Tại đại hội cổ đông thường niên của Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) sáng 26/4, ông Dương Công Minh, chủ tịch ngân hàng dành nhiều thời gian chia sẻ với cổ đông, mở đầu bằng việc phản hồi các tin đồn gần đây.
Các cổ đông đều rất quan tâm và trông chờ ông Minh trực tiếp đính chính về tin đồn bị cấm xuất cảnh do liên quan tới Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan.
Ông Dương Công Minh nói bản thân hiện là cổ đông lớn nhất của Sacombank, là đại diện và Chủ tịch Sacombank. Tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông, sẽ ảnh hưởng tới ngân hàng, qua đó ảnh hưởng quyền lợi cổ đông.
"Tôi không liên quan gì tới bà Trương Mỹ Lan và cũng không liên quan tới các vụ việc của bà ấy. Vụ việc của bà Lan đã được kết luận điều tra, có cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát và đã được Toà án xử lý. Tôi không liên quan một câu, một chữ, một dấu chấm, một dấu phẩy nào trong kết luận điều tra vụ án này", ông Minh khẳng định, cho rằng đây là tin đồn xuất phát từ hiềm khích cá nhân.
|
|
Ông Dương Công Minh tại đại hội cổ đông Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín sáng 25/4. (Ảnh: Sacombank) |
Trước đó tối 1/4, trên mạng xã hội xuất hiện tin ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - bị cấm xuất cảnh vì tham gia rửa tiền cho bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Công ty Vạn Thịnh Phát và một số thông tin khác.
Ngân hàng Sacombank ngay sau đó khẳng định thông tin nêu trên hoàn toàn bịa đặt và vu khống để bôi xấu lãnh đạo Sacombank.
Chiều 2/4, vài giờ sau khi cổ phiếu STB bị bán tháo vì tin đồn trên, đại diện Bộ Công an cũng cho biết Chủ tịch Sacombank "không trong danh sách bị cấm xuất cảnh".
Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết cơ quan này bác bỏ mọi thông tin sai sự thật nhằm phá hoại, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động bình thường của hệ thống tài chính, ngân hàng. Mọi hành vi đưa tin sai sự thật sẽ bị phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ông Dương Công Minh sinh năm 1960 tại Bắc Ninh, là cử nhân kinh tế (Đại học Kinh tế Quốc dân). Những năm 1984-1993, ông là sỹ quan công ty xuất nhập khẩu thuộc Bộ Quốc phòng. Giai đoạn 1994-1997, ông là Giám đốc xí nghiệp xây dựng - Công ty Thanh Bình cũng thuộc Bộ Quốc phòng. Sau đó, ông Minh giữ vai trò đứng đầu tại Công ty cổ phần Him Lam và một số công ty khác.
Trước khi tham gia HĐQT Sacombank, ông Minh từng là Chủ tịch HĐQT một nhà băng khác là LienVietPostBank (hiện tại là LPBank) trong nhiều năm. Sau đó, ông thoái toàn bộ gần 15% vốn cổ phần của Him Lam tại nhà băng này.
Ông Minh được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Sacombank năm 2017. Đầu năm 2018, ông rút khỏi Him Lam và ba công ty khác để tập trung cho quá trình tái cơ cấu ngân hàng này.
Tại đại hội, nhiều vấn đề khác về cổ tức, hành trình tái cơ cấu, kết quả kinh doanh... của Sacombank cũng được cổ đông quan tâm.
Năm nay, Sacombank vẫn chưa hoàn tất quá trình tái cơ cấu do "nút thắt" duy nhất liên quan đến khoản nợ của ông Trầm Bê được thế chấp tại Sacombank.
Theo phương án phân phối lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Sacombank sau khi trích lập các quỹ còn 5.716 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất giữ lại của các năm trước là 12.670 tỷ đồng. Theo đó, lũy kế lợi nhuận hợp nhất giữ lại của Sacombank là 18.387 tỷ đồng. Nhưng như các năm trước, Sacombank vẫn chưa thể chia cổ tức trong năm nay.
Vướng mắc duy nhất khiến chưa hoàn tất cơ cấu, cũng như trả cổ tức là do còn khoản nợ xấu của ông Trầm Bê. Sacombank đã trình Ngân hàng Nhà nước cho phép bán đấu giá, khi bán xong khoản này mới khôi phục lại vốn.
Năm 2024, Sacombank đặt mục tiêu tổng tài sản 724.100 tỷ đồng, tăng 10%. Nguồn vốn huy động tăng 10% lên 636.600 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng dự kiến tăng 11% đạt 535.800 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế tăng 10% lên 10.600 tỷ đồng.