Xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, không để lọt hành vi tiêu cực

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 28/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Dương Khắc Mai - đoàn Đắk Nông

Đại biểu Dương Khắc Mai - đoàn Đắk Nông nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Theo đại biểu, hiện nay trong hoạt động đấu giá tài sản còn nhiều bất cập, tiêu cực như: Tình trạng "quân xanh, quân đỏ" thông đồng khống chế giá, nhất là còn tình trạng thông đồng giữa người có tài sản đấu giá và tổ chức bán đấu giá; quy định về áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến còn một số hạn chế, bất cập; quy định về thời hạn bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá còn một số chưa hợp lý, chế tài xử lý chưa đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm.

Việc định giá tài sản xác định giá khởi điểm để đấu giá, đặc biệt là đấu giá quyền sử dụng đất còn chưa hợp lý. Còn một số trường hợp xác định giá khởi điểm rất thấp so với giá thị trường dẫn đến tình trạng đầu cơ, trục lợi, lợi ích nhóm gây nguy cơ thất thoát tài sản của Nhà nước.

Đối với tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước có mức giá khởi điểm từ 500 triệu đồng trở lên thì nên quy định phải tiến hành đấu giá theo hình thức trực tuyến.

Do đó, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xử lý tài sản công không để sơ hở, bất cập để các đối tượng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu giá tài sản lợi dụng để trục lợi.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu quy định chặt chẽ về quyền và trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá tài sản, đấu giá viên tổ chức đấu giá tài sản quy định cụ thể việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản, đặc biệt là đấu giá tài sản thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.

Đối với tài sản thi hành án, đây là một tài sản đặc thù. Mặt khác, chấp hành viên chỉ là người có quyền đưa tài sản ra đấu giá theo quy định của pháp luật, không phải là người sử dụng tài sản và cũng không phải là người sở hữu tài sản. Do đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu có những quy định riêng cho phù hợp với quy định về thi hành án cũng như bảo đảm tốt quyền lợi của người sở hữu, sử dụng tài sản.

Theo đại biểu Dương Khắc Mai, đấu giá là một nghề, nghề đấu giá. Chính vì vậy, cần phải được đào tạo bài bản từ kiến thức đến kỹ năng tổ chức đấu giá, từ đó mới có đội ngũ đấu giá viên chuyên nghiệp theo quy định tại Điều 12 của dự thảo luật.

Có một số ngành nghề như: Luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên... được miễn đào tạo nghề đấu giá là chưa phù hợp với yêu cầu ngày càng tăng của công tác đấu giá... Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 42 của dự thảo luật như sau: "Công bố 3 phiếu trả giá cao nhất với sự giám sát của ít nhất 1 người tham gia đấu giá và đại diện của người có tài sản đấu giá."

"Đấu giá tài sản là yêu cầu, xu hướng tất yếu của giai đoạn hiện nay, tuy nhiên, việc đấu giá tài sản thời gian vừa qua phát sinh không ít những bất cập, hạn chế, thậm chí có những cuộc đấu giá để lại những dư luận xấu trong xã hội" - đại biểu nói.

Vì vậy, sửa đổi Luật Đấu giá tài sản lần này cần phải đảm bảo xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ để những hành vi tiêu cực không thể lọt qua, đủ cứng và chắc chắn để không bị tác động làm cong vênh và với chế tài đủ mạnh để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa từ sớm, từ xa các hành vi vi phạm.

Đại biểu Phạm Đức Ấn - đoàn Hà Nội đồng tình cao với đề xuất của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản cũng như đánh giá của Chính phủ cho thấy, qua đấu giá đạt được rất nhiều kết quả, nhiều tài sản qua đấu giá đạt những giá trị lớn, đóng góp tích cực cho việc quản lý, sử dụng tài sản công.

Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ và Bộ Tư pháp cũng đề cập đến vấn đề tiêu cực phát sinh trong quá hình thực hiện đấu giá, như tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp bị xử lý hành chính và hình sự.

Đặc biệt, trong báo cáo của Bộ Tư pháp đề cập tình trạng thông đồng dìm giá, quân xanh, quân đỏ, cò mồi, đe dọa, cưỡng ép xảy ra khá tinh vi, có xu hướng ngày càng phức tạp nên quá trình thanh tra, kiểm tra thông thường rất khó phát hiện và chỉ có thể có sự vào cuộc của cơ quan công an bằng các biện pháp nghiệp vụ thì mới phát hiện ra.

Đại biểu cho rằng, cần nâng cao trách nhiệm của Bộ Tư pháp tại Điều 77 của Luật Đấu giá trong việc có những hướng dẫn để thu thập, thống kê thông tin của các cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá để phát hiện những bất thường và cùng đó phối hợp với Bộ Công an để có những việc điều tra, xử lý.

Ông Phạm Đức Ấn cũng cho rằng, vấn đề liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, đấu giá trực tuyến cần được khuyến khích và có lộ trình bắt buộc áp dụng để góp phần vào việc giảm tiêu cực trong đấu giá.

Đề nghị tăng tiền cọc để tránh tình trạng "cò" tham gia đấu giá

Đại biểu Trần Văn Khải - đoàn Hà Nam nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản lần này là hết sức cần thiết, góp phần ngăn chặn nạn tham nhũng, nhũng nhiễu, lạm dụng, gây mất an ninh trật tự và thất thoát ngân sách trong lĩnh vực này.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Trần Văn Khải - đoàn Hà Nam

Đại biểu quan tâm đến đấu giá tài sản có giá trị lớn, khó định giá, tài sản phi vật thể như: Quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng rừng, cho thuê rừng. Việc đấu giá tài sản này rất khác biệt, có nhiều bất cập, cần nghiên cứu bổ sung quy định chặt chẽ hơn, đặc biệt là hành vi nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá tài sản, như đấu giá quyền sử dụng đất quy định tại Điều 9 của Luật Đấu giá tài sản.

Theo đại biểu, tình trạng người tham gia đấu giá không đủ năng lực tài chính là phổ biến. Theo Luật Đấu giá tài sản hiện hành, khoản 5 Điều 9 quy định các hành vi nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá tài sản, không có quy định xác định nguồn lực tài chính của người tham gia đấu giá.

Việc này dẫn đến tình trạng lợi dụng đấu giá làm rối loạn thị trường đất đai, hay đấu giá hộ không đủ nguồn lực tài chính, nhiều trường hợp dựa hoàn toàn vào bảo lãnh của ngân hàng, hay trường hợp bỏ cọc xảy ra không dễ thu tiền cọc, hoặc trúng đấu giá xong thì triển khai dự án rất chậm trễ.

Đây là vấn đề rất nghiêm trọng đã xảy ra phổ biến, đặc biệt là đấu giá tài sản quyền sử dụng đất. "Trong thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay cũng là lỗ hổng pháp lý lớn nhất là xác định năng lực tài chính, vốn thực có của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất" - đại biểu nêu.

Do đó, phải làm sao kiểm soát được nguồn tài chính, nguồn vốn công khai, minh bạch của người tham gia đấu giá có đủ năng lực tài chính để tham gia đấu giá trong các cuộc đấu giá.

Về hiện tượng cò đấu giá, "quân xanh, quân đỏ" lộng hành, đại biểu bày tỏ, để ngăn chặn hiện tượng cò đấu giá, quân xanh, quân đỏ lộng hành, thông đồng dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá hay đe dọa người tham gia đấu giá để dìm giá, bỏ giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường, thì việc xử lý nghiêm việc để lộ, lọt thông tin như dự thảo là cần thiết.

Đồng thời, cần bổ sung điểm 2, điểm 3 Điều 9 Luật Đấu giá tài sản quy định "Nghiêm cấm tổ chức đấu giá tài sản và Hội đồng đấu giá tài sản để người không có đủ năng lực tài chính, nguồn vốn tham gia đấu giá".

Bên cạnh đó, về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản tại Chương III, Điều 38 quy định đăng ký đấu giá tài sản tại điểm 4: "Những người không được tham gia đăng ký đấu giá tài sản cần bổ sung quy định không đủ năng lực tài chính, nhằm xác định lý lịch tài chính người tham gia đấu giá vào hồ sơ, trong đó xác định rõ về ngành nghề, công việc, nguồn vốn lịch sử tham gia đấu giá, việc đóng thuế, vi phạm hành chính kinh tế...”.

Những bổ sung này rất cần thiết để người tham gia đấu giá những tài sản có giá trị rất lớn, tài sản phi vật thể là quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản hay quyền sử dụng rừng, quyền sử dụng đất trong nhiều trường hợp là tài sản rất lớn, có ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng lâu dài liên quan đến an ninh, kinh tế quốc phòng.

Vì vậy, không phải ai cũng đủ năng lực tài chính để tham gia đấu giá. Từ những thực tế nêu trên và phân tích, đại biểu kiến nghị Luật Đấu giá tài sản nên bổ sung nội dung các hành vi nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá tài sản.

leftcenterrightdel
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - đoàn Hải Dương 

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - đoàn Hải Dương đề nghị cần tăng số tiền đặt cọc để tránh tình trạng cò tham gia đấu giá để trục lợi, nhất là đấu giá đất.

Hiện nay dự thảo luật đang quy định số tiền từ 5% đến 10% giá trị tài sản, đại biểu đề nghị tăng lên tối thiểu 20% như nhiều đại biểu trước đề nghị. Bởi vì con số tối đa giao quyền cho các địa phương căn cứ vào đặc điểm tình hình để xác định nhưng không thấp hơn 20%. Như vậy những người có nhu cầu thực sẽ tham gia, còn các đối tượng cò sẽ hạn chế tham gia do số tiền đặt cọc lớn.

Mặt khác, tăng tiền đặt cọc phải đi kèm với giảm số ngày quy định thời hạn nộp tiền. Hiện nay Nghị định 126 đang quy định 90 ngày, theo đại biểu số thời gian đó quá dài và tạo điều kiện cho các đối tượng cò nộp tiền cọc rồi đi tìm người bán lại ngay.


Nguồn Congthuong
Link bài gốc

https://congthuong.vn/chan-tinh-trang-quan-xanh-quan-do-trong-dau-gia-tai-san-288448.html