Liên quan đến những ồn ào tại Tòa nhà Chung cư An Bình City (gọi tắt là chung cư An Bình, tại 234 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) thời gian qua do liên quan đến việc sử dụng, chi quỹ bảo trì 2%, Chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống) tiếp tục nhận thông tin phản ánh từ một số chủ sở hữu nhà Chung cư An Bình về việc công nhận thành viên Ban Quản trị tòa nhà chung cư An Bình City như hiện nay (bầu bổ sung) là chưa đủ cơ sở pháp lý.
Cụ thể, theo một số chủ sở hữu, HNNCC bất thường diễn ra ngày 27/11/2023 nhưng tại Quyết định số 5428/QĐ-UBND ngày 12/12/2022 của UBND quận Bắc Từ Liêm về công nhận Ban Quản trị tòa nhà chung cư An Bình City, đã xét văn bản đề nghị công nhận Ban Quản trị tòa nhà chung cư An Bình City ngày 02/11/2022.
Như vậy, văn bản đề nghị công nhận Ban Quản trị tòa nhà chung cư An Bình City được gửi đến UBND quận Bắc Từ Liêm ngày 02/11/2022 trước thời điểm diễn ra HNNCC ngày 27/11/2022 là trái ngược với những quy định tại Điều 41, khoản 1, điểm e và Điều 22, khoản 1, 2 của Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư(?).
|
|
Thời gian qua, Chung cư An Bình City có nhiều ồn ào xoay quanh quỹ bảo trì 2% |
Ngày 12/11/2023, thông tin nhanh với phóng viên về nội dung này, ông Chu Thanh Đàm - Trưởng ban quản trị Chung cư An Bình khẳng định: "Đây là sơ suất trong khâu phát hành văn bản".
Theo ông Đàm, HNNCC bất thường đã diễn ra đúng quy định pháp luật và khẳng định: "Ban Quản trị hiện tại làm việc rất công khai, minh bạch, chúng tôi luôn khẳng định mọi công việc Ban Quản trị làm luôn vì dân và dựa trên những lợi ích của cư dân".
Quan điểm về nội dung trên, luật sư Nguyễn Mạnh Trường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, nếu thực sự có những nội dung này, đồng nghĩa, việc ban hành và công nhận thành viên Ban quản trị chung cư An Bình (bầu lại) như một số chủ sở hữu phản ánh là hoàn toàn có cơ sở.
Bởi lẽ, chỉ cần trích dẫn mục căn cứ của Quyết định số 5428/QĐ-UBND ngày 12/12/2022 của UBND quận Bắc Từ Liêm, có thể thấy rằng, "văn bản đề nghị của Ban Quản trị xét công nhận Ban Quản trị bầu bổ sung ngày 02/11/2022" diễn ra trước (phát hành văn bản trước) thời điểm HNNCC bất thường (27/11/2022).
Như vậy, "văn bản đề nghị công nhận Ban quản trị tòa nhà chung cư An Bình City" là không hợp lệ (không hợp pháp, có dấu hiệu khống). Tuy vậy, UBND quận Bắc Từ Liêm lại căn cứ vào văn bản đề nghị này để làm cơ sở ra Quyết định số 5428 ngày 12/12/2022 để công nhận BQT tòa nhà chung cư An Bình City với thành viên BQT được bầu lại là không có cơ sở, trái với quy định tại Thông tư 02/2016 của Bộ Xây dựng.
|
|
Quyết định về việc công nhận Ban Quản trị tòa nhà chung cư An Bình City của UBND quận Bắc Từ Liêm |
Luật sư Nguyễn Mạnh Trường cho biết thêm, thời điểm có văn bản đề nghị công nhận Ban Quản trị bổ sung vào ngày 02/11/2022, HNNCC An Bình City nếu chưa tổ chức bất kỳ cuộc họp bất thường nào để bãi nhiệm thành viên Ban Quản trị cũ, để bầu ra thành viên BQT mới (bầu lại) là chưa đúng quy trình, quy định pháp luật.
|
|
Quyết định về việc công nhận Ban Quản trị tòa nhà chung cư An Bình City của UBND quận Bắc Từ Liêm |
Cũng theo luật sư Nguyễn Mạnh Trường, các nội dung mà một số cư dân phản ánh việc Ban Quản trị chung cư An Bình chưa công khai hợp đồng quản lý vận hành; hợp đồng bảo trì đã ký, kế hoạch bảo trì 2022 – 2023; quản lý, thu, chi quỹ bảo trì 2%... để có cơ sở đánh giá, xác định các dấu hiệu vi phạm, các chủ sở hữu nhà chung cư phải có đơn và các tài liệu để đối chiếu, kiểm chứng.
Theo luật sư, tài liệu bao gồm: Quy trình bảo trì nhà chung cư do Chủ đầu tư tổ chức lập và phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng; Quy trình bảo trì phần thiết bị thuộc sở hữu chung do nhà cung cấp thiết bị lập; Hồ sơ đã được bàn giao giữa Chủ đầu tư cho Ban quản trị.
Đây là tài liệu xác định nghĩa vụ của Chủ đầu tư được lập bắt buộc theo quy định của pháp luật về nhà ở, phải được bàn giao cho Ban Quản trị nhà chung cư.
"Khi có đầy đủ những tài liệu nói trên, mới có cơ sở để xem xét, đánh giá dấu hiệu vi phạm của Ban Quản trị (nếu có), cũng như căn cứ để các chủ sở hữu kiểm tra, đối chiếu trong quá trình sử dụng, quản lý, vận hành nhà chung cư và cũng là cơ sở để các chủ sở hữu tự bảo vệ quyền, nghĩa vụ theo quy định nếu có vi phạm xảy ra", luật sư cho hay.
Cũng theo luật sư, hiện thành viên Ban Quản trị nhà chung cư được bầu lại (bầu bổ sung) theo cuộc Hội nghị nhà chung cư (HNNCC) ngày 27/11/2022. Sau cuộc họp này, thành viên Ban Quản trị mới chưa hoặc không có Đơn đề nghị gửi cơ quan có thẩm quyền ra Quyết định công nhận thành viên Ban Quản trị nhà chung cư bầu lại theo quy định của pháp luật về nhà ở, thì việc thực hiện chức năng của Ban Quản trị là chưa có đủ cơ sở pháp lý theo quy định của pháp luật.
Để đảm bảo các quyền lợi của chủ sở hữu, nếu đã phát hiện có dấu hiệu bị xâm phạm của Ban Quản trị, các chủ sở hữu nhà chung cư có thể gửi đơn phản ánh các vi phạm đến các cơ quan, người có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết, bảo vệ quyền theo quy định của pháp luật.