứ khoa học để ủng hộ cho cách điều trị này.

leftcenterrightdel
 Chủ tài khoản cho con ăn thằn lằn để trị hen suyễn (Ảnh chụp màn hình)

Thông tin về bệnh hen suyễn, theo Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan, khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, triệu chứng lâm sàng điển hình của hen suyễn là ho, khò khè, khó thở và nặng ngực. Tuy nhiên, cũng có nhiều người bệnh hen suyễn chỉ khó thở đơn thuần hoặc có người bệnh chỉ lên cơn suyễn khi giao mùa. Chính vì vậy, triệu chứng của bệnh suyễn rất đa dạng và rất khó để phát hiện nếu không có các xét nghiệm chuyên sâu.

Đối với người bệnh hen suyễn, việc phòng tránh và ngăn ngừa lên cơn hen suyễn cấp là vấn đề cần được quan tâm hơn cả. Yếu tố dễ dẫn đến cơn suyễn cấp là do thay đổi thời tiết. Việc nuôi thú cưng như mèo, chó cũng là một nguy cơ cho người bệnh hen suyễn khi dễ hít phải lông của chúng. Bên cạnh đó, việc dùng nước hoa, nước xả vải hoặc các chất tạo ra mùi thơm cũng là tác nhân gây gia tăng số cơn hen suyễn cấp của người bệnh.

Hen suyễn là bệnh mạn tính cần phải điều trị lâu dài, do đó người bệnh cần tuân thủ điều trị, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Các toa thuốc của người bệnh thường được cá thể hóa, mỗi người bệnh với mỗi triệu chứng, yếu tố nguy cơ khác nhau sẽ được chỉ định toa thuốc khác nhau. Do đó, người bệnh không nên dùng thuốc của người khác để điều trị cho bản thân. Ngoài ra, không mua thuốc gia truyền, thuốc không rõ nguồn gốc, mẹo dân gian.

Bác sĩ Lan cho biết, việc sử dụng thuốc chiếm 50% tỷ lệ thành công trong việc kiểm soát bệnh, 50% còn lại phụ thuộc vào việc người bệnh và người nhà người bệnh chú ý phòng ngừa các yếu tố nguy cơ. Chẳng hạn người bệnh dị ứng sầu riêng, nếu ăn phải một miếng bánh có sầu riêng cũng có thể dẫn tới nguy cơ tử vong. Người bệnh cũng tuyệt đối không được tự ý ngưng thuốc hoặc sử dụng thuốc không theo đơn của bác sĩ. Điều này có thể gây ra việc sốc phản vệ và dẫn tới tử vong trong thời gian rất ngắn.

Nguồn vietq
Link bài gốc

https://vietq.vn/chua-co-bang-chung-khoa-hoc-chung-minh-cho-tre-an-than-lan-co-the-tri-hen-suyen-d217364.html